KHỐI 7 VỚI MẢNH RỪNG CỬA NGÕ THỦ ĐÔ

16:11 29/11/2023

Tuần qua, học sinh khối 7 đã ghé thăm Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam trong khuôn khổ chương trình trải nghiệm liên môn Khoa học tự nhiên – Lịch sử - Địa lí. Chuyến đi rừng ngay tại cửa ngõ Thủ đô đã để lại cho các con rất nhiều ấn tượng và kiến thức mới mẻ.

Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam (cách Trung tâm Hà Nội chỉ hơn 10km) là một khu trưng bày, lưu giữ một số lượng khổng lồ những bộ mẫu vật khô và mẫu vật sống về động – thực vật và côn trùng. Đó là địa điểm lí tưởng để học sinh Nguyễn Siêu có những trải nghiệm thực tế, sống động bên cạnh kiến thức thu được từ sách vở.

Học sinh khối 7 Nguyễn Siêu tham quan, trải nghiệm Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam

Học sinh khối 7 là những vị khách mới nhất đến thăm Bảo tàng rừng, với nhiệm vụ hoàn thành một phiếu bài tập bao gồm đầy đủ kiến thức Lịch sử, Địa lí, Sinh học, Nghệ thuật… Tuy nhiên, vượt trên phiếu thu hoạch đó, cái mà các con thu được là những gì mắt thấy, tai nghe, những bước đi trên lá rơi xào xạc giữa rừng cổ thụ…

Đi giữa rừng già, chăm chú lắng nghe cô hướng dẫn viên chia sẻ những thông tin kì thú về các loài động thực vật

Chui qua đường hầm còn sót lại từ thời chiến

Tranh thủ ghi chép lại kiến thức để hoàn thành phiếu bài tập

Chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi, các con đã trải qua thật nhiều hoạt động: thăm thú rừng già với những cây kơnia, lim, chò, dầu rái…; chui qua những đường hầm bí mật ngay cạnh hố bom – dấu ấn còn lại của một thời chiến tranh, chạm vào thật gần những tiêu bản hổ Đông Dương, sư tử, gấu, các loài chim tiêu biểu cho những độ cao đa dạng hay bộ sưu tập hàng ngàn loại côn trùng từ sâu, bướm đến bọ cánh cứng… Các con cũng được xem những thước phim tài liệu về cuộc sống động vật, sự phát triển của các loài cây, và sau đó, tự tay làm những bức tranh nghệ thuật từ lá rụng.

Mải mê giữa bạt ngàn tiêu bản, từ hổ Đông Dương, bộ xương tê giác một sừng đến hàng trăm loại chim đặc hữu

Hoàn thành những bức tranh từ lá rụng

Với sự thuyết minh tận tình của các hướng dẫn viên Bảo tàng rừng, các con đã cụ thể hóa được rất nhiều kiến thức hàn lâm để nhớ và để hiểu, ví dụ như đâu là cây ưa bóng, đâu là cây ưa nắng, vòng đời của bướm thế nào, các loài động vật hoang dã đã nằm trong Sách Đỏ - đời sống, địa bàn hoạt động trước kia của chúng ra sao… Đó cũng chính là những thông tin cần thiết để các con hoàn thành bài tập dự án kết thúc chuyến đi.