TUẦN GIÁP TẾT Ở NGUYỄN SIÊU VÀ NHỮNG ĐIỀU THẦY CÔ ẤP Ủ

14:00 25/01/2024

Nguyễn Siêu luôn tự hào là ngôi trường mang đậm bản sắc Việt hội nhập quốc tế. Bởi thế, giữ gìn, trân trọng, quảng bá những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc chính là ưu tiên hàng đầu của Người Nguyễn Siêu.

Ngày hội Ấm áp mùa Xuân – hoạt động thường niên tại Nguyễn Siêu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán - không chỉ là nơi để tôn vinh văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để người Nguyễn Siêu thể hiện nét đẹp trong trách nhiệm với cộng đồng. 

Tết đến, Xuân về cũng là khi NS-ers hòa mình vào không khí chào đón ngày lễ lớn nhất trong năm như một hoạt động gìn giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đây đồng thời cũng là dịp để mỗi thành viên trong đại gia đình Nguyễn Siêu hướng về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” - nhớ về ân đức tổ tiên và tinh thần tương thân tương ái - “lá lành đùm lá rách” - chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn. 

Hãy cũng trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng ban tổ chức Ngày hội - để hiểu thêm về những ấp ủ, gửi gắm của thầy cô Nguyễn Siêu nhé!

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng, Trưởng BTC Ngày hội Ấm áp mùa Xuân 2024

PV: Ngày hội Ấm áp mùa Xuân đã trở thành hoạt động thường niên không thể thiếu của người Nguyễn Siêu. Cô có thể giới thiệu kĩ hơn về lịch sử và ý nghĩa của ngày hội này?

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Cách đây 14 năm, năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, trong rất nhiều các hoạt động mà trường Nguyễn Siêu tổ chức thì hội chợ Xuân là hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của các bậc CMHS, các con học sinh và các thầy cô giáo. Từ đó đến nay, mỗi dịp giáp Tết, trường Nguyễn Siêu luôn tổ chức sự kiện lớn với tên gọi “Ngày hội Ấm áp mùa Xuân”. Mùa Xuân không còn lạnh giá bởi những ấm áp tình người, sự đồng cảm, sẻ chia từ tấm lòng nhân văn cao cả.

Ý nghĩa sâu sắc nhất của Ngày hội Ấm áp mùa Xuân chính là sự đánh thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với cộng đồng, nuôi dưỡng lòng thấu cảm, hướng học sinh tới các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ hơi ấm tình yêu thương với những trẻ em thiệt thòi, ở nhiều vùng miền còn gian khó…

PV: Chủ đề chính của Ngày hội năm nay - chào Xuân Giáp Thìn 2024 - là gì? Có điểm gì mới, khác biệt, đáng mong chờ không, thưa cô? Trong ngày hội sẽ diễn ra một số hoạt động nhằm lưu giữ và truyền bá nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cô có thể điểm thêm về những hoạt động này và ý nghĩa giáo dục của những hoạt động đó?

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Năm nay, Ngày hội Ấm áp mùa Xuân được tổ chức cùng với Liên hoan các trò chơi dân gian. Ban Tổ chức mong muốn sẽ mang đến cho các con học sinh và quý khách tham gia Ngày hội những trải nghiệm, những cảm xúc đặc biệt về văn hóa truyền thống Việt Nam với các trò chơi dân gian như ném còn, đi cầu kiều, nhảy sạp, rồng rắn lên mây... Đặc biệt, quý khách sẽ được trải nghiệm viết câu đối, trang trí các sản phẩm tết... Đây là những nét đẹp văn hóa của biết bao dân tộc trên mảnh đất hình chữ S, cần được giữ gìn, chia sẻ và quảng bá.

Khi tham gia ngày hội quý khách cũng sẽ được ngắm nhìn nét đẹp văn hóa vùng miền của 21 dân tộc thiểu số qua các bộ trang phục dân tộc do chính các con học sinh – những người mẫu không chuyên nhưng đầy tự tin biểu diễn. 

Nét đẹp văn hóa của người Việt Nam còn được thể hiện ở các gian hàng truyền thống với các mặt hàng ngày Tết mà gia đình nào cũng cần có: giò chả, miến, măng, nem nắm, nem chua... Các món ăn lai rai như gà khô, lợn khô, bò khô; các loại hạt, bánh kẹo đãi khách: Hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt bí, kẹo handmade... đến các loại hoa, bình cây tô điểm cho ngôi nhà trong ngày Tết: hoa cúc, hoa lan, hoa đồng tiền, cây kim ngân, phát lộc, hạnh phúc... Và đặc biệt, góp phần tạo nên không khí náo nhiệt của ngày hội là những lời ca tiếng hát của hoạt động âm nhạc đường phố do các con học sinh tự biên, tự diễn....

Duy trì những giá trị truyền thống trong Ngày hội, chúng tôi cũng muốn giáo dục các con học sinh trân trọng văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập hiện đại hiện nay, đó là “cái cây muốn vươn cao thì rễ của nó càng phải bám sâu vào đất mẹ - vào nguồn cội, con người muốn vươn ra biển lớn càng phải hiểu và tự hào về gốc rễ dân tộc”.

PV: Khu tiểu cảnh hay “góc checkin” Tết truyền thống của trường Nguyễn Siêu luôn hàm chứa thông điệp nào đó được thầy cô gửi gắm. Góc Tết trong từng lớp học cũng vậy. Cô có thể chia sẻ thêm về ý tưởng, thông điệp của năm nay?

Một vài hình ảnh từ góc checkin Tết những năm qua

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Có thể nói khu tiểu cảnh hay “góc checkin” Tết truyền thống của trường Nguyễn Siêu là nơi mà ai là người Nguyễn Siêu cũng mong đợi. Năm nào góc check in này cũng “ đắt” khách, ai cũng muốn vào đó chụp cho mình một tấm ảnh đúng kiểu “Tết xưa”, các tổ nhóm, khối chủ nhiệm, hay các bộ phận thường xúng xính áo quần vào chụp. Sở dĩ thu hút tất cả mọi người bởi tiểu cảnh đã tái hiện lại hình ảnh Tết thời “bao cấp” mà người trẻ thì không có “cơ hội” để chiêm nghiệm thực tế, còn người “có tuổi” là bố mẹ, thầy cô thì muốn “sống lại” khoảnh khắc Tết xưa. 

NS-ers đang rộn ràng chuẩn bị cho những góc Tết độc đáo riêng có tại lớp mình

Đối với góc Tết tại mỗi lớp học, các con học sinh được trao quyền để thỏa sức sáng tạo, thể hiện sự tự tin, dám nghĩ dám làm từ khâu lên ý tưởng, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện. Mỗi lớp học là một không gian Tết truyền thống khác nhau, thể hiện những góc nhìn khác nhau của học sinh về Tết. Có những không gian mộc mạc đậm chất truyền thống của Tết xưa, lại có những không gian rực rỡ sắc màu của sự đổi mới và phát triển.

Đặc biệt, các con đã sáng tạo trên cơ sở kết hợp những giá trị truyền thống với hiện đại. Những câu đối Tết của các con chứa đựng những giá trị sâu sắc của triết lí giáo dục siêu hiệu quả HPL. Bằng lăng kính của mình, các con học sinh Nguyễn Siêu đã góp vào vườn Xuân Nguyễn Siêu những bông hoa xinh đẹp, đặc biệt và tỏa sáng. Qua hoạt động này, các con cũng tiến xa hơn trên hành trình trở thành những học sinh ưu tú theo triết lí giáo dục HPL bằng sự sáng tạo, tự tin, dám nghĩ dám làm.

Làm những điều này, chúng tôi mong muốn tất cả chúng ta đều trân trọng Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam - Tết của sum vầy hạnh phúc. 

PV: Cảm ơn cô đã chia sẻ! Chúng ta sẽ cùng chờ đón và chúc cho Ngày hội Ấm áp mùa Xuân 2024 thành công tốt đẹp!

 

TIN LIÊN QUAN:

>>> THÔNG ĐIỆP NGÀY HỘI ẤM ÁP MÙA XUÂN 2024

>>> TẾT: “KẾT” THÔI, ĐỪNG “HATE”!

>>> CÓ GÌ TRONG CHỢ TẾT CỦA NGÀY HỘI ẤM ÁP MÙA XUÂN 2024?