Những kỷ niệm về "năm học dài nhất lịch sử"

11:14 10/09/2020

(2019-2020)

Tôi thường nói với học trò lớp mình chủ nhiệm năm học 2019 – 2020: “Các con là lớp đầu tiên cô thấy ngày nào trôi qua cũng nhẹ nhàng”. Cô trò chúng tôi mới gặp nhau năm học này, vừa mới gặp đã yêu mến gắn bó như thể đã thân nhau lâu lắm. Chúng tôi hợp nhau, tôi chỉ cần nói ý định, chúng đã ngay lập tức có thể chuyển thành kịch bản chi tiết rồi.

Ấy thế mà, trời chả chiều lòng người, Covid 19 đến như một thử thách dành cho chúng tôi như câu người ta thường nói “trời chả cho ai hết thứ gì”. Những ngày đầu nghỉ dịch, cũng như bao người dân khác trên toàn thế giới, cô trò chúng tôi cũng hồi hộp lo lắng, đếm từng con số, ngóng tin từng ngày về tình hình đại dịch. Việc nghỉ bất ngờ làm chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, chẳng ai dự tính được thời điểm nào có thể quay lại trường.

Tuần đầu tiên, nhiều trong số chúng tôi còn cảm thấy thoải mái vì không còn cảm giác vội vã, không phải cố gắng bắt mình dậy sớm cho kịp giờ học, giờ làm. Kì nghỉ như kéo dài ra làm người ta cảm giác được tận hưởng cuộc sống thật trọn vẹn. Lâu lắm rồi mới thảnh thơi vào bếp làm những món ăn thật ngon, chậm rãi tận hưởng những giây phút bên gia đình. Vậy nhưng, tới tuần thứ 2, cái cảm giác thư thái dần thay cho sự sốt ruột. Bài học vẫn còn đó, nếu không dạy không học thì làm sao? Có cách nào để trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết để các con sau này vẫn cần dùng chúng để trưởng thành, để có thể ứng phó và làm việc trong tương lai? Éo le thay, giờ cô trò tôi chả được gặp nhau.

Khi chúng tôi còn đang lúng túng với những ấp ủ truyền tải những bài học tới học sinh, đang mong muốn được giữ nhịp cầu với các con để các con không ngừng trưởng thành thì Ban Giám Hiệu nhà trường đã đưa ra những quyết sách cực kì hiệu quả. Những khóa tập huấn online về phần mềm dạy học trực tuyến Teams và Zoom đã liên tục được mở ra, chúng tôi dần được khai mở ra những phương cách giảng dạy rất thú vị mà xưa nay không mấy người biết. Chúng tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để chúng tôi thay đổi, để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại và sẵn sàng cho cả tương lai. Bởi nếu không thay đổi, khác gì chúng tôi tự đóng cửa tương lai của mình? Và thay đổi chính là phát triển, là làm cho bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Tôi yêu lũ trẻ, yêu công việc truyền thụ không chỉ kiến thức mà còn cả những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống cho chúng.

Từ một người rất yếu về công nghệ, tôi miệt mài hàng ngày để tìm hiểu về cách dùng phần mềm dạy học. Tôi học từ những chuyên gia của nhà trường, từ đồng nghiệp và cả từ học trò hay từ chính những đứa con của mình. Tôi nhận ra có quá nhiều sự hấp dẫn từ những bài học đó. Khi những bài học tạm thời đã có hướng giải quyết, tôi lại trăn trở về học trò, những cô cậu mới 12, 13, chúng đang ở độ tuổi nhiều biến động, tâm sinh lý chưa ổn định, thích chơi hơn học. Kiến thức được học rồi, vậy còn tâm lí của chúng? Thời gian rảnh các con làm gì? Chúng có vui không, thể chất có khỏe khoắn không?

Và thế là những thử thách tuần xuất hiện, thử thách dọn góc học tập, phòng ngủ cá nhân của con và các không gian khác trong cả gia đình. Rồi thử thách nấu ăn, đầu tiên con hãy nấu những món con thích, sau đó con hãy thử nấu một bữa ăn hoàn chỉnh cho gia đình. Thử thách tiếp theo là con hãy giúp một ai đó xung quanh con rồi hãy thử trải nghiệm một kĩ năng nào đó xưa nay con chưa từng làm. Không khí lớp học của chúng tôi những ngày đó lại vui và sôi động trở lại. Cảm giác dù ở xa nhưng chúng tôi vẫn rất gần nhau làm ấm thêm tình thầy trò sâu sắc. Tôi càng thêm yêu công việc của mình, yêu các con vì chính chúng đã làm cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Năm học dài nhất trong lịch sử đã kết thúc. Chúng tôi tạm chia tay nhau để rồi lại chờ đón một năm học mới nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Dù vậy, những bài học vẫn còn đó, tôi cùng học trò của mình sẽ lại tiếp tục tìm hiểu, học hỏi để sẵn sàng cho những trải nghiệm thú vị tiếp theo trong hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức mới.

Trần Mỹ Dung (GV Tiếng Anh, THCS&THPT Nguyễn Siêu)

======

Một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để thay đổi - “lột xác” - làm mới trong Giáo dục

Covid là thách thức chưa từng có của thời đại, kể cả những đất nước hùng cường cũng có lúc không khỏi hoảng loạn và cảm thấy bé nhỏ trước đội quân Covid. Covid làm đảo lộn mọi lĩnh vực, giáo dục cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên trong “nguy” có “cơ”, trong bóng tối có ánh sáng, trong thách thức có cơ hội. Chỉ là ta lựa chọn cách nhìn nào và tâm thế nào để đối mặt với nó. Nếu có cái nhìn tích cực, đa chiều, ta có thể thấy những cơ hội sau trong đại dịch Covid đối với giáo dục: 

Về phía giáo viên:

+ Covid là cú huých buộc giáo dục phải đổi thay hình thức dạy học, bổ sung thêm một hình thức dạy học mới bên cạnh dạy học trực tiếp là dạy trực tuyến. Một hình thức dạy học mà trước đây chúng ta muốn làm mà chưa làm. Khi dạy trực tuyến buộc lòng GV phải tự nâng trình độ, kĩ năng xử lí công nghệ thông tin của bản thân. Và đây là một điều rất tốt và hữu ích, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho GV trong công việc giảng dạy của mình, kể cả khi không dạy trực tuyến. 

+ Giáo viên nhận ra rằng cần phải thay đổi quan niệm dạy học: thay việc truyền thụ kiến thức mà chuyển sang phát triển kỹ năng, chuyển từ thuyết giảng một chiều sang trao đổi, thảo luận, truyền cảm hứng, làm dự án… Thầy dẫn dắt cuộc chơi thông qua sự hỗ trợ của các phần mềm dạy học và kĩ thuật công nghệ. 

Về phía học sinh: 

+ Covid là một bối cảnh mà chính các em được trải nghiệm và từ đó học sinh tự nhận thấy được vẻ đẹp của con người Việt Nam: sẻ chia, đoàn kết, tương trợ, hữu tình, tôn lên trong học sinh niềm tự hào dân tộc, bồi đắp cho học sinh những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm xã hội được nâng cao. Đặc biệt, Covid còn dạy cho học sinh hiểu rằng cần trang bị cho mình năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội, biết tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, rèn cho mình kỉ luật tự thân và kĩ năng giải quyết tình huống có vấn đề. 

Vì sao phải thay đổi? Thay đổi để làm gì?

- Khách quan: Trong bối cảnh mới, cả thế giới thay đổi, lẽ nào mình không thay đổi? Thay đổi để thích ứng, duy trì tồn tại và phát triển tốt hơn. “Tạm dừng đến trường - không dừng học”, thông điệp này bao hàm tất cả những điều chúng ta nên làm và cần thiết phải làm. 

- Chủ quan: Giáo dục nước nhà cũng đã đến lúc phải đổi mới, một bộ sách học đến 20 năm cũng phần nào đã lạc thời rồi, lối học cái gì thi cái ấy hoặc cái gì thi thì học đã thành lối mòn trong nếp cảm nếp nghĩ của cả người làm giáo dục lẫn người học, thực tế không giải phóng được năng lực và phẩm chất của học sinh. Vì thế thay đổi là tất yếu. Covid làm cho tiến trình thay đổi diễn ra nhanh hơn. Hay nói cách khác, nó là bước đệm cho sự đổi mới. Nhìn vào cách tinh giản chương trình của Bộ GD, thì GV tinh chỉnh kế hoạch dạy học, hướng vào việc tiếp cận các chủ đề môn học, đó là bước đệm để tiếp cận chương trình GDPT mới.

Làm gì để thay đổi?

- Thay đổi chương trình (BGD đã làm).

- Giáo viên phải thay đổi. Vấn đề không phải ở chỗ chờ Bộ, Sở, hay nhà trường mở lớp tập huấn cho giáo viên mà chính bản thân mỗi giáo viên phải làm mới mình trước thách thức mới của giáo dục. Điều khó khăn nhất đối với giáo viên là suy nghĩ lối mòn và tâm lí ngại thay đổi đã ăn khá sâu (những suy nghĩ đại loại như bao nhiêu thế hệ học sinh mình đã dạy dỗ với cách ấy, học sinh đỗ dại học rất nhiều và điểm rất cao, thế là hiệu quả, hà cớ gì phải thay đổi?... Những suy nghĩ đó không sai, học sinh đỗ ĐH cao là thành quả đáng trân trọng nhưng vô hình làm giảm năng lượng sáng tạo của người thầy. Lối mòn từ đấy mà sinh ra. Tôi nghĩ rằng việc cần thay đổi đầu tiên là GV phải thoát ra khỏi những suy nghĩ kiểu ấy. 

- Thay đổi phương pháp dạy học: đây là vấn đề không dễ đối với giáo viên đã cứng tuổi, khi kinh nghiệm cũ có quá nhiều thì việc lĩnh hội cái mới là một rào cản. Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy là một đổi mới thiết thực trong việc thay đổi giáo dục.

- Với bản thân tôi, hơn 20 năm đứng lớp, những tâm lí ngại ngần, những suy nghĩ “mình không làm được đâu” trong lĩnh vực vận dụng công nghệ vào dạy học không phải không có. Nhưng đại dịch Covid cũng cho tôi thấy một điều: mình làm được, cũng không đến nỗi quá khó, và cũng có niềm vui nho nhỏ khi vận dụng một vài kĩ thuật nào đó thành công và chia sẻ cho anh chị em trong tổ nhóm. Tôi nhận thấy học hỏi và nâng cao trình độ công nghệ là điều rất cần thiết đối với giáo viên. Những kĩ thuật rất nhỏ tôi đã học được và vận dụng khi dạy học như làm nhóm với Word online, Palet, kết hợp với Google classroom, Google form… cũng làm cho các tiết học hiệu quả hơn, học sinh được làm việc, việc quản lí học sinh của tôi cũng ổn hơn rất nhiều.

Trường Nguyễn Siêu thường xuyên có các khóa tập huấn về chương trình nhà trường và phương pháp dạy học tích cực nên chúng tôi cũng được mở mang và lĩnh hội nhiều điều bổ ích, thiết thực. Và tôi nghĩ được tập huấn về phương pháp thì cũng cần phải có tinh thần trải nghiệm phương pháp và cũng xác định có thể thành công hoặc không. Chuyện đó không có gì nghiêm trọng, cứ mạnh dạn làm một vài lần rồi sẽ tốt. Tôi cũng đã thử như thế và thấy mọi việc có vẻ ổn hơn.

Việc xây dựng “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” cũng là một hoạt động nên làm trong tổ chuyên môn. Điều này kết hợp với sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học rất hiệu quả. Đó là một vài việc nhỏ mà chúng tôi đã làm và thấy có kết quả khá tích cực trong việc chuẩn bị cho mình một tâm thế để tiếp cận với thử thách của đổi mới giáo dục nước nhà.

Tô Hương (Giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu)

=====

"Năm học vừa quả là một năm học rất đặc biệt với chúng con. Việc chúng con phải nghỉ học giữa chừng, phải xa thầy cô, xa bạn bè, xa mái trường Nguyễn Siêu yêu quý làm cho con cảm thấy rất buồn. Bố mẹ con nói rằng ngày đi học bố mẹ con chưa bao giờ có năm học kéo dài như thế.

Sau kỳ nghỉ tết, chúng con mới đi học được khá ít ngày thì dịch Covid bùng phát khiến cho nhiều người dân bị tử vong, nhiều học sinh không được đi học. Con rất lo lắng và hoang mang. Nhưng trong lúc ấy, thật may mắn vì các thầy cô đã soạn bài, nghiên cứu cách học hiệu quả trong mùa dịch - đó là học online. Chúng con đã sử dụng máy tính thành thạo và bài giảng khi dạy online của các thày cô rất chi tiết, cụ thể, sinh động không kém khi học ở lớp. Chúng con vẫn hoàn thành tốt các nội dung học tập, được chơi trò chơi, làm dự án... 

Kỳ nghỉ hè vừa qua, dịch bệnh bùng phát trở lại, con có hơi lo lắng, sợ lại vì dịch bệnh mà không được đến trường. Mẹ con bảo 2 ngày rồi Việt Nam không có thêm người mắc Covid, lúc đó con rất vui và rất nhớ thầy cô và các bạn, con mong mỏi từng ngày dịch bệnh không còn để chúng con đi học bình thường.
Khi có thông báo được quay trở lại trường học con rất háo hức và mong muốn được gặp cô giáo mới. Con sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để xứng đáng là học sinh của trường Nguyễn Siêu.
" (HS Tiểu học Nguyễn Siêu)