Các nhà báo khi viết về trường Nguyễn Siêu những năm đầu thường nhấn mạnh vào cách thưa "thầy cô" xưng "con" của học sinh Nguyễn Siêu. Cách xưng hô ấy là một điểm sáng độc đáo trong môi trường giáo dục vốn quen với danh xưng "thầy cô và em" ở miền Bắc. Tạo ra một ngôi trường mới với những nếp ứng xử khác biệt là câu chuyện xuất phát từ tấm lòng người làm cha, làm mẹ. Xin mời quý vị cùng trở về với ngày đầu thành lập qua lời kể của Nhà giáo Dương Thị Thịnh, Phó Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Siêu
Năm 1964, tôi bắt đầu dạy học, đầu tiên tôi đi dạy ở một ngôi trường công lập. Từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi luôn yêu thương các con học sinh như là con đẻ của mình. Khi mở trường Nguyễn Siêu này ra, lúc nào tôi cũng tâm sự với các đồng nghiệp rằng khi các bạn làm việc gì thì hãy luôn luôn nghĩ rằng học sinh là con của mình. Từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, bất kể lúc nào. Vì thế cho nên những ngày đầu mới thành lập nhà trường có nhiều khó khăn lắm, nhưng chúng tôi luôn cố gắng, gần gũi, chăm sóc, động viên thì các con học sinh, chăm nom các con như con cái trong nhà nên các con học sinh thấy rất là tự tin và không có khoảng cách xa lạ giữa thầy với trò. Khi lớp 12 đầu tiên của trường đi thi tốt nghiệp, chính tôi và cô Trần Thuý Lan đưa các con đi thi. Học sinh vào phòng thi rồi mà hai cô giáo vẫn đứng ngoài trường thi, hai tay bám lên cánh cổng sắt ngóng vào mong các con thi cử thuận lợi. Ngày ấy, phần thưởng đầu tiên chúng tôi hứa với thế hệ lớp 12 năm ấy là “Nếu thi đỗ thì thầy cô sẽ khao các con một bữa bún chả". Cái quan niệm coi học sinh như con đẻ đã đưa Nguyễn Siêu là cái quê hương đầu tiên của tiếng gọi thầy cô xưng “con".
Ngay từ những năm học đầu tiên, thầy Vĩnh và tôi đã quy định, ngoài bộ đồng phục hàng ngày thì thứ hai chào cờ và các ngày lễ trọng đại, học sinh phải mặc bộ lễ phục trắng. Chúng tôi có một cái suy nghĩ đơn giản lắm, các con học sinh là mầm non trong trắng và bản thân cái giai đoạn được đi học là một giai đoạn trong trắng nhất trong cả cuộc đời con người, tất nhiên không kể lúc thơ bé. Khi đã bước chân vào bậc phổ thông thì cho đến lúc kết thúc với 12 năm học thì theo quan điểm của tôi, đấy là quãng thời gian tươi đẹp nhất, sung sướng nhất, trong trắng nhất và cái gì đẹp nhất nó nằm ở đấy. Còn khi đã bước chân vào đại học thì nó đã có cái phần khác và khi đã bước chân vào cuộc đời lại càng khác. Với lý do đó cho nên chúng tôi mong muốn có một màu trắng như thế để thể hiện sự trong trắng của các con học sinh.