Cùng ngắm những mô hình độc đáo từ cuộc thi Thiết kế sản phẩm STEM 2023

12:31 01/05/2023

Hướng đến Ngày hội STEM năm học 2022-2023, trường THCS & THPT Nguyễn Siêu tổ chức cuộc thi Thiết kế sản phẩm STEM và Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh. Đây là sân chơi trí tuệ, giúp các con học sinh có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, phô diễn các kỹ năng, biến những kiến thức khô khan thành những sản phẩm ứng dụng trên nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Đến thời điểm này, BTC cuộc thi đã nhận được hàng trăm sản phẩm và đang trong quá trình chấm điểm. Hãy cùng ngắm nhìn một số sản phẩm STEM nộp sớm nhất, có ý nghĩa độc đáo và đậm chất “handmade”. (Lưu ý: danh sách sản phẩm này là lựa chọn ngẫu nhiên và chưa đầy đủ, không nhất thiết trùng với danh sách chấm giải của Ban Giám khảo cuộc thi).

  1. Mô hình Trường Nguyễn Siêu và quạt gió (Trương Khánh Linh 7CI2 và Trần Phương Thảo 7CI4).

Ý nghĩa, mục đích của mô hình: hưởng ứng môi trường xanh và truyền tải thông điệp năng lượng bền vững của trường Nguyễn Siêu. Cối xay gió tượng trưng cho tâm huyết của thầy cô, sự đồng hành của cha mẹ và nỗ lực của học sinh. Khi quạt bắt đầu quay cũng là lúc ước mơ của nhà trường được vươn ra tầm thế giới.

  1. Mô hình nhà chống lũ (Phạm Nguyễn Thanh Huyền, Shirra Trần An 11A2).

Bộ đôi tác giả đã thiết kế mô hình nhà chống lũ từ hộp nhựa cũ, bìa cứng, đũa dùng một lần, ống hút nhựa, chai nhựa, vật trang trí làm từ sữa và súng bắn keo. Ý nghĩa của mô hình hướng đến cách đối phó với mùa bão lũ, giúp người dân được an toàn khi nước dâng cao, chảy xiết nhờ hệ thống phao dưới chân nhà và cọc đóng chặt vào lòng đất giúp cố định vị trí ngôi nhà.

  1. Ứng dụng của nam châm (Ngô Tuấn Kiệt, Nguyễn Trần Minh Phương 11AE3).

Sản phẩm được làm hoàn toàn từ đồ đã không còn sử dụng nữa và sử dụng năng lượng sạch. Do lực hút của Trái Đất và lực nặng của cây bút với 3 cục pin, nam châm không thể hút cây bút lên nhưng vẫn có từ trường đủ để giữ cây bút đứng thăng bằng. Sản phẩm này có thể ứng dụng để vận hành quạt, máy xay… mà không cần điện.

  1. Mô hình lớp đất (Hoàng Thu Thảo, Đỗ Hồng Phương Thảo 6CI6).

Sản phẩm được làm từ hộp giấy, giấy màu, đồ chơi và một số cây cỏ trang trí, giúp chúng ta hiểu một cách trực quan hơn về cấu tạo các lớp đất trên bề mặt vỏ Trái Đất.

  1. Máy lọc tiết kiệm nước và phát điện (Trần Khánh Ngọc, Hoàng Minh 9IG1E1)

Nhóm tác giả đã tận dụng chai nhựa, đá, bông, cát, than tạo ra máy lọc nước; que, đũa tre làm nhà và gắn cánh quạt, mô tơ mô phỏng cách tạo ra điện sử dụng từ sức gió. Mô hình này mang ý nghĩa giúp người dân có một cuộc sống xanh, sạch và tiết kiệm hơn, gần gũi, bảo vệ môi trường.

Là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện dạy học theo định hướng STEM, Trường Nguyễn Siêu nhiều năm qua đã tổ chức hoạt động ngày hội STEM thành một hoạt động thường niên thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.