Đó là nội dung buổi học trải nghiệm của học sinh khối 8-9 trường THCS & THPT Nguyễn Siêu tại Khoa Sư phạm Kĩ thuật (Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong những hoạt động thú vị thuộc liên môn Tin học – Công nghệ.
Theo đuổi triết lí giáo dục siêu hiệu quả, dạy học phát triển tư duy HPL, liên môn Tin học – Công nghệ đã tổ chức cho toàn bộ học sinh khối 8 và hai lớp 9AE1, 9AE2 học lí thuyết và thực hành tại Khoa Sư phạm Kĩ thuật (Đại học Sư phạm Hà Nội) để các con được trau dồi kĩ năng sử dụng thiết bị thông minh, làm quen với các loại cảm biến, mạch điện tử và phần nào đó, đóng vai một kiến trúc sư, một nhà thi công trong việc đọc bản vẽ thiết kế nhà.
Học sinh khối 8-9 lắng nghe giảng viên khoa Sư phạm kĩ thuật và trình bày ý tưởng về ngôi nhà mơ ước của nhóm mình
Buổi trải nghiệm của các con được chia thành 2 hoạt động: đọc - phân tích một bản vẽ thiết kế nhà mẫu, và trên cơ sở đó, tự thiết kế, lắp ghép một ngôi nhà mơ ước cho mình, trong đó có gắn hệ thống đèn chiếu sáng thông minh.
Làm quen với kĩ năng đọc, phân tích bản vẽ thiết kế
Với học sinh lớp 8-9, một bản vẽ thiết kế nhà có thể tương đối phức tạp và lạ lẫm, nhưng dưới sự chỉ dẫn của các giáo viên Sư phạm kĩ thuật, các con đã rất tập trung nắm bắt các loại kí hiệu, chỉ báo cùng tính biểu đạt của nó. Đánh giá mức độ tiếp nhận thông tin của các con là một phiếu bài tập với các thống kê thực tế như ngôi nhà có bao nhiêu phòng, diện tích bao nhiêu mét vuông, bố trí bao nhiêu cửa ra vào, cửa sổ, công năng chính là gì…
Làm quen với hệ thống mạch điện chiếu sáng và các cảm biến thông minh
Sau khi đã hiểu về những thông tin cơ bản đó, các con chia thành nhiều nhóm nhỏ, thảo luận và tự thiết kế ngôi nhà theo ý tưởng của mình. Điểm đặc biệt là trong ngôi nhà đó, các con còn đính kèm những mạch điện giúp chiếu sáng bóng đèn thông qua hệ thống cảm biến thông minh – tự động bật sáng khi phát hiện có di chuyển xung quanh.
Những ngôi nhà thông minh dần hiện lên theo bản vẽ mà các nhóm học sinh tự thiết kế
Kết thúc buổi học, các con từ những bỡ ngỡ ban đầu đã vận dụng tốt lí thuyết Tin học – Công nghệ vào thực hành và hoàn tất sản phẩm của mình bằng các kĩ năng STEM, làm việc nhóm, đồng thời tiếp nhận thêm nhiều kiến thức về điện, điện tử, cơ khí, kĩ thuật ngoài phạm vi Sách giáo khoa.