Ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức

13:42 03/12/2018

“12 năm tớ đều học ở Nguyễn Siêu”. Câu nói làm người đối diện phải phản hồi lại hệt nhau: “Thật á?”. Thật chứ đùa đâu. Điều đó làm tôi rất tự hào, giống như một công dân tự hào mình là một người Việt Nam kiên dũng bất khuất vậy.

Nguyễn Siêu cho tôi tuổi thơ,
Nguyễn Siêu cho tôi nếp sống,
Nguyễn Siêu cho tôi kiến thức,
Nguyễn Siêu cho tôi kĩ năng,
Nguyễn Siêu cho tôi tiếng gọi “con - thày” thân thương,
Nguyễn Siêu cho tôi bạn bè - những người anh em,
Nguyễn Siêu cho tôi thày cô đáng kính,
Nguyễn Siêu cho tôi những kỉ niệm đẹp mà cả đời này tôi không thể quên,

......


Phạm Lữ Ân có viết trong cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” rằng những nỗi nhớ đẹp đẽ như những ngụm nước mát trong chiếc bình kí ức, để dành khi khát, thay vì đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nguyễn Siêu cho tôi những kí ức như thế. 

Những lần được nhận học bổng, về nhà “gửi tiết kiệm” ở chỗ mẹ hết. Đến khi ra trường thì được mẹ “rút tiết kiệm” và mua tặng cho điện thoại với Ipad, tôi dùng 4 năm nay mà chưa một lần phải tìm đến bác sĩ điện tử.

Những lần tổ chức sinh nhật cho cô Yến, đơn giản thôi, mấy chiếc bánh Choco-Pie chồng lên nhau là thành bánh sinh nhật rồi. Năm cuối cùng trước khi “đau não” bước vào kì thi đại học, cũng là năm cuối được tổ chức sinh nhật cho cô trong lớp học đó, tôi ngồi cạnh, và thấy mắt cô đỏ hoe, cả một bọng nước trực trào ra như nước lũ chỉ chờ đê vỡ để dồn dập đổ về. Với chúng tôi, nhiều năm nay sau khi rời ghế nhà trường, sinh nhật cô vẫn mặc định là dịp họp lớp và cả đám lại xôm xả đến nhà cô “đánh chén”. Chúng tôi có lớn, lớn hơn nhiều rồi chứ, nhưng trong mắt cô, chúng tôi vẫn là những đứa học trò nhỏ, cũng như với chúng tôi, cô mãi là người thày tuyệt vời. “Những đứa con dù lớn đến đâu vẫn vừa vòng ôm của mẹ”.

Cũng là sinh nhật, đó là lần sinh nhật cô Thúy ở khách sạn Thắng Lợi cùng đoàn học sinh Nhật. Một “âm mưu” đã được “ấp ủ” kĩ lưỡng. Nếu không có sự “tiếp tay” của cô An, chúng tôi đã không thể thành công, đã không thể có một vòng tròn nhỏ ngồi lại với nhau ở sảnh khách sạn, đã không có những phút trò chuyện xóa tan khoảng cách thày - trò như thế. Chúng tôi như những người bạn có dịp ngồi lại hàn huyên mọi sự trên trời dưới đất cho nhau nghe. Đến tận 1, 2h sáng.

Kí ức của tôi cũng là lần đang đi dọc hành lang, tôi gặp cô Lương - cô phó chủ nhiệm của 8 năm về trước - và được cô hỏi thăm: “Con năm nay thi đại học trường gì thế, có dự định gì chưa con?”. Tôi có đôi chút bối rối, không phải vì tôi sẽ trả lời cô như thế nào, mà là vì sự quan tâm ấy khiến tôi khá bất ngờ. Đã 8 năm trôi qua, cô vẫn nhớ tôi, cả tên tôi, cả việc năm đó tôi sẽ thi đại học, dù cùng trường nhưng khối tiểu học với khối cấp ba thì “xa nhau” tít mù tắp. Mọi người có ai tin không, nếu tôi liệt kê lại đầy đủ danh sách thày cô đã chủ nhiệm và phó chủ nhiệm của tôi? Cô Hạnh, cô Son - lớp 1. Cô Ngọc, cô Huyền - lớp 2. Cô Châu, cô Lương - lớp 3. Cô Hạnh, cô Lương lớp 4. Cô Hạnh, cô Ngọc Anh lớp 5. Cô Tiếp - lớp 6. Cô Yến - lớp 7. Cô Thơm - lớp 8. Cô Minh - lớp 9. Cô Yến, cô Thanh - lớp 10. Cô Vân - lớp 11. Thày Thể - lớp 12. Giờ thì mọi người tin rồi chứ? Có nhiều thày cô vẫn không hề thay đổi mỗi khi tôi về trường, ít nhất là tôi chẳng hề thấy thày cô già đi chút nào, dù thời gian vẫn cứ thế bước đi đều đặn. Cũng có nhiều thày cô tôi đã không gặp lại từ rất lâu rồi, và không biết trên đường đời sau này còn gặp lại không. Nhưng tất cả, tôi đều nhớ rõ lắm, vì mỗi thày cô đều đã góp nhặt vào tuổi thơ của tôi những điều quá đỗi đẹp đẽ và ấm áp.

Năm lớp 10 trường tổ chức 20 năm thành lập trường, làm to và hoành tráng lắm. Nhưng ngoài tự hào ra thì tôi không nhớ về những cảm xúc khi đó của mình cho lắm, có lẽ ngày ấy, các anh chị cựu học sinh là người có nhiều cảm xúc hơn chúng tôi nhiều.

Cấp 2 là khoảng thời gian tôi thấy trường miết mải đi tìm một mẫu áo khoác mùa đông cho phù hợp nhất. Mỗi năm mỗi kiểu khác nhau, cho nên mùa đông là mùa chúng tôi nhận biết ai lớp trên lớp dưới rất rõ ràng. Trong kí ức của tôi, áo khoác năm lớp 8 là ấm nhất, vì lót lớp lông mỏng ở bên trong. Những kiểu áo sau thì bên trong chỉ lót lưới thôi nên không ấm bằng được. 

Vẫn tiếp tục ngược dòng thời gian về cấp một - đó là quãng thời gian mà kí ức của tôi khá vụn vặt, vì khi đó còn bé quá, lại chẳng suy nghĩ được gì nhiều. 
Lớp 4 lớp 5 được cô Phúc ôn thi môn Toán để đi thi, cuối năm, chúng tôi dừng lại không ôn nữa, nghe đồn vì năm đó không tổ chức thi. Chúng tôi ôn cả ngày thứ 7 cơ mà. Đến sớm về muộn đều ghé qua căng-tin, mua gói bim bim dừa bé xiu xíu, hồi đó 2.000 một gói. Nhắc đến ăn tự dưng mới nhớ lại những “cuộc chiến” có hồi kết của cái căng-tin khi chúng tôi lên cấp 3. Không nhanh chân chạy xuống, không to miệng và order thì mì tôm sẽ hết bay trong nháy mắt. Ơn giời chỉ cần 1 đứa chen chân được vào khe cửa đấy thôi là liên hoàn những order từ phía sau của đám bạn cùng lớp, loạn còn hơn cả loạn, vì đứa nào cũng đói hoa cả mắt lên rồi mà. Cũng lại là căng-tin - nơi ẩn náu của tụi học sinh lớp 12A5 khi bên ngoài đang khốc liệt trận chiến bóng nước. Mặc thiên hạ đại loạn, chúng tôi vẫn thản nhiên ngồi ăn chè được cô Hòa dạy Lý mời cả lớp ngày cuối năm. Ăn bình tĩnh thế thôi, nhưng trong lòng chúng tôi đứa nào cũng tiếc hùi hụi, vì đã sắm sửa hết súng rồi, chỉ trực phát súng đầu tiên nổ ra là chúng tôi sẽ ra trận. Tôi đã mường tượng về một “chiến tranh thế giới” sẽ nổ ra hoành tráng như thế nào, cuối cùng thì tất cả cũng dừng chân ở “tưởng tượng” mà thôi. 

Tôi được chuyển về trường mới (ngôi trường hiện tại) học năm tôi lớp 3 - là năm 2003. Thực ra thì tôi cũng không nhớ lắm về quãng thời gian chuyển đó, chỉ thấy ai nấy đều xách theo đồ. Nào là chiếu, nào là phản kê lên bàn buổi trưa để ngủ, nào là chổi,... hàng dọc người trông ai cũng tất bật.

Tôi vẫn nhớ con đường dài dài từ cổng trường mình đến cổng trường Nguyễn Viết Xuân – với một đứa trẻ con thì đoạn đường đó có thể gọi là dài. Nhưng dài mà vui. Bóng cây tỏa mát hai bên đường đi. Cống ở hai bên đường thì cũng hơi sâu, thế nên những hôm lụt lội, có không ít đứa trong chúng tôi bị thụt xuống cái rãnh cống đấy rồi. Lúc ấy thì đau, bẩn, ướt, khóc nhè. Bây giờ, đó trở thành một phần kí ức tuổi thơ của chúng tôi. Nói về tuổi thơ, tôi không có những trò chơi trồng nụ trồng hoa, nhảy dây, trượt tàu lá chuối hay đại loại thế. Vậy nên khi đám bạn đại học ngồi lại và kể xôm xả trò này trò nọ của thời bé tí thì tôi chỉ ngồi một góc và lắng nghe. Vì tuổi thơ của tôi buồn ư? Không hề. Với tôi, tuổi thơ của tôi là trường lớp, là bạn bè, là những kí ức như thế kia kìa, vui lắm chứ, và thực sự rất đáng nhớ. 

Hồi cấp 1 tôi là một đứa rất khỏe, nhưng cứ ốm vào những lúc thi cuối kì. Không hiểu vì sao lại thế, nhưng kì nào tôi cũng phải thức trưa để thi bù, trong khi các bạn khác thì đang say giấc nồng và ngáy o o. Không đơn độc, tôi luôn có các cô thức trưa bên cạnh tôi. Chỉ cần 1 đứa không được ngủ trưa như tôi thì các cô cũng sẽ thức cùng. Bây giờ 21 tuổi rồi, nhưng ngồi nghĩ lại những kỉ niệm ấy cũng thấy hạnh phúc lắm. 

Tháng 9 mùa thu, mỗi năm tôi đều háo hức đến khai giảng. Xem văn nghệ. Xem thả bóng bay. Nhưng chờ đợi nhất là tiếng trống trường từ thày Vĩnh. Điều đó làm tôi thấy thích thú và ngóng chờ. Thày Vĩnh trong tôi là một người tài giỏi và tâm huyết. Khi chúng tôi học trên tận tầng 5, tôi vẫn thấy Thày đi dọc hành lang buổi chiều tà. Cũng có buổi gặp Thày ở cổng trường, Thày hỏi về chúng tôi về mẫu áo thể thao mới của trường thế nào, các con có thích không? Tôi còn nhớ khai giảng năm nào đó, bên dưới lớp xuống sớm xuống muộn, khá nhốn nháo, Thày đứng lên bục, cầm mic và điều chỉnh hàng ngũ trái phải như một vị tướng đang chỉnh đốn đám binh lính mất trật tự của mình. 

Bắt nguồn của tất cả những câu chuyện trên là từ đâu? Mẹ tôi vẫn gọi việc tôi đăng ký vào học ở Nguyễn Siêu năm lớp 1 đó là “định mệnh”. Tôi suýt nữa đã đi học ở trường “làng” Trung Hòa, vì xung quanh đấy tôi chẳng hề biết bất kì trường nào khác. Nếu nhà tôi không mở quán cơm, nếu nhà tôi không lấy bia của chú có cô con gái đang học Nguyễn Siêu, nếu bố tôi không quên ảnh của tôi hôm đến đăng ký học ở trường Trung Hòa để rồi hôm đó hồ sơ không thể hoàn thiện, nếu... Thật may, tất cả chỉ dừng lại ở chữ “nếu”. Vì ở đây, tôi đã có tất cả. Cũng vì ở đây, tôi mới có tôi của hiện tại. Tôi luôn chờ dịp để viết lại những suy nghĩ này, bởi mỗi khi hiện hữu trong suy nghĩ, hai tiếng “Nguyễn Siêu” luôn mang lại cho tôi những khắc khoải, bồi hồi. 

Lời cảm ơn. Tôi muốn nói, nhưng tự tôi thấy từ đó không thể nào diễn tả hết được lòng biết ơn của tôi đối với mái trường ấy - nơi đã nuôi dưỡng tôi từ bé đến lớn, ròng rã 12 năm trời. Bây giờ, tôi đã là sinh viên đại học năm cuối. Chả mấy nữa là tôi sẽ ra trường và bước vào trường đời. Tôi nhận ra rằng, thay vì nói lời cảm ơn để đó, tôi sẽ lấy sự trưởng thành và thành đạt như một lời tri ân sâu sắc nhất gửi tới các thày cô.

Tôi không bao giờ mong những chữ “Nếu” kia xảy ra, nhưng tôi lại luôn mong ước có một phép màu sẽ xuất hiện “Nếu thời gian có quay trở lại”... 
                            
Nguyễn Phượng Huyền (SV Học viện Ngoại giao - CHS khóa 2001 – 2013)