CHƯƠNG TRÌNH CAMBRIDGE TẠI NGUYỄN SIÊU
1. Lịch sử
Chương trình Cambridge Nguyễn Siêu được giảng dạy khoá đầu tiên vào năm học 2013-2014. Sau 10 năm thực hiện, nhà trường đã tăng quy mô các lớp Cambridge từ vài lớp thí điểm cho tới gần 80% tổng số lớp toàn trường (tính tới năm học 2023-2024). Điều này cho thấy chương trình ngày càng được cha mẹ học sinh và học sinh tin tưởng.
[ Đọc thêm: Cambridge Outlook: Một câu chuyện từ Việt Nam - trao đổi giữa Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Bà Nguyễn Thị Minh Thúy) và Giám đốc chương trình Cambridge tại Việt Nam và Myanmar (Ông Melvyn Lim) trên Tạp chí của Cambridge số 26 phát hành toàn thế giới. ]
Hiện nay, chương trình Cambridge Nguyễn Siêu đang cung cấp 12+ môn học theo hai lộ trình: Khoa học cơ bản và Kinh tế Xã hội.
2. Tại sao chọn Cambridge Nguyễn Siêu?
3. Lộ trình học tập
Một số câu hỏi thường gặp về chương trình Cambridge Nguyễn Siêu
- Chương trình Cambridge của Nguyễn Siêu khác gì so với các chương trình Cambridge khác ở Việt Nam?
Để tổ chức một chương trình Cambridge tốt cần giải được ba bài toán: một là lựa chọn môn học phù hợp với điều kiện địa phương cũng như năng lực/nhu cầu của học sinh, hai là cách thức tổ chức chương trình đó phải hiệu quả và ba là phải xây dựng được đội ngũ giáo viên Cambridge giỏi.
Thứ nhất, việc lựa chọn môn học được chúng tôi cân nhắc rất kĩ lưỡng trên cơ sở điều tra nhu cầu người học cũng như tham khảo kinh nghiệm của chuyên gia Cambridge và các trường đối tác của Nguyễn Siêu tại nước ngoài. Ngoài lựa chọn gần như bắt buộc là các môn cơ bản như Toán, Tiếng Anh, Vật lí, Hoá học và Sinh học thì chúng tôi còn tiên phong lựa chọn giảng dạy các môn kinh tế - xã hội ngay từ rất sớm cho học sinh (từ lớp 9) dù hiện nay có rất ít trường tại Việt Nam có lựa chọn như vậy (tuy nhiên trên thế giới thì nhóm ngành này không có gì là xa lạ).
Thứ hai là cách tổ chức giảng dạy. Giảng dạy chương trình Cambridge tại Việt Nam (trừ các trường quốc tế) có một đặc thù là phải cân bằng giữa hai chương trình Cambridge và chương trình Việt Nam của Bộ GD-ĐT, sao cho không chồng chéo với nhau và phát huy được điểm mạnh của cả hai chương trình. Việc tích hợp chương trình yêu cầu phải cải tiến và hoàn thiện hàng năm dựa trên thực tế giảng dạy cũng như thay đổi/cập nhật chương trình trong cả chương trình Cambridge và Việt Nam. Khi đó, kinh nghiệm tổ chức giảng dạy chương trình Cambridge năm thứ 8 của Nguyễn Siêu phát huy được thế mạnh và tạo nên khác biệt về chất lượng.
Thứ ba là việc xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi. Ngoài việc yêu cầu về bằng cấp (bằng đại học với chuyên ngành môn giảng dạy và chứng chỉ sư phạm) thì Cambridge yêu cầu cao hơn về phẩm chất giáo viên Cambridge (thể hiện qua ma trận phẩm chất giáo viên mà họ kì vọng giáo viên dạy chương trình Cambridge phải có). Tại Nguyễn Siêu, ngoài yêu cầu về bằng cấp quốc tế (yêu cầu bắt buộc) thì chúng tôi liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn nội bộ và quốc tế cho giáo viên Cambridge để có thể đáp ứng cao nhất các yêu cầu của Cambridge về phẩm chất người giáo viên (có thể kể đến các phẩm chất như: hiểu về người học, nắm vững/cập nhật kiến thức môn học, kĩ năng sư phạm, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khả năng tạo môi trường học tập an toàn hiệu quả, lập kế hoạch-giảng dạy-đánh giá, sáng kiến kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ với CMHS và cộng đồng…)
Cần nói thêm, Nguyễn Siêu là trường Cambridge chính thức, cũng là một điển hình tốt của Cambridge tại Việt Nam nên được phía Cambridge hỗ trợ thường xuyên với hiệu quả cao.
- Con tôi có thể học Cambridge từ lớp mấy? Yêu cầu là gì?
Cambridge là chương trình phổ thông có số người học lớn nhất thế giới cho học sinh từ 5-19 tuổi. Tại Nguyễn Siêu, về cơ bản học sinh có thể bắt đầu học Cambridge từ bất cứ lớp nào (từ lớp 1-12).
Tuy nhiên, do chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh nên điều kiện ngôn ngữ là bắt buộc (tham khảo điều kiện ngôn ngữ). Hơn nữa, càng lên cấp cao thì càng cần phải có kiến thức nền tảng trước đó do kết cấu chương trình Cambridge là theo đường xoắn ốc (mỗi nội dung kiến thức sẽ được trở đi trở lại ở nhiều năm nhưng ở các độ khó tăng dần). Do vậy, để được tuyển sinh vào các lớp Cambridge, chúng tôi sẽ phải kiểm tra tối thiểu 2 nội dung: ngôn ngữ và kiến thức nền Cambridge trước đó để đảm bảo học sinh có thể theo học chương trình có hiệu quả.
- Học sinh học chương trình Cambridge phải học hai chương trình Việt Nam và Cambridge, như vậy có nặng quá không?
Có và không. Việc học hai chương trình đương nhiên sẽ nặng hơn học chỉ một chương trình. Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy 7 năm qua, chúng tôi có thể tự tin khẳng định học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể học tốt cả hai chương trình và đạt kết quả cao. Để đạt được hiệu quả này, cần tránh chồng chéo nội dung học tập và phát huy được điểm mạnh của cả hai phía. Việc đối chiếu và tích hợp chương trình được chúng tôi cải tiến và hoàn thiện hàng năm dựa trên thực tế giảng dạy cũng như thay đổi/cập nhật chương trình trong cả chương trình Cambridge và Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy hai chương trình bổ trợ cho nhau rất hiệu quả nếu biết tổ chức giảng dạy phù hợp.
- Tại sao Nguyễn Siêu triển khai nhóm ngành kinh tế cho học sinh trung học? Như vậy có quá sớm không? Yêu cầu với học sinh là gì và học sinh nào nên chọn nhóm ngành này?
Chúng tôi cho rằng việc giảng dạy kinh tế tại Việt Nam hiện nay quá muộn. Nếu nhiều nước, học sinh được học về kinh tế ngay từ tiểu học thì chúng ta hiện vẫn chưa giảng dạy chính thức trong chương trình phổ thông. Qua quá trình giảng dạy các môn kinh tế hơn 2 năm qua, chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ phía học sinh, đồng thời tỉ trọng các lớp theo nhóm ngành kinh tế-xã hội hiện cũng tăng lên gần bằng nhóm ngành khoa học tự nhiên.
Để học nhóm ngành kinh tế, trước tiên học sinh cần tự trả lời các câu hỏi sau: học sinh có hứng thú đam mê với các vấn đề kinh tế tài chính không? học sinh có thiên hướng thích các môn khoa học xã hội hơn khoa học tự nhiên không? và gia đình có hoạt động về kinh tế-tài chính không? Nếu 2/3 câu trả lời là có thì nhiều khả năng học sinh sẽ phù hợp với nhóm ngành này.
- Học sinh cần học bao nhiêu môn để tốt nghiệp chương trình Cambridge?
Cambridge không đưa ra khái niệm “tốt nghiệp” theo cách chúng ta thường hiểu. Học sinh có thể học bao nhiêu môn IGCSE hay A Level tuỳ thích phụ thuộc vào khả năng của mình. Cambridge không đưa ra một yêu cầu cụ thể nào về số môn học để “kết thúc” chương trình, vì cơ bản Cambridge coi học tập là việc suốt đời. Tuy nhiên, việc lựa chọn số môn học của Nguyễn Siêu dựa trên nghiên cứu về yêu cầu đầu vào của các trường đại học trên thế giới. Thông thường, các trường đại học quốc tế sẽ xét ba điểm A Level của học sinh khi tuyển sinh vào trường. Và để có 3 điểm A Level thì thông thường các trường trung học sẽ dạy 5-7 môn IGCSE làm cơ sở. Để cân bằng các yếu tố trên với điều kiện hiện tại của Việt Nam, Nguyễn Siêu lựa chọn dạy 5 môn tại bậc học IGCSE và 3 môn tại bậc học A Level.
- Khi nhà trường nói về tiêu chuẩn quốc tế (như cơ sở vật chất hay cán bộ giáo viên) thì đó là tiêu chuẩn nào?
Với mỗi môn học Cambridge thường sẽ có yêu cầu riêng về cơ sở vật chất. Việc lựa chọn môn học của mỗi trường (khi tổng hợp lại) sẽ đưa đến yêu cầu về cơ sở vật chất tổng thể. Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tổng thể cho tất cả các môn học thì trường coi như đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Vậy có thể thấy, một trường chỉ dạy Cambridge tiểu học sẽ có tiêu chuẩn rất khác với trường dạy A Level, dù đều đạt “chuẩn quốc tế”. Cambridge tiểu học hầu như yêu cầu rất ít về cơ sở vật chất trong khi bậc A Level lại yêu cầu rất cao và khắt khe về cơ sở vật chất (để phục vụ thí nghiệm, thực hành). Nguyễn Siêu tự hào khi sau một chặng đường dài phấn đấu, hiện chúng tôi đã có khoá A Level đầu tiên với kết quả rất đáng khích lệ.
Về giáo viên, ngoài điều kiện cần là bằng cấp (bằng đại học với chuyên ngành môn giảng dạy và chứng chỉ sư phạm) thì Cambridge yêu cầu cao hơn về phẩm chất giáo viên Cambridge (thể hiện qua ma trận phẩm chất giáo viên mà họ kì vọng giáo viên dạy chương trình Cambridge phải có). Tại Nguyễn Siêu, bên cạnh yêu cầu về bằng cấp quốc tế (yêu cầu bắt buộc) thì chúng tôi liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn nội bộ và quốc tế cho giáo viên Cambridge để có thể đáp ứng cao nhất các yêu cầu của Cambridge về phẩm chất người giáo viên (hiểu về người học, nắm vững/cập nhật kiến thức môn học, kỹ năng sư phạm, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khả năng tạo môi trường học tập an toàn hiệu quả, lập kế hoạch-giảng dạy-đánh giá, sáng kiến kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ với CMHS và cộng đồng…)
6. Tham khảo thêm
Trang web của Cambridge International
https://www.cambridgeinternational.org/
Lộ trình và các môn học trong chương trình Cambridge
https://www.cambridgeinternational.org/programmes-and-qualifications/
Tìm trường Cambridge chính thức trên toàn cầu
https://www.cambridgeinternational.org/why-choose-us/find-a-cambridge-school/
Cơ sở dữ liệu các trường đại học quốc tế chấp nhận chứng chỉ Cambridge
http://recognition.cambridgeinternational.org/