[Chương trình Phát thanh Măng non tạm biệt năm 2021, chào đón năm 2022 của Liên Đội Trường Nguyễn Siêu]
Mời thầy cô và các bạn click vào tab bên dưới để nghe podcast:
Các bạn thân mến! Thế là chúng ta đang trải qua mùa đông giá buốt với tiết trời của miền Bắc. Chỉ còn một ngày nữa chúng ta sẽ bước sang năm mới - năm 2022. Trong chương trình phát thanh hôm nay, mời thầy cô và các bạn cùng tìm hiểu phong tục tập quán đón năm mới của các quốc gia trên thế giới để phần nào hiểu thêm về con người, văn hoá và lối sống của các quốc gia trên thế giới.
Ở Mỹ, những bữa tiệc khiêu vũ được tổ chức vào đêm Giao thừa để đón chào một năm mới. Món ăn Hoppin' John (gồm đậu đen và gạo) cùng các món bánh và sâm panh sẽ được thưởng thức trong năm mới. Ở Mỹ, người ta cho rằng đậu đen sẽ mang lại may mắn, người dân Mỹ thường xem những trận bóng tranh giải vô địch ở sân vận động hay qua vô tuyến truyền hình. Họ cũng tụ tập từ rất sớm ở quảng trường Thời đại ở thành phố New York và chờ đợ khoảnh khắc quả cầu pha lê được thả xuống. Đó cũng là lúc họ nói “Chúc mừng năm mới”.
Tại Nga, Tết là một trong những dịp lễ quan trọng nhất, bởi đây là ngày lễ của hạnh phúc và bình an. Người Nga luôn mong muốn được đón năm mới với cây thông Tết được trang hoàng lộng lẫy trong nhà. Tại Thủ đô Mát-xcơ-va, Tết đến, một cây thông khổng lồ được đặt ở quảng trường cung điện Krem-li. Khi đến giao thừa, ông già Tuyết xuất hiện bên cạnh nàng công chúa tóc vàng diễm lệ, vai mang túi quà phân phát cho trẻ em và cùng nhau nhảy múa dưới cành thông. Ngày đầu năm mới, người dân có tục tặng bánh mì và muối cho khách quý.
Ở Anh, mọi người cùng tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus để nghe tiếng chuông của Tháp đồng hồ Big Ben ở Luân Đôn thông báo thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã tới. Mọi người cùng năm tay nhau để hát bài Auld Lang Syne. Người Anh cho rằng phong tục xông nhà là rất quan trọng, xông nhà sẽ mang lại may mắn cho gia chủ, bởi vậy những người xông nhà phải là đàn ông trẻ, khỏe mạnh và ưa nhìn. Người xông nhà phải có mái tóc đen và mang theo một ít than, tiền, bánh mì và muối bởi đó là biểu tượng của sự giàu có. Ban đầu, phong tục tặng quà được thực hiện vào năm mới, nhưng hiện nay đã được chuyển sang dịp lễ Giáng sinh. Vào năm mới, những người đàn ông Anh thường đưa tiền cho những người vợ để họ mua sắm cho bản thân mình, khoản tiền này được gọi là “pin money”. Tuy nhiên, truyền thống này đã không còn tồn tại, nhưng cum từ “pin money” vẫn được dùng để chỉ món tiền dùng riêng cho bản thân, đặc biệt được dung để nói về khoản tiền mà người chồng đưa cho người vợ. Vào năm mơi, trẻ em ở Anh thường dậy sớm và đi tới nhà của những người hàng xóm xung quanh và hát những bài hát chúc mừng. Chúng sẽ được cho tiền, bánh nướng nhân thịt băm, táo…
Tại Nam Phi, chuông nhà thờ báo hiệu năm mới trong đêm giao thừa và thường có lễ bắn súng chào mừng. Mọi người ăn mặc sặc sỡ và nhảy múa đón chào một năm mới sắp đến. Người ta cũng đổ ra đường rất đông và cùng nhau cầu nguyện.
Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa. Người Nhật tổ chức năm mới vào ngày 1/1 dương lịch. Trong năm mới, người ta thường treo một vòng làm bằng rơm khô trước cửa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và sự may mắn. Trong năm mới khi gặp nhau, người ta thường cười to với hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Để xua tan mọi điều xui xẻo trong đêm giao thừa, người Nhật thường rung chuông 100 lần! Tết ở Nhật Bản kéo dài tới 2 tuần.
Năm mới là dịp mọi người cùng nhau quây quần bên nhau, là dịp để mọi người trong gia đình tụ họp. Ở mỗi nước trên thế giới lại có phong tục đón tết khác nhau, đó cũng chính là sự thể hiện nét độc đáo trong văn hóa của các nước. Tuy nhiên, thời khắc đón năm mới là thời khắc thiêng liêng và quan trọng, một năm mới đến với những niềm vui, may mắn và xua đi những điều không may của năm cũ. Năm cũ 2021 sắp qua đi, năm mới 2022 đã đến phát thanh măng non kính chúc thầy cô giáo và các bạn lời chúc năm mới sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và bình an trong năm mới - năm 2022.