[Bản tin Phát thanh Măng non của Đoàn trường và Liên Đội Trường Nguyễn Siêu]
Mời thầy cô và các bạn click vào tab trên để nghe.
Các bạn thân mến, Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, xuất hiện chủ yếu tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Vào ngày lễ này, mọi người thường xay bột, nấu đậu xanh, tự làm các món bánh chay, bánh trôi, nấu chè xôi,.. để lễ Phật và cúng tổ tiên.
Ý nghĩa tết Hàn Thực
1. Tưởng nhớ đến người thân đã khuất
Về ý nghĩa mặt chữ thì "Hàn Thực" có nghĩa là "thức ăn lạnh", theo đó mọi người sẽ dùng thức ăn lạnh, nguội như một cách tưởng nhớ đến những người thân đã khuất. Cụ thể trong cuốn tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc của Trung Quốc đã đề cập đến ý nghĩa của ngày lễ Hàn Thực gắn liền với cái chết đầy thương tiếc của vị hiền sĩ Giới Tử Thôi, chết do cháy rừng. Nhà vua lúc bấy giờ vì nhớ đến tình nghĩa lúc sinh thời, đau lòng mà lập đền thờ, đồng thời ban lệnh kiêng đốt lửa trong 3 ngày để thể hiện sự thương xót và dùng ngày 3 đến ngày 5 tháng 3, âm lịch hàng năm để tưởng niệm đến Giới Tử Thôi. Nhưng tại Việt Nam, lễ Hàn Thực mang nét riêng biệt rõ ràng khi người dân không cần phải kiêng lửa, họ đặc biệt chuẩn bị bánh trôi - đại diện cho thức ăn nguội và dâng lên tổ tiên, thể hiện sự biết ơn trước công dưỡng dục, ơn sinh thành.
2. Thể hiện truyền thống dân tộc
Từ lâu bánh trôi, bánh chay đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, hình ảnh những viên bánh tròn, hơi dẹt đã đi sâu vào nét truyền thống dân tộc thông qua thơ ca. Hình ảnh bánh trôi nước được nhà thơ Hồ Xuân Hương, ẩn dụ cho nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: trong trắng, hy sinh, lam lũ, sự tảo tần,... Với phần vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, được nắn dạng viên tròn, bên trong là nhân đường đỏ, chỉ cần luộc chín với nước sôi sẽ trở thành bánh trôi. Bánh chay nắn dạng tròn hơi dẹt, không có nhân, sau khi được luộc chín ăn cùng với nước đường. Thể hiện rõ ràng nét văn hóa lúa nước từ xa xưa của dân tộc ta, khi cả 2 loại bánh trôi, bánh chay đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thể hiện truyền thống trân trọng thành quả lao động của người nông dân.
3. Ôn lại chuyện xưa
Vào lễ Hàn Thực hàng năm, mọi người trong gia đình lại quay quần bên nhau tự tay nắn những viên bánh trôi, bánh chay. Sau đó sẽ vừa thưởng thức vừa chia sẻ với nhau về những mẫu chuyện của riêng mình, những mẫu chuyện xưa của dân tộc. Trong số những mẫu chuyện xưa nổi tiếng của nước ta có thể nhắc đến sự tích " Lạc Long Quân- Âu Cơ", đặc biệt hình ảnh bánh trôi giúp mọi người lên tưởng đến hình ảnh "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Dần dần, lễ Tết Hàn Thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay và cả những câu chuyện xưa. Ngày nay, nhiều người có nghi vấn rằng liệu Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh có phải là một? Nhưng trên thực tế 2 ngày lễ này hoàn toàn tách biệt với nhau. Tết Thanh Minh thường được xuất hiện tại các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày lễ này diễn ra trong nhiều ngày, thường bắt đầu vào khoảng ngày 4 hoặc ngày 5 tháng 4 (dương lịch), kéo dài đến ngày 21 tháng 4. Tết Thanh Minh dựa vào ngày dương lịch, nếu xét theo lịch âm thì bắt buộc rơi vào tháng 3, nhưng không có ngày cố định.
Mình hi vọng qua chương trình này các bạn đã hiểu hơn về ngày Tết Hàn thực.
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn!