Nhà giáo lão thành truyền cảm hứng tiên phong mở lối, dẫn bước tương lai

14:00 16/02/2023

[ Bài đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 16 tháng 2 năm 2023 ]

 

CHUYỆN XƯA 

Tháng Chạp năm Quý Dậu, khi lịch tây đã bước sang nửa cuối tháng 1 năm 1934, cậu bé Nguyễn Trọng Vĩnh chào đời tại thôn Vụ Nông, tổng Vụ Nông, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng).

Những năm tháng ấu thơ, thiếu thời đi qua trong giai đoạn quê hương bị thực dân Pháp chiếm đóng. Ở tuổi 13, Trọng Vĩnh mồ côi cả cha lẫn mẹ vì binh lửa loạn lạc. Nuốt vào lòng nỗi mất mát lớn lao, Trọng Vĩnh trở thành liên lạc du kích xã, nuôi chí trả thù cho cha mẹ, bảo vệ cho xóm làng.

Vốn nhanh nhẹn, biết việc, cậu thiếu niên Trọng Vĩnh lần lượt được chuyển tới văn phòng huyện ủy An Dương, văn phòng Tỉnh ủy Kiến An, Thành ủy Hải Phòng. Ở đó, phẩm chất thông minh, nhanh nhẹn, lòng yêu quê hương đất nước và tinh thần trách nhiệm của cậu thiếu niên mồ côi năm nào nay đã 17 tuổi được đánh giá cao, song còn hạn chế bởi trình độ văn hóa.

Để chuẩn bị cho công việc sau này, tháng 12/1951, Trọng Vĩnh được Thành ủy Hải Phòng cử đi học văn hóa tại chiến khu Việt Bắc, song cũng do cái duyên, cậu lại được chuyển qua học Sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Tháng 10/1954, được đặc cách tốt nghiệp, chàng trai Nguyễn Trọng Vĩnh ở tuổi 20 đã hòa mình vào đoàn quân tiếp quản công tác thanh thiếu niên trường học Thủ đô.

Những năm sau đó, thầy giáo trẻ Trọng Vĩnh trở thành chuyên viên của Sở Giáo dục Hà Nội. Ông tham gia dạy học từ cấp tiểu học đến trung học và là Bí thư Liên chi đoàn Giáo viên ngành Giáo dục Hà Nội, Học viên trường Đào tạo Cán bộ giảng dạy Chính trị - Bộ Giáo dục và rồi giảng dạy Triết học tại Trường Trung sơ cấp Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô) đến năm 1965. Đó là những nét vắn tắt dọc chặng đường hơn 10 năm đầu đời - 10 năm tuổi trẻ nhiệt huyết gắn với sự nghiệp “trồng người” của thầy Nguyễn Trọng Vĩnh.

Năm 1965, theo điều động của Thành ủy Hà Nội, thầy “gác bút nghiên” lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, người thầy tuổi vừa quá 30 gia nhập quân ngũ. Ông trở thành cán bộ Chính trị Binh chủng Công binh và phát huy những phẩm chất, năng lực của người thầy dạy Triết học, trở thành Thiếu úy, Chính trị viên Đại đội. Bôn ba qua khắp các chiến trường, cùng đồng đội đi qua những hi sinh kiệt cùng của chiến trận, hết mình giành lấy độc lập, tự do.

25 năm quân ngũ, ông mang trong mình những thương tích chiến tranh, là thương binh 2/4. Ông nghỉ hưu khi ở cương vị Đại tá - Trưởng phòng Tuyên huấn của Binh chủng Công Binh, năm 1990.

Những tưởng đã được nghỉ ngơi ở tuổi 57, bình yên bên người vợ là cô giáo và 2 đứa con đang tuổi lớn, song cuộc sống túng thiếu những năm sau mở cửa, bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH một lần nữa lại đưa cho ông những thử thách qua những công việc đời thường rồi đưa ông trở về với duyên nghiệp làm thầy.

Năm 1989, Đảng có chủ trương “đa dạng hóa các loại hình trường lớp, các hình thức đào tạo, ban hành quy chế của nhà nước về việc mở các trường, lớp dân lập, tư thục…”. Nắm bắt kịp thời chủ trương này, với khát vọng thành lập một ngôi trường mong ước, đầu tiên là cho chính các con mình học mà không phải vất vả đêm ngày tới lớp học thêm, ông Đại tá cùng người bạn đời của mình là nhà giáo Dương Thị Thịnh đã mạnh dạn xin mở trường dạy học - ngôi trường được mang tên danh nhân văn hóa thế kỷ thứ XIX “Nguyễn Siêu”.

Thời kỳ ấy, trường dân lập còn là một khái niệm rất mới và mang định kiến là trường dành cho những học sinh có đầu vào thấp. Cha mẹ học sinh hoặc phải “rất dũng cảm”, hoặc không còn con đường nào khác mới gửi con vào dân lập.

Trên bối cảnh chung đó, thầy Vĩnh đặt ra tôn chỉ “Thầy dạy giỏi - Trò chăm ngoan” lấy “giáo dục đạo đức làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động giáo dục toàn diện của trường”. Nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất có thể để đảm bảo chất lượng đầu ra. Ngay trong khóa học sinh lớp 10 đầu tiên đã tốt nghiệp trung học phổ thông 100%, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đạt 72%.

Với tính cách người lính, ông đã nói là làm, cả quyết, đến cùng, dẫu khó khăn chồng chất. Suốt 12 năm đầu thành lập, trường phải long đong chuyển dời vì cảnh thuê mượn, có khi sửa sang sạch đẹp xong “cứ ấm chỗ lại bị đuổi”. Đến nỗi các nhà báo thường gọi trường ông là “ngôi trường trên đôi quang gánh”. Phải chờ đến khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, năm 2004, Nguyễn Siêu mở chính thức có ngôi trường riêng của mình, tọa lạc tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy ngày nay.

 

CHUYỆN NAY

“An cư lạc nghiệp”, kể từ đó, Nguyễn Siêu đi trên con đường đã định: trở thành “lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô”, bắt đầu từ khi được công nhận là trường ngoài công lập đầu tiên đạt Chuẩn quốc gia năm 2005.

Tuổi xưa nay hiếm chưa bao giờ là một rào cản để thầy dừng bước hay chậm lại. Thầy không ngừng mở rộng tầm mắt và tiếp tục dấn thân, trải nghiệm, học hỏi từ những nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Thầy đặt nền móng và mở đường để người kế tục là “nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy và Tiến sĩ - Bí thư Đảng ủy nhà trường Nguyễn Vĩnh Hạnh mở đường bay quốc tế cho mái trường Nguyễn Siêu từ 10 năm trước và vẫn đang tiếp tục trên đà vươn xa.

Từ năm 2014 trở đi, những mốc son đáng tự hào được đánh dấu: Nguyễn Siêu trở thành trường Chất lượng cao đầu tiên theo Luật Thủ đô (2014), gia nhập hệ thống các trường song ngữ quốc tế Cambridge (2014), trường học điển hình của Microsoft (2014), trung tâm khảo thí Cambridge mới tốt nhất (2015-2016), được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba…

Suốt 30 năm qua, trường giữ vững thành tích 100% tốt nghiệp THPT và đỗ vào đại học. Học sinh của trường ngày càng được vinh danh nhiều hơn, không chỉ tại thành phố, địa phương mà trên trường quốc gia, quốc tế. Liên tục tăng trưởng về chất lượng, số lượng học sinh đạt điểm cao nhất Việt Nam trong các kỳ thi học thuật Cambridge, được thư khen của Giám đốc điều hành Cambridge toàn cầu, trường được lựa chọn là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương tham gia vào Ban Cố vấn với nhiệm vụ tư vấn và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn tại các trường trong hệ thống trường quốc tế Cambridge trên toàn thế giới.

Nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh luôn trân trọng cho rằng: “Uy tín và những thành tựu ngày hôm nay của thầy và trò Trường Nguyễn Siêu là kết tinh từ nỗ lực của nhiều thế hệ những con người Nguyễn Siêu - các thầy cô giáo, các con học sinh và sự tin tưởng, đồng hành của lớp lớp cha mẹ học sinh…”.

Song những người Nguyễn Siêu mà ông trân quý ấy đều hiểu rằng người có công lớn nhất và chưa một ngày ngơi nghỉ cống hiến cho sự nghiệp trồng người nói chung và sự nghiệp của Trường Nguyễn Siêu nói riêng chính là nhà giáo - chiến sĩ Công binh “mở đường thắng lợi” Nguyễn Trọng Vĩnh. Ông chính là tinh thần đi trước, dẫn đầu, “tiên phong mở lối, kiến tạo tương lai”.

Còn với riêng ông, sự nghiệp này, cuộc đời này là của chung ông và người bạn đời tri âm tri kỷ - nhà giáo Dương Thị Thịnh. Ông thường nhắc đi nhắc lại: “Có ông thì phải có bà. Ông với bà tuy hai mà một” với nụ cười hạnh phúc.

Chuẩn bị kĩ lưỡng cho một giai đoạn mới, vợ chồng nhà giáo lão thành ấy đã tiến hành chuyển giao thế hệ một cách bài bản, khoa học, chu đáo với tầm nhìn chiến lược xa rộng. Đó là đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình quốc tế bên cạnh đội ngũ giáo viên cơ hữu người nước ngoài đạt hiệu quả và chất lượng cao. Xây dựng chương trình giáo dục tích hợp giữa chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam và chương trình Cambridge quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt triển khai. Hội nhập quốc tế song luôn coi trọng giữ gìn bản sắc Việt Nam. Gói lại tất cả những gì ông nâng niu, gìn giữ với biết bao tâm huyết, tạo nên không gian di sản với ước vọng “để lại cho muôn đời sau”.

Những ngày vừa qua, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh đã hoàn thành cuốn “Biên niên sử 30 năm Trường Nguyễn Siêu sáng cùng thời gian” dày 432 trang, đồng thời khánh thành Phòng Truyền thống và Trưng bày lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật quý giá trên hành trình 30 năm mà ông mới đi qua. Đó là những công trình dựng nên bằng toàn bộ tâm huyết và tình cảm sâu nặng với sự nghiệp trồng người của trường Nguyễn Siêu.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11/1982-20/11/2022, ở tuổi cận kề 90, nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh là 1 trong 40 nhà giáo Thủ đô tiêu biểu giai đoạn 1982-2022 được UBND thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh. Trước đó, thầy còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” (2016); “Trí thức tiêu biểu Thủ đô” (2014); nhưng hơn hết, thầy là người Ông, người Cha yêu kính của lớp lớp thế hệ thầy trò trong “đại gia đình” Nguyễn Siêu, là người truyền cảm hứng cho bất cứ ai trên con đường khởi nghiệp, lập thân, tận tâm cống hiến và để lại những tinh túy cho đời.

NHUỆ ANH

(Theo Báo Giáo dục và Thời đại)