“Nếu phải chọn một đồ vật đại diện cho tính cách và con người mình, em sẽ chọn cái cây bởi bất biến trước những thay đổi của thời tiết, cây cối vẫn có thể thích nghi, vẫn sống tốt, vẫn có thể tồn tại ở bất kỳ đâu nếu bộ rễ của bản thân bám chắc và mạnh mẽ” - Đó là chia sẻ sâu sắc và có phần “già đời” của câu bạn NSer mới trúng tuyển 6 trường đại học top 40 ở Mỹ, Phạm Gia Khánh.
Một vài hình ảnh của Phạm Gia Khánh trong kho ảnh học sinh Trường Nguyễn Siêu
Phạm Gia Khánh là học sinh ưu tú của trường Nguyễn Siêu với 8 năm học tập tại đây (từ lớp 1 tới lớp 8, trước khi du học). Thời gian theo học tại Nguyễn Siêu đã trang bị cho em những kiến thức và kỹ năng cần có để em tự tin sớm chạm đến giấc mơ du học từ khi chỉ mới 14 tuổi. Gia Khánh trúng tuyển vào Đại học Johns Hopkins, trường nằm trong top 7 những đại học tốt nhất tại Mỹ. Ngoài ra, em cũng nhận được lời mời nhập học của 5 trường khác cũng đều nằm top 40 Mỹ: Đại học Carnegie Mellon, Đại học Michigan Ann Arbor, University of Michigan, Occidental College và Oberlin College.
Bên cạnh đó, Khánh còn nhận được một số suất học bổng giá trị lớn 60.000 USD và 80.000 USD (tương đương 1,4 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng) cho bốn năm học, từ Occidental College và Oberlin College.
Chàng trai “già trước tuổi” với niềm đam mê Triết học kỳ lạ
Định vị bản thân là con người của Triết học, ngay từ những năm đầu cấp 3 khi du học Mỹ tại Cranbrook Schools, ngôi trường đứng thứ 19 bảng xếp hạng THPT nội trú Mỹ tốt nhất, theo Niche 2023, Gia Khánh luôn biết cách cân đối giữa các môn học. Thay vì học cả 3 môn khoa học tự nhiên cùng lúc, em chia ra năm lớp 9 học Hóa học, lớp 10 học Sinh học, rồi lên lớp 11 lại học Lý nâng cao, và lớp 12 thì học Sinh học nâng cao. Việc dàn trải đều các môn học tự nhiên suốt mấy năm cấp 3 cho phép Khánh có thêm thời gian tìm hiểu các môn xã hội - nhân văn, để từ đó cho em những chất liệu sống giàu có hơn, có những cái nhìn khác biệt về mọi thứ xung quanh và nuôi dưỡng niềm đam mê với Triết học.
Phạm Gia Khánh nhiều lần nhận Học bổng Nguyễn Siêu và các giải thưởng dành cho học sinh xuất sắc khi còn là học sinh Nguyễn Siêu - Trong ảnh: Nhà giáo Dương Thị Thịnh trao thưởng cho Gia Khánh.
Khánh chia sẻ: “Em lớn lên ở Nguyễn Siêu, là một học sinh đi thi Toán nhiều, thích học Công nghệ thông tin, và sắp tới vào đại học sẽ học chuyên sâu hơn về ngành Triết học. Tất cả các môn ấy đều có một điểm chung, đó là khả năng suy luận. Toán sử dụng các công thức và khái niệm đã học được để giải quyết vấn đề, Công nghệ thông tin sử dụng các chức năng được xác định trước để lập trình một phương trình phức tạp hơn, còn Triết sử dụng kiến thức của con người để xây dựng một nền tảng cho đời sống”. Có năng lực và đam mê ở cả hai lĩnh vực AI và Triết học, Khánh đã truyền cảm hứng cho giáo viên trường Cranbrook xây dựng giáo trình AI Ethics (Đạo đức AI) để đưa vào giảng dạy chính thức tại trường trong thời gian sắp tới.
Trong bốn năm liên tiếp học tập tại trường Cranbrook, Gia Khánh luôn là đại diện học sinh xuất sắc nhất của trường. Vào năm cuối cấp, Khánh tiếp tục nhận chứng nhận của Hiệp hội Cum Laude (Cum Laude Society), tổ chức tôn vinh thành tích học tập ở các cơ sở giáo dục trung học. Thông thường chỉ 10% học sinh có thành tích tốt nhất mới được kết nạp vào hội.
Phạm Gia Khánh với các bạn của mình tại Mỹ
Bên cạnh thành tích học tập nổi bật, Khánh cũng tích cực hoạt động trong các tổ chức, cộng đồng của trường Cranbrook, từng giữ vị trí lãnh đạo tại Hội học sinh nội trú của trường và tham gia tổ chức hơn 50 sự kiện gắn kết học sinh. Cậu cũng dạy kèm trực tiếp các môn AP (Advanced Placement Program - Chương trình nâng cao) khoa học cho hơn 10 học sinh tại Cranbrook. Ngoài ra, em cũng góp phần viết và biên soạn các bài báo về đời sống học tập tại trường theo nhiều chủ đề đa dạng, từ cuộc sống thường ngày đến các hoạt động giao lưu văn hóa và sự kiện toàn trường.
Với bảng điểm vàng bao gồm điểm thi SAT 1540, 5/5 cả 7 môn trong kỳ thi AP, cùng các hoạt động ngoại khóa năng nổ, Gia Khánh đã gây ấn tượng mạnh với hội đồng xét tuyển các trường đại học. Tuy nhiên Khánh lại chia sẻ “điều quan trọng nhất khi chuẩn bị hồ sơ du học không phải là một bảng thành tích học tập đẹp hay tham gia thật nhiều các hoạt động ngoại khóa, mà điểm mấu chốt là các bạn cần định nghĩa được triết sống của mình trong khi viết bài personal statement”. Với Khánh, triết lý sống mà em hướng tới chính là sự lương thiện và công bằng. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất qua dự án cá nhân của em. Khánh thành lập “CARE”, một nhóm tình nguyện hỗ trợ trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện và trại trẻ trên địa bàn Hà Nội. Nhóm có hơn 20 thành viên và đã quyên góp khoảng 15.000 USD cho hơn 100 trẻ. Với “CARE”, Khánh mong muốn cho các em nhỏ “bị bỏ quên” một cơ hội để bắt kịp cuộc sống và có thêm hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.
8 năm học tại Nguyễn Siêu trang bị cho em đủ kỹ năng để em tự tin sống xa gia đình
Đối với Khánh, Nguyễn Siêu cùng các thầy cô giáo và bạn bè không khác gì gia đình thứ 2 của em, nơi mà Khánh chắc chắn tới thăm trong những chuyến về nhà. Khánh nhớ lại: “Nguyễn Siêu đóng góp cho 8 năm cuộc đời em, gấp đôi thời gian em ở Cranbrook, và gần nửa cả đời 18 năm của em. Nguyễn Siêu mang cho em một cảm xúc hoài cổ, và em luôn muốn quay lại để có thể hòa mình vào không khí của Nguyễn Siêu, nhớ lại những kỉ niệm quý báu em có ở nơi đây”.
Gia Khánh trong chuyến du học ngắn hạn tại New Zealand năm 2018 theo chương trình thường niên của Trường Nguyễn Siêu
Chị Thu Hà, mẹ Gia Khánh, cũng bộc bạch: “Được vào học ở trường Nguyễn Siêu là một cơ hội rất tốt để con có thể tiếp cận với lộ trình Cambridge và hình thức học tại Nguyễn Siêu cũng thúc đẩy cho các con sự tự lập, về vốn tiếng Anh chắc chắn. Khi Gia Khánh học lớp 5, 6, 7, hằng năm con tham gia các khóa du học hè từ 15 ngày đến 1 tháng để con dần làm quen với cuộc sống tự lập ở môi trường xa lạ”. Đặc biệt, năm lớp 8, trước khi gia đình quyết định cho Khánh du học Mỹ, em đã có 2 tháng trải nghiệm du học hè tại New Zealand do trường Nguyễn Siêu tổ chức. Du học hè ở New Zealand đã cho em dần quen với những kỹ năng tự lập như cách tự chi tiêu, sắp xếp thời gian ra sao, tự nấu ăn, giặt giũ quần áo… và quan trọng nhất là giúp em làm quen với cảm xúc của một cuộc sống xa nhà. Chính vì vậy, khi sang Mỹ, dù tuổi còn khá bé, nhưng Khánh nhanh chóng thích nghi và hòa nhập vào môi trường mới.
Gia Khánh bên thầy và các bạn cùng lớp khi còn học Tiểu học Nguyễn Siêu
Có một điều đặc biệt nữa mà mẹ Gia Khánh muốn chia sẻ, ấy là mối quan hệ giữa gia đình con và các thầy cô giáo đã dạy Gia Khánh tại Nguyễn Siêu như người trong gia đình - tình cảm tuyệt vời không dễ gì có được. "Tự đáy lòng, Gia Khánh và gia đình vô cùng trân trọng và yêu quý Nguyễn Siêu. Lần nào về, con cũng vào trường thăm hỏi các cô, từ cô lớp 1 đến cô lớp 8, yêu quý như những người ruột thịt. Vì vậy, mỗi khi bước vào trường Nguyễn Siêu, mẹ con cũng có chung cảm giác ấy như con của mình. Yêu quý lắm ngôi trường này!”