Trong hai ngày 20, 21 tháng 1 năm 2019, 11 cán bộ, giáo viên và 23 học sinh đã thay mặt cho toàn thể CB-GV-NV, cha mẹ học sinh và các con học sinh Nguyễn Siêu lên đường trong hành trình thiện nguyện, giao lưu - trải nghiệm, về nguồn tại các điểm đến: xã Quang Trung (huyện Hòa An); Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh; Đền thờ Bác Hồ và cụm di tích lịch sử hang Pác Bó - suối Lê-nin, núi Các-mác, mộ Kim Đồng (huyện Hà Quảng) thuộc tỉnh Cao Bằng.
Ngay sau khi đặt chân đến Cao Bằng, điểm đến đầu tiên của đoàn là Liên trường Mầm non, Tiểu học, THCS xã Quang Trung. Chỉ cách thành phố Cao Bằng chưa đầy 15km mà không ai có thể tưởng tượng được quãng đường ấy lại dài và khó đi đến thế. Mặc dù đã phải tăng-bo chuyển sang xe một bác tài bản địa, lại được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng với một bên là dòng Bằng Giang mùa nước lặng, xanh và thanh tĩnh nằm dọc theo lối vào, song đoàn không khỏi có chút lo lắng...
Mưa lâm thâm khiến con đường đã nhỏ, đã gập ghềnh, lại còn trơn trượt. Mối lo có thể trật bánh xuống rãnh nước lộ thiên ngay cạnh đường hiển hiện. Thỉnh thoảng gặp xe đi ngược chiều, một trong hai bên phải lại lùi một quãng khiến thời gian kéo dài hơn. Những đoạn đường lồi lõm khiến cho đám học sinh mới lớn nhớ ngay về kỉ niệm ấu thơ, bèn đặt ngay tên cho con đường là "con đường thú nhún". Cứ thế đi qua những cung đường đặc sản với "cua", "xóc", đoàn đã đến được Liên trường nằm đơn sơ lưng một ngọn đồi. Học sinh phần lớn người dân tộc H'mông đều đã có mặt, một số em có cha mẹ đi cùng, nhưng phần lớn là tự đi. Những đôi chân, quần áo lấm lem bùn đất. Có bé trai mặc áo cộc, chân đi dép rách, ôm mình co ro...
Ở đây, các bạn HS Nguyễn Siêu đã chia bánh kẹo cho các em nhỏ, gửi cho mỗi em 1 chiếc áo mới thật ấm. Ngoài ra, với thành quả có được từ Hội chợ Ấm áp mùa xuân, đoàn trường đã tặng cho các em nhỏ những chiếc đệm để sinh hoạt bán trú, nội trú tại trường, những tấm xốp ghép làm sàn cho học sinh mầm non và số tiền mặt với tổng trị giá 96.636.000 đồng, mong sao các em nhỏ nơi đây có một cuộc sống tốt đẹp hơn và cảm nhận được phần nào hơi ấm từ Thủ đô xa xôi mang tới.
***
Điểm đến thứ hai - Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng - chắc hẳn sẽ là nơi lưu giữ những kỉ niệm khó phai với những bạn học sinh Nguyễn Siêu, dẫu đêm mưa miền núi khiến cho buổi hội ngộ mất đi một phần hoạt động theo kế hoạch được lên kĩ lưỡng từ trước.
Bất chấp những khó khăn của thời tiết, tấm tình nồng hậu của "người đồng mình" đã ủ ấm tất cả. Ngay từ ngoài cổng trường, 400 học sinh xếp dọc hai lối đi, vẫy tay, vỗ tay chào đón, ánh mắt, nụ cười lấp lánh. Dưới bầu trời đêm lắc rắc mưa xuân, tất cả như rực rỡ hơn.
Sau khi có bữa cơm "ăn Tết sớm" bên nhau thật rôm rả với những món đặc sản vùng cao, bánh chưng tự tay gói và nấu, các bạn đã di chuyển sân khấu ngoài trời vào trong hội trường, chuẩn bị cho buổi tối giao lưu. Hội trường nhỏ quá chỉ chứa được một nửa số học sinh, các bạn còn lại ngồi ngoài ngay ngắn, có những bạn không thể xem được gì trên sân khấu vì ngồi ngay cạnh bức tường. Vậy mà ai cũng răm rắp, vui vẻ ủng hộ.
Khi trung vệ Bùi Tiến Dũng đá quả luân lưu cuối cùng mang lại chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam cũng là lúc thầy Bùi Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu đang ở trên sân khấu gửi lời chào tới các thầy cô và học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng. Cả hội trường âm vang một tràng pháo tay đanh chưa từng có, dài chưa từng, tràn đầy tự hào và yêu mến.
Tiếp đó, thầy cô và các bạn học sinh hai trường đã có những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc và mãn nhãn, đặc biệt là những màn múa hát tràn ngập sắc màu, âm nhạc, vũ khúc các dân tộc: Kinh, H'mông, Lô Lô, Dao tiền, Tày - Nùng...
Các bạn còn được nghe bài thuyết trình duyên dáng, bắt tai của một cô gái Tày về những giá trị độc đáo trong dải công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Là một trường trung học phổ thông dân tộc nội trú - nơi nuôi dạy các em học sinh từ những vùng miền xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh - có chất lượng giáo dục hàng đầu tỉnh nhà với trên 90% học sinh đỗ đại học (có em là thủ khoa Học viện An ninh), các bạn học sinh nơi đây cho thấy một bộ mặt mới của thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số đầy tinh thần trách nhiệm, tự tin, chủ động và thân thiện, hiếu khách.
Trải nghiệm ngủ lại một đêm tại kí túc xá của trường, học sinh Nguyễn Siêu đã thấm thía những khó khăn, thiếu thốn của các bạn đồng trang lứa nơi đây. Các bạn ấy không có nước ấm, cơ sở vật chất lâu năm đã xuống cấp rất nhiều... Thế mà ai nấy vui vẻ chấp nhận và khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt để học tập tích cực, đạt kết quả tốt nhất.
Không thể nói hết nhưng trong lòng ai cũng thầm cảm phục và yêu mến, thấy những chuyến đi, những con người mới gặp khiến mỗi chúng ta hiểu hơn về cuộc sống này, lớn thêm lên, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.
***
Điểm đến thứ ba của hành trình là Đền thờ Bác Hồ và cụm di tích lịch sử hang Pác Bó - suối Lê-nin, núi Các-mác, mộ Kim Đồng thuộc huyện Hà Quảng. Nơi non xanh nước biếc đón bước chân của thầy trò chúng tôi cùng với ánh nắng bỗng bừng lên rạng rỡ giữa một không gian trong trẻo thơm hương núi rừng cây cỏ. Món quà thiên nhiên dường như bù đắp những vất vả đường dài.
Những ai đã từng tới nơi đây giờ cũng ngỡ ngàng vì sự thay da đổi thịt của cụm di tích này. Tất cả được chăm chút chu đáo, sạch sẽ và ngăn nắp. Khoảng đất trước mặt suối Lê nin, núi Các-mác được mở rộng ra như một quảng trường nhỏ đang được trồng đan xen hoa lá, những dãy hàng quán lô nhô trước kia nay đã được quy hoạch thành những nếp nhà xinh xắn đồng bộ, lùi sát chân núi đối diện.
Cô hướng dẫn viên giới thiệu với đoàn về lịch sử của vùng đất cách mạng - nơi đón bước chân Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba, nơi Người coi như quê hương thứ hai của mình. Những vần thơ Bác viết lại cất lên, bên bờ suối, cạnh chiếc bàn đá chông chênh, trong hang đá, giữa miền đất và tình đồng bào che chở cho Người, cho Cách mạng.
Bài học về nguồn, ngược dòng lịch sử có lẽ chưa bao giờ lại sống động đến thế, những vần thơ cũng chưa bao giờ đẹp và tươi ròng như vậy. Ai cũng muốn tự thử thách mình bằng cách qua suối trên những hòn đá tảng lô nhô, và cuối cùng tất cả đều đã qua được phía bên kia, trong niềm hân hoan, xúc động. Vốc một chút nước, ấp lên gương mặt, rửa trôi những bụi đường, nước suối nguồn trong vắt, ngọt lành. Dưới dòng soi bóng những bông hoa đào nở sớm, từng búi cải xoong xanh mơn mởn và những chiếc lá xau xau vàng rơi. Cảnh đẹp hữu tình lưu luyến những bước chân là có thật.
Nơi cuối cùng mà đoàn ghé thăm chính là khu mộ anh Kim Đồng và thân mẫu của người Đội viên đầu tiên ấy. Ngôi mộ đơn sơ xưa kia nay cũng được sang sửa rất trang trọng và đẹp mắt. Bức phù điêu bằng gốm sứ thật lớn áp mình vào ngọn núi phía sau kể lại những câu chuyện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thiếu niên anh dũng.
Tạm biệt quê hương cách mạng Cao Bằng đẹp là thế mà còn rất nhiều gian khó, đoàn giáo viên và học sinh Nguyễn Siêu trở về thủ đô với niềm biết ơn và xúc động. Hẹn một ngày trở lại nhé, Cao Bằng yêu thương!