Những lời chia sẻ chan chứa yêu thương của cô giáo Đặng Tuyết Minh, giáo viên bộ môn Vật lý trường Nguyễn Siêu từ năm 1996 đến năm 2018 về hai giai đoạn đặc biệt của trường.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp thầy Vĩnh khi tôi xin về trường năm 1996, ngay từ lần nói chuyện đầu tiên, tôi đã có cảm giác rằng thầy Vĩnh là người tôi có thể tin tưởng và gắn bó trong công việc. Tôi vẫn nhớ hôm ấy, thầy hỏi thăm tôi về gia đình, về cuộc sống. Thầy đem lại một cảm giác rất ấm áp, thân thiết. Khi tôi được về làm việc tại trường ở điểm thuê Hoàng Hoa Thám, tôi lên phòng giáo viên thì gặp cô Thịnh. Tôi cảm nhận cô là một người rất năng động, tháo vát và quán xuyến công việc, đúng nghĩa như là một người "tay hòm chìa khóa" cho thầy Vĩnh. Ngày ấy tôi chuyển từ môi trường làm việc từ công lâp sang dân lập, ít nhiều có sự bỡ ngỡ nhưng tình cảm của thầy Vĩnh cũng như cô Thịnh thân thiết giống như là người nhà. Trong công việc, thầy cô chỉ bảo cho tôi rất tận tình, không có khoảng cách như 1 người sếp với 1 nhân viên.
Tôi nói vậy bởi lẽ có năm tôi dạy xong một khóa, từ lớp 10-11-12, nếu mà vòng quay trở lại thì tôi sẽ chuyển xuống lớp 10. Lúc ấy thầy Vĩnh bảo tôi: “Cô Minh này, cô nhận cho tôi lớp 11 này nhé”. Thầy nói: “Cô nhận cho tôi cái lớp này nhé”, không phải là “Cô phải nhận cái lớp này”. Cách nói ấy rất tình cảm, gần gũi, không quan cách.
Những năm đầu khi trường còn phải đi thuê ở các địa điểm thì phòng thí nghiệm thực hành gần như là không có. Thỉnh thoảng chúng tôi có được một số dụng cụ giáo viên tự làm. Nhưng mà khi bắt đầu về địa điểm ở Trung Kính thì thầy Vĩnh đã đầu tư rất lớn cho phòng thực hành thí nghiệm, và nhà trường cũng tạo điều kiện cho các nhân viên đi tập huấn trên Sở, nhà trường bao giờ cũng động viên giáo viên, nhất là trong cả tổ Vật lý chúng tôi là nên để đi tham gia tập huấn của Sở, của Phòng Giáo dục, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Tôi dạy ở trường Nguyễn Siêu từ năm 1996 cho đến năm 2018, tức là 22 năm - từ giai đoạn thầy Vĩnh làm Hiệu trưởng, rồi sau này chuyển giao sang đến cô Thúy, tôi nhận thấy rằng truyền thống, cái nếp văn hoá của trường Nguyễn Siêu được duy trì, trao truyền qua hai thế hệ Hiệu trưởng. Đầu tiên là cách đối đãi của BGH, của các lãnh đạo đối với giáo viên đều có tâm, có tình nghĩa, đấy chính là điều giữ chân những người tâm huyết với giáo dục. Và cái thứ hai là cách thức tuyển sinh - nhà trường tuyển sinh dựa trên xem xét hạnh kiểm, kỹ năng giao tiếp rồi mới đến kiến thức. Điều này được gây dựng từ thời thầy Vĩnh rồi tới cô Thúy cũng thế. Tôi tin rằng sự kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ chính là điều làm cho nhà trường phát triển ngày càng tốt đẹp và bền vững hơn.