Gắn bó với trường Nguyễn Siêu từ những viên gạch đầu tiên đặt trên cơ ngơi của hôm nay, ông Chu Quang Hễ thực sự là người cận vệ thầm lặng nhưng đắc lực của Ông Bà hơn 20 năm qua. Có lẽ đây là lần hiếm hoi người lính già ấy mở lời...
Tôi là Chu Quang Hễ, sinh năm 1950, hiện đang phụ trách Văn phòng và chịu trách nhiệm toàn bộ cơ sở vật chất của trường từ năm 2000 đến nay.
Năm 2000, tôi về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, ở nhà buôn bán một số vật tư xây dựng. Tôi có duyên quen thầy Vĩnh, cô Thịnh trong một lần ông bà đi công tác về Nam Định. Khi ấy, hai bác có nói là “trên Hà Nội anh có một cái trường mới mở được 9 năm, nếu mà em thấy phù hợp thì lên đấy cùng làm với anh, phụ trách cơ sở vật chất”.
Ông Chu Quang Hễ (ngoài cùng bên trái) là người quản lý xây dựng trường Nguyễn Siêu ngay từ những viên gạch đầu tiên.
Tôi lúc bấy giờ cũng chưa biết trường như thế nào, hai bác như thế nào, nhưng tôi hứa với ông Vĩnh là nếu tôi bố trí được thì tôi sẽ lên Hà Nội, hai cháu nhà tôi cũng đang học Báo chí và Sư phạm ở trên đó. Cân nhắc mãi, tháng 9 năm 2000 tôi nhận lời ông Vĩnh.
Lúc tôi bắt đầu nhận việc thì trường đang thuê tại 191 La Thành và trường Nguyễn Viết Xuân. Tôi rất là bỡ ngỡ, nhưng trong quá trình tiếp xúc với ông bà Vĩnh Thịnh, tôi thấy tình cảm của ông bà chủ với người đi làm gắn bó như một gia đình, còn ở trường, thầy cô gặp gỡ học sinh rất giao hoà chứ không có gì cách biệt. Đặc biệt ông Vĩnh cũng từ quân đội mà ra, tôi và ông Vĩnh còn chung một chiến hào ở Quảng Trị, ông Vĩnh bên công binh, tôi bên xe tăng, nên tôi cảm thấy môi trường này là thuận lợi, trước hết nhờ tình đồng chí.
Tháng 11 năm 2000, tôi được giao đảm nhiệm Cơ sở vật chất và khối Văn phòng, sau đó trực tiếp quản lý xây dựng ngôi trường Nguyễn Siêu trên mảnh đất hiện tại. Lúc bấy giờ, toàn bộ đất chỉ là lau sậy um tùm, ruộng bỏ hoang. Cùng hai bác Vĩnh - Thịnh, tôi và những cán bộ nhà trường tiến hành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng từng viên gạch, từng toà nhà để có được cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay.
Điều tôi thấy ý nghĩa nhất là thầy Vĩnh luôn áp dụng kỷ luật quân đội vào trường, với phương châm là tạo ra học sinh ngoan trước khi dạy cho chúng tri thức giỏi. Những quy tắc của thầy Vĩnh thể hiện tính nề nếp, thống nhất, nó tạo cho cha mẹ học sinh cảm nhận đến Nguyễn Siêu không chỉ học kiến thức mà còn học cách làm người. Nhưng những quy tắc đó chỉ vận dụng đúng những gì cần thiết của quân đội cho nhà trường thôi, không vận dụng máy móc, nên học sinh dễ tiếp thu và cha mẹ học sinh cũng dễ đón nhận.
Cá nhân tôi cũng mến phục thầy Vĩnh, cô Thịnh luôn đi trước một bước từ các chương trình nâng cấp giáo dục của nhà trường cho đến việc bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Cô Thúy là người được thầy Vĩnh và cô Thịnh cho ăn học rất là cơ bản, ngay từ lúc học tại trường, đi học Sư phạm và sau đó về trường thì đã có lộ trình nhìn xa trông rộng. Xác định Nguyễn Siêu là trường Việt Nam nhưng học theo tiêu chuẩn Cambridge, hai bác đã chăm lo cho cô Thuý đi đào tạo thạc sĩ, du học ở New Zealand trong một thời gian rất dài, để khi trở về nước, cô đã có một kiến thức đầy đủ để giúp trường vừa đảm bảo chất lượng quốc gia vừa vươn tầm quốc tế.
Nhìn lại 30 năm qua, từ một trường dân lập bình thường, chất lượng đầu vào có thể nói là thấp, thầy Vĩnh, cô Thịnh đã vươn lên thành trường chất lượng cao, trường dạy chương trình tích hợp cả Việt Nam và quốc tế… Nhưng tôi thấy thầy cô luôn trăn trở, đã tốt rồi phải làm cho tốt hơn, đã khang trang rồi phải làm cho khang trang hơn nữa. Đó là cái khiến tôi luôn ngưỡng mộ thầy, cô.