Nắng bừng trên vai áo lính

23:53 02/11/2018

Tuần lễ quân sự trôi qua thật nhanh, với mỗi học sinh THPT Nguyễn Siêu đều là những kỷ niệm thật khó quên về cuộc sống nhà binh khắc nghiệt, gò bó chưa từng gặp nhưng cũng đánh dấu một bước... chuyển mình.

Mới hôm nào tấp tểnh “nhập ngũ” với đàn guitar, gối ôm, gấu bông, kem chống nắng và những ba lô đầy ắp “nhu yếu phẩm”… Trung tâm giáo dục Quốc phòng & An ninh trường Đại học Sư phạm Hà Nội II đón học sinh Nguyễn Siêu bằng quân hàm, phù hiệu và tiếng loa đanh thép.

Cùng thú cưng lên đường "nhập ngũ"

Những bạn trót hình dung tuần lễ quân sự giống như một chuyến dã ngoại dài ngày hẳn là có chút… sốc không hề nhẹ. Cái nắng đầu đông không còn gay gắt quá, nhưng lửa đổ trên đầu và nền bê tông hầm hập dưới chân, chỉ thế thôi cũng là cả một thách thức của thiên nhiên đối với những đứa con cưng lâu nay quen ngồi máy lạnh.

Đấy là chưa kể đến việc phải thích nghi ngay lập tức với cuộc sống theo mệnh lệnh. Không có vỗ về, âu yếm. Chỉ có trên bảo dưới nghe và hai lựa chọn, làm răm rắp hoặc là “ăn” phạt.

Tuần lễ sống cùng mệnh lệnh. Răm rắp, hay là ăn phạt?

Kỹ năng gấp chăn màn vuông như cục gạch đặc trưng quân đội.

Quân lệnh như sơn, câu này xưa nay chỉ nghe qua sách vở, cùng lắm là phim ảnh. Nhưng bây giờ, là đời thực. Đời thực mà chỉ sai một li là chạy ba tầng gác để gấp lại tấm chăn chưa đủ vuông như hòn gạch, hay chậm vài phút là các bạn cùng trung đội đã phải đứng rang nắng tưởng như cả một thiên niên kỷ.

Rồi khổ luyện. Lên giảng đường một tiết thì ra thao trường ba tiết. Ở thao trường thì phải lăn lê bò toài dưới đất, vác súng nhẹ nhất là 3 cân, và quãng đường chạy, đi bộ mỗi ngày ước cũng đến vài cây số.

Lăn lê bò toài giữa thao trường

Rồi báo động đêm. Đang ngon giấc sau một ngày làm việc chân tay vượt ngưỡng đến vài trăm phần trăm so với cuộc sống bình thường, đột nhiên kèn loa inh ỏi. Thế là phải vùng dậy, gấp chăn màn, gói ghém quân tư trang, nén cơn buồn ngủ lại mà chạy tiếp…

Và còn muôn vàn nỗi nhớ. Nhớ nhà. Nhớ bố mẹ. Nhớ thầy cô giáo, những người thốt nhiên trở nên hiền dịu, nhẹ nhàng trong lòng mỗi học trò chỉ sau một đêm chúng sống đời binh nghiệp. Nhớ gà rán, khoai tây chiên, trà sữa… Đôi khi, có đứa nhớ cả chiếc toilet đầy tiện nghi. Những thứ ấy không có trong quân đội.

Nhưng gạt đi tất cả, tuần lễ quân sự vẫn là một cái gì đó gây ấn tượng mạnh đến nỗi nhiều em tiếc nuối bởi “vừa mới quen quen nếp nhà binh thì đã phải về”. Trên hết, đấy là tự lập, là tự chịu trách nhiệm với bản thân, là tự đưa mình vào một thứ khuôn khổ chật chội, bức bách nhưng sẽ có lúc vô cùng cần thiết trong đời.

Xếp hàng là một nét văn hoá Nguyễn Siêu, vào môi trường quân đội, bỗng nhiên thành ưu thế. Nhưng có nhiều thứ khác cũng không kém phần hữu ích mà các em được dạy thêm như kỹ năng thoát hiểm, chống xâm hại, tự bảo vệ bản thân…

Và đọng lại như chưa bao giờ có là những kỷ niệm màu xanh áo lính. Tấm áo mà có em gái mặc rộng thùng thình, có em trai lại chật ních đến đứt cả khuy ấy theo các em suốt từ lúc xếp hàng đánh răng buổi sáng, cầm bát đũa đến nhà ăn trưa cho tới tận giờ đi ngủ, khi tiếng đàn lời hát tưởng như không muốn dứt. Nhiều em trăn trở “báo động đêm” đến nỗi mặc nguyên cả quân phục lên giường ngáy pho pho.

Xếp hàng cầm bát đi ăn, trải nghiệm hẳn là ít gặp

Giờ là lúc các em đã xếp lại từng bộ áo xanh để trở về trong vòng tay cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh cứ ngỡ con “đi lính” đã quá lâu rồi, xuýt xoa đón “đứa trẻ nhà mình” để xem chúng đen đi cỡ nào, rắn rỏi thêm được bao nhiêu.

Một tuần có lẽ là chưa đủ để thay đổi bất cứ điều gì, nhưng một chút trải nghiệm “làm bộ đội” chắc chắn sẽ như một cơn gió lạ thổi vào cuộc sống của những cô cậu học sinh, để một lúc nào đó, chúng sẽ ngỡ ngàng nhận ra, ừ nhỉ…

Những phút đầu tiên của đời bộ đội...

Biên chế theo từng trung đội

Nhận phòng...

Háo hức với hành lang đầy nắng

Vệ sinh chăn chiếu, giường ngủ cá nhân

Bữa cơm doanh trại.

Các kỹ năng phòng chống xâm hại, tự bảo vệ bản thân.

Hội thao tổng kết những ngày binh nghiệp

Lời cảm ơn của nhà trường dành cho khoá học đã giúp các em học sinh trưởng thành hơn.

Bài thi bắn súng

Bài thi điều lệnh

Bài thi phối hợp vận động cơ thể trong chiến đấu.