Bài viết và tranh vẽ tự thiết kế, dàn trang của học sinh lớp 12 Nguyễn Siêu sau chuyến đi trải nghiệm tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Đình Tân Trào (Tuyên Quang).
=============
"BẦU TRỜI HÔM ẤY XANH VỜI VỢI..."
Giữa những ngày Thu đầy nắng, bầu trời trong xanh như ước mơ của những người lính trong bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu, chúng tôi có dịp được về khu di tích lịch sử ATK-Định Hóa và cây đa Tân Trào. Chuyến đi đã đem lại cho mỗi người những cảm xúc khác nhau nhưng hòa chung vào đó là cảm xúc tự hào, biết ơn đối với công lao của Bác và những người anh hùng dân tộc.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu di tích lịch sử ATK - Định Hóa. ATK là viết tắt của cụm từ "An toàn khu", nơi đây đã được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo, cán bộ Đảng đã sống và làm việc từ 20/5/1947-1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cách mạng do Việt Bắc mà thành công. Thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi", qua đó có thể thấy khu ATK-Định Hóa có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành lại độc lập của dân tộc ta.
Chúng tôi đã được tham quan bảo tàng ATK-Định Hóa, nơi còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật của bộ đội và đồng bào các dân tộc miền núi. Nhìn những kỉ vật đã nhuốm màu thời gian cùng giọng diễn thuyết truyền cảm của cô hướng dẫn viên, chúng tôi như được nhìn thấy hình ảnh cuộc sống và chiến đấu kiên cường của những người bộ đội và đồng bào thời kháng chiến. Tiếp theo, chúng tôi được tới thăm lán Tỉn Keo, chính trong căn lán đơn sơ chỉ với một chiếc bàn gỗ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc. Lán Tỉn Keo cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc biệt đây là nơi Bác Hồ đã chỉ huy ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bao năm tháng trôi qua, nhưng nơi đây vẫn còn cây hoa râm bụt Bác trồng, vẫn còn những đường hào mà bộ đội ta đã dùng để di chuyển trong những năm kháng chiến. Đứng từ lán Tỉn Keo nhìn ra, khung cảnh rừng núi xung quanh như một bức tường thành vững chắc bao bọc lấy ATK- Định Hóa, chúng ta mới thấy được tầm nhìn chiến lược trong việc lựa chọn vị trí xây dựng căn cứ điểm của Bác. Như lời Người đã nói:
"Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang Bộ tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng ráo, kín mái
Gần dân, không gần đường"
Điểm dừng chân thứ hai của chúng tôi là nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng nhân dịp kỉ niệm 115 năm sinh nhật Bác trên đỉnh Đèo De, mặt hướng về phía Đông Bắc, bốn phía đều có núi bao bọc. Trong không khí trang nghiêm nghi ngút hương khói, lòng tôi không khỏi cảm thấy bồi hồi, xúc động và tràn ngập biết ơn đối với Bác - vị lãnh tụ vĩ đại, người đã soi đường, chỉ lối, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến ngày toàn thắng, đến độc lập, tự do:
"Vui sao một sáng tháng Năm
Mình về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn"
Tiếp theo chúng tôi được đi thăm một địa danh hết sức đặc biệt, đó là lán Khuôn Tá, nơi được mệnh danh là "Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến". Để đi được đến nơi đây không phải điều đơn giản, chúng tôi phải vượt qua con suối nhỏ với những phiến đá trơn trượt, đi qua con đường mòn bao quanh là ruộng lúa chín vàng ươm như màu nắng tháng Mười. Đối với những đứa trẻ thành phố như chúng tôi, đây là một trải nghiệm hết sức đặc biệt và không thể quên được. Đây cũng là lần đầu tiên, chúng tôi biết được thế nào là cây phách:
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Lán Khuôn Tát hay còn gọi là lán Bác Hồ được xây dựng trên đồi Nà Đình. Nơi đây địa thế cao, hẻo lánh, cây cối rậm rạp, là nơi Bác Hồ đã làm việc nhiều lần. Đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nơi Bác viết nhiều tài liệu quan trọng.
Chiều hôm ấy, chúng tôi được tới thăm cụm di tích lán Nà Nưa. Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã trải qua những ngày tháng sinh hoạt hết sức gian khổ:
"Đơn sơ lán nứa lá gồi
Phiên thưa lọt gió cắt trời đêm đông…"
Cũng tại đây, chúng tôi đã được nghe kể một câu chuyện hết sức li kì về Bác. Có một lần Bác bị sốt cao, dùng bao nhiêu phương thuốc nhưng vẫn không đỡ, tưởng chừng đã không qua khỏi. Nhưng có một ông lang, một vị thần y đã tới và cứu chữa cho Bác, giúp Bác qua cơn thập tử nhất sinh. Nhưng li kì là sau đó người thấy thuốc này biến mất không tung tích, không ai có thể tìm được. Hành trình "về nguồn" kết thúc với địa điểm cây đa Tân Trào và đình Hồng Thái:
"Mình về còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa"
Mái đình Hồng Thái là nơi đã diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội. Trong đại hội này, Bác Hồ để cho Tổng bí thư Trường Chinh chỉ đạo, người chỉ đóng vai trò một cán bộ dự đại hội. Cũng có một câu chuyện khác kể rằng trước đình có một phiến đá, đối với đồng bào nơi đây, nó là phiến đá thần, nơi người dân đặt đồ cúng tế trong các ngày lễ, Bác Hồ biết vậy nên người đã không đứng lên phiến đá để phát biểu mà chỉ đứng bên cạnh. Qua câu chuyện nhỏ này, chúng ta có thể thấy Bác Hồ không chỉ trông coi việc lớn, việc nước nhà, Bác còn quan tâm đến từng chi tiết trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây, đó cũng là một trong những lí do khiến Bác hết sức được kính trọng. Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập "Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội", cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng".
Chuyến đi lần này giúp chúng tôi thu được thêm nhiều tư liệu, bài học quý giá mà không sách báo, trang mạng nào nhắc đến, để lại trong chúng tôi niềm tự hào, kính trọng đối với Bác và những vị anh hùng đã hi sinh cho Tổ quốc. Bầu trời Tuyên Quang-Thái Nguyên hôm ấy xanh vời vợi, xanh như ước mơ về ngày toàn thắng của những người lính, người chiến sĩ năm xưa, xanh như ước mơ đưa Việt Nam ra biển lớn như ước nguyện của Bác trong mỗi đứa học sinh chúng tôi.
Đào Thảo Vy (12NS4)