NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh - cả đời "trồng người" bằng hai chữ Tâm và Đức

23:12 10/09/2021

Nhân kỷ niệm tròn 30 năm thành lập trường (11/9/1991 - 11/9/2021), Ký ức 30 năm Nguyễn Siêu trân trọng giới thiệu tác phẩm của nhà báo Kiều Giang - Hồng Hà (Giáo dục Thủ đô năm 2016) viết về Ông - người lính công binh đã sáng lập và đưa ngôi trường hội nhập quốc tế rạng rỡ như ngày hôm nay.

Vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú” vào đúng dịp kỉ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2016), Đại tá – NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của 62 năm về trước khi Thủ đô được giải phóng cũng là lúc ông bước chân vào nghề “trồng người” nhiều khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Để rồi sau nhiều năm miệt mài tìm tòi, liên tục đi trước đón đầu những mô hình đào tạo mới, “trồng người” bằng hai chữ Tâm và Đức, niềm vui lớn nhất của ông là đã tạo dựng được danh hiệu cho một ngôi trường Chất lượng cao, hội nhập quốc tế mang tên Nguyễn Siêu với lớp lớp học trò chăm ngoan, học giỏi.

NGƯỜI THẦY MANG BẢN CHẤT “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

Sinh ra tại Hải Phòng, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm khu học xá Trung ương, năm 1954 hòa vào đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, thầy giáo trẻ Nguyễn Trọng Vĩnh được phân công về công tác tại ngành Giáo dục Hà Nội, làm hiệu trưởng trường Đông Ngạc, huyện Từ Liêm khi mới tròn 20 tuổi. Tuổi trẻ với nhiều khát khao được cống hiến cho Thủ đô, đất nước, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao, năm 1959, sau khi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và Đại học Chính trị, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh được đầu quân về góp phần xây dựng và tham gia giảng dạy chính trị tại trường Trung Sơ cấp Sư phạm Hà Nội (phố Cửa Bắc).

Đây có thể là bức ảnh rất nhiều người sẽ thấy lần đầu, về Ông - thầy Vĩnh của chúng con, khi còn trẻ 

Những tưởng công việc của một người thầy với sứ mệnh đào tạo ra những thế hệ giáo viên cho Thủ đô sẽ được bền lâu thì năm 1965, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi của non sông tất cả cho tiền tuyến, được sự điều động của Thành ủy và Sở Giáo dục Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh tạm biệt mái trường thân yêu, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Cùng với vận mệnh của đất nước, không còn phấn trắng, bảng đen, công việc của thầy giáo Vĩnh giờ đây được thay bằng công việc của một sĩ quan công binh từ xây dựng các công trình, mở đường Trường Sơn đến chiến đấu đảm bảo vượt sông trên các chiến trường từ Bắc vào Nam và đặc biệt trong chiến dịch khốc liệt Quảng Trị năm 1972 thầy Vĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được thưởng huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và bị thương được xếp hạng 2/4. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cùng đơn vị giải phóng Campuchia, ông về làm Trưởng phòng Tuyên huấn tại Bộ Tư lệnh Công binh cho đến khi nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm Đại tá.

Sau nhiều năm cống hiến cho quân đội, tưởng rằng về nghỉ chế độ, Đại tá Nguyễn  Trọng Vĩnh sẽ dành thời gian để an dưỡng tuổi già, nhưng với nhiệt huyết của một người chiến sĩ và tình yêu với sự nghiệp “trồng người” vẫn còn cháy bỏng, ông đã cũng người bạn đời của mình là nhà giáo Dương Thị Thịnh xin cấp phép mở một ngôi trường với mong muốn tiếp bước mái trường Phương Đình xưa của nhà giáo dục lớn thế kỷ XIX Nguyễn Văn Siêu. Xây dựng trên nền tảng đạo học của Đức thầy Nguyễn Văn Siêu “Vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu” và theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, năm 1991, Trường PTDL Nguyễn Siêu ra đời với mục tiêu: “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan học giỏi”.

Là một trong số ít ngôi trường ngoài công lập được mở lúc bấy giờ, muôn vàn khó khăn thách thức đặt ra với vợ chồng nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh: cơ sở vật chất chưa có, phải đi thuê ở nhiều địa điểm khác nhau làm trường dạy học sinh cho 3 cấp học; trang thiết bị dạy học và kinh phí hoạt động thiếu thốn. Nhưng có lẽ bài toán khó nhất đối với ông lại chính là làm sao để tạo nên những thế hệ học trò chăm ngoan học giỏi, trở thành những công dân có ích cho đất nước bởi học sinh các trường dân lập nói chung và trường Nguyễn Siêu nói riêng lúc bấy giờ có đầu vào còn thấp. NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh tâm sự: Những năm đầu mới thành lập, muốn tuyển được học sinh, trường ngoài công lập phải chấp nhận đầu vào thấp. Suy nghĩ của xã hội lúc bấy giờ cũng cho rằng, chỉ có những học sinh không vào được công lập thì mới học trường dân lập. Vốn là một người lính luôn đặt kỷ luật, đạo đức lên hàng đầu, tôi đã lấy giáo dục đạo đức làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình giáo dục toàn diện học sinh. Bởi chỉ khi được giáo dục đạo đức tốt, học sinh biết tôn trọng kỷ luật, các em mới chịu học, từng bước trở thành chăm học và trở thành những học sinh khá, giỏi.

Từ suy nghĩ như vậy, một ngôi trường giáo dục “quân sự hóa” được xây dựng tại trường Nguyễn Siêu để đưa học sinh vào nề nếp. Với quyết tâm: đầu vào học sinh thấp nhưng đầu ra phải cao, Hội đồng quản trị nhà trường do nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh làm Chủ tịch đã quyết định tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học 2 buổi/ngày quả là hiếm, kể cả đối với đối với các trường tiểu học công lập. Cách xưng hô thầy – con, cô – con cũng được thực hiện từ khi mới thành lập trường góp phần gắn kết giáo viên với học sinh như trong một gia đình, các thầy cô giáo đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinh trong ngôi nhà chung mang tên Nguyễn Siêu.

Lấy giáo dục đạo đức làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình giáo dục toàn diện cho học sinh, Trường Nguyễn Siêu đã xây dựng nên 7 nếp sống văn hóa tạo thành một nét riêng cho nhà trường để học sinh thực hiện hàng ngày thành thói quen, đó là văn hóa chào, văn hóa xếp hàng, văn hóa đọc, văn hóa tiết kiệm, văn hóa bảo vệ môi trường, văn hóa lắng nghe và mới đây là văn hóa sử dụng các thiết bị thông minh. NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh tự hào: Nhờ có những định hướng đúng đắn mà học sinh của trường ngày càng chăm ngoan, kết quả học tập của các em dần dần được nâng lên. Trong suốt 25 năm qua, trường Nguyễn Siêu không có một học sinh nào không tốt nghiệp THPT; thi vào các trường Đại học đạt từ 74% đến 80% và trong 2 năm gần đây là 100%. Ngay trong nhữung năm đầu mới thành lập trường đã có 3 học sinh lớp 12 đạt giải quốc gia và có những năm gần đây trường ngày càng có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế, nhất là với những môn học liên quan đến tiếng Anh và Công nghệ thông tin, thể hiện thế mạnh của trường Chất lượng cao, trường phổ thông Quốc tế Cambridge.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, mặc dù trước khi có được một cơ ngơi khang trang, hiện đại như hôm nay, trường phổ thông Nguyễn Siêu phải chuyển địa điểm đến 8 lần nhưng “Mỗi lần chuyển địa điểm là một lần nhà trường lại có thêm nhiều học sinh mới, cha mẹ học sinh yên tâm gửi gắm con cho nhà trường vì cứ cho con lên xe của trường đón là đi, bất kể trường chuyển địa điểm đến đâu” – thầy Vĩnh chia sẻ.

“NGƯỜI LÍNH” XUNG KÍCH, TIÊN PHONG TRÊN MẶT TRẬN “TRỒNG NGƯỜI”

Nề nếp kỷ luật, học tập của học sinh đã dần đi vào ổn định, trở lại một trong những phương châm đặt ra ban đầu “Vì sự tiến bộ xã hội”, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh lại tiếp tục suy nghĩ làm sao để trường phải đạt Chuẩn quốc gia để cùng xây dựng phấn đấu. Và niềm vui đã đến với tập thể sư phạm nhà trường, năm 2005, Nguyễn Siêu là trường THPT dân lập đầu tiên của Thủ đô đạt Chuẩn quốc gia.

Với tầm nhìn của thầy Vĩnh, trường Nguyễn Siêu đang phát triển bền vững cả về cơ ngơi và tầm vóc trên đường hội nhập quốc tế

Vốn là một người có tầm nhìn xa trông rộng, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng phải đổi mới không ngừng vì dừng lại là sẽ tụt hậu. Với phương châm “luôn luôn đi trước đón đầu” trên cơ sở chủ trương của Thành ủy và Sở GD&ĐT nhằm tạo ra sự khác biệt để thu hút, hấp dẫn học sinh, vậy nên mô hình Trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao theo chủ trường của Thành ủy Hà Nội năm 2006 đã được trường Nguyễn Siêu áp dụng đầu tiên. Vẫn biết những người đi tiên phong bao giờ cũng là người phải chịu nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với ý chí quyết tâm của một người lính, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh đã cùng các đồng nghiệp của mình chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để rồi sau 10 năm kiên trì theo định hướng này, Nguyễn Siêu là trường đầu tiên được UBND Thành phố công nhận là trường đạt 5 tiêu chí của trường chất lượng cao.

Đất nước bước vào thời kì hội nhập quốc tế, theo dòng chảy của thời đại, Nguyễn Siêu không chỉ là trường chất lượng cao của Thành phố mà phải trở thành trường mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Đề án về một ngôi trường song ngữ quốc tế đã được NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh xây dựng. Vượt lên những yêu cầu hết sức khắt khe của trường Đại học Cambrigde (Vương quốc Anh), Nguyễn Siêu đã được công nhận là một trong số hơn 10 nghìn trường phổ thông Cambridge trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, trường cũng được công nhận là một Trung tâm khảo thí ủy quyền của Đại học Cambridge. Năm học 2015-1016 lần đầu tiên ở Việt Nam Trường Nguyễn Siêu đã tổ chức thành công các kỳ thi lấy chứng chỉ Tiếng Anh của Đại học Cambridge cho hơn 1050 học sinh (có 50 học sinh lớp 5 trường công lập) từ lớp 2 đến lớp 10 và 8 giáo viên của trường đạt kết quả rất cao, nhiều học sinh đạt trình độ vượt cấp học. Kết quả trên đã khẳng định đúng đắn con đường hội nhập của trường Nguyễn Siêu. Trường đã nhận được Cúp “Trung tâm mới tốt nhất của năm học 2015-2016” của Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge Vương quốc Anh trao tặng. Chứng chỉ được cấp từ những kỳ thi tại trường Nguyễn Siêu được công nhận trên toàn thế giới.

NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ: “Điều tôi mừng nhất là các con học sinh từ THCS đến THPT khi giao lưu và tham gia học tập trao đổi học sinh nước ngoài từ Châu Á, Châu Đại Dương tới Châu Âu, Châu Mĩ đều rất tự tin và hội nhập như học sinh nước bạn ở lứa tuổi tương đương, học theo chương trình Quốc tế Cambridge. Hiện nay, trường Nguyễn Siêu đang phấn đấu từng bước để tiếng Anh dần trở thành ngôn ngữ thứ hai của nhà trường”.

Bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học của thời kỳ mới là tâm huyết của người cán bộ quản lý, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để có được đội ngũ giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi tiếng Anh, vì vậy ông đã xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu là nòng cốt của trường (từ 20% lên 100%) . Thường xuyên tổ chức cho giáo viên tham gia các chương trình tập huấn; Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên theo yêu cầu của trường CLC hướng tới hội nhập quốc tế; Cử cán bộ quản lý đi học nghiệp vụ, trực tiếp tham gia các hội thảo khoa học tại nước ngoài. Nhờ đó, năm học 2015-2016, trường đã đào tạo được đội ngũ giáo viên (Việt Nam và nước ngoài) đủ trình độ dạy các lớp song ngữ Quốc tế và đủ trình độ làm giám khảo trong các kỳ thi lấy chứng chỉ Quốc tế Cambridge ISOL và CIE.

Để đội ngũ giáo viên yên tâm, gắn bó với nhà trường, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của các thầy cô giáo, xây dựng tình cảm yêu mến, gắn bó với trường theo tinh thần “Ấm tình Nguyễn Siêu”. Có chế độ đãi ngộ phù hợp đảm bảo thu nhập cho từng đối tượng giáo viên, giúp đỡ cán bộ, giáo viên kịp thời khi có khó khăn, qua đó tạo được tình cảm yêu thương, xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết thống nhất cùng nhau xây dựng trường phổ thông Nguyễn Siêu ngày càng lớn mạnh.

25 năm đã trôi qua, dưới sự chèo lái của người thuyền trưởng tài ba, con thuyền mang tên “Nguyễn Siêu” đã đến được bến bờ thành công, giữ vững “Danh hiệu Trường Nguyễn Siêu”.

Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Đại tá – NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn đau đáu với những suy nghĩ làm thế nào để trường phổ thông Nguyễn Siêu sau 10 năm, 20 năm, 50 năm nữa vẫn tiếp tục thành công để “Sáng cùng thời gian”. Được hỏi cảm xúc của ông khi nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, ông cười hiền, khiêm tốn: “Thành tích này tôi có được là nhờ sự đóng góp của các thế hệ cán bộ giáo viên nhà trường cùng với sự đồng hành của cha mẹ học sinh, của bạn bè, anh em, đồng chí và cấp trên đã giúp đỡ nhà trường”. Nhưng trên hết đó chính là thành quả của người thầy cả đời “trồng người” bằng hai chữ Tâm và Đức để mang đến cho đời những trái chín ngọt lành là những công dân có tri thức, có sức khỏe, chủ động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, hội nhập quốc tế.