Trên đá tai mèo, giữa những đám mây...

08:23 07/01/2020

Ấy là nơi có những em bé H’mông má đỏ, đi những đôi dép tổ ong vá víu chằng chịt, áo cũ rách, gương mặt ngây thơ ẩn sau vẻ lấm lem, ánh mắt đầy kinh ngạc, thích thú chỉ vì được nghe một bài hát, xem một điệu múa hay làm theo hướng dẫn của thầy quản trò tới từ Hà Nội...

    

Chuẩn bị sẵn tinh thần và tự tin vượt qua 500km với gần 200km đèo dốc quanh co liên tục, dù được cảnh báo trước về cung đường hiểm trở này, chúng tôi vẫn có những đoạn dài choáng váng chóng mặt. Mất một ngày để tới được nơi cần tới, trước mắt gần 30 thầy trò - người nhỏ tuổi nhất là Minh Phương lớp 9, người cao tuổi nhất là NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, năm nay đã 87 tuổi, cùng với cả thầy giáo Michael Craig Millward người New Zealand đang giảng dạy tại Nguyễn Siêu - là hai ngày đêm nơi “mặt trời lên muộn nhất và đi ngủ sớm nhất”, trên núi cao thật cao. 

Những ngày cuối đông 2019, đầu xuân 2020, ở miền đất mà đặc sản là đá tai mèo trùng điệp, thi thoảng xuất hiện một cây Tớ Dày thân khẳng khiu mà hoa nở rộ hồng ấm, đoàn chúng tôi tìm tới Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Thầu và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Phó Bảng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) để hiểu được phần nào về đời sống vô vàn gian khó của đồng bào nơi đây, dành tặng các em học sinh những món quà và hơi ấm từ thầy trò Trường Nguyễn Siêu, Hà Nội.

Trong số các em học sinh tiểu học ở Lũng Thầu, nhiều em phải vượt hàng chục kilomet đá tai mèo để tới trường mỗi ngày, một trường nhỏ mà hầu hết các em học sinh đều nghèo, có tới vài chục em chung hoàn cảnh "mồ côi cha, mẹ bỏ đi"...  Điểm trường chính nằm cheo leo lưng một con dốc, nhìn ra con đường lở lói, lộ ra toàn đất đá với ổ voi, ổ gà gập ghềnh. Ở đây, đến một khoảng đất đủ phẳng, đủ rộng để làm sân trường cũng không có, nhà trường phải mượn sân của các bé mầm non để tiếp khách phương xa.

  

Những món quà của chuyến đi này, như téc trữ nước, bình đựng nước, ống dẫn nước, áo ấm, bánh kẹo, các suất học bổng, tiền mặt... với tổng trị giá 139.090.000 đồng gửi tới Lũng Thầu, là chắt chiu biết bao nỗ lực và tình cảm của hàng trăm "chủ cửa hàng", "giám đốc dự án", "nhân viên sale" tuổi teen và những vị khách hảo tâm đến với ngày hội Ấm Áp Mùa Xuân 2019 của Nguyễn Siêu.

  

Riêng với NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, điều khiến ông vô cùng cảm động là những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo từ miền xuôi tình nguyện lên vùng cao và ở lại lập nghiệp cùng người dân nơi đây, cho các con của mình cùng học với các em bé H'mông và nuôi dạy con lớn lên bằng rất nhiều thấu hiểu, cảm thông với người đồng bào. Có những gia đình giáo viên miền xuôi đã hai chục năm sống trên đá tai mèo Hà Giang, dù giọng nói vẫn nguyên của gốc rễ đồng bằng nhưng con người thấm đẫm những nét hồn hậu, can đảm, phóng khoáng, chịu thương chịu khó của người đồng rừng "sống trên đá không chê đá gập ghềnh, sống trong thung không chê thung nghèo khó, sống như sông như suối, lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc..." Với tình cảm đặc biệt, ông đã dành tặng riêng cho các giáo viên món quà năm mới với lời chúc các thầy cô "chân cứng đá mềm", kiên trì và thành công hơn nữa trên bước đường cao cả của sự nghiệp trồng người.

Cũng trên miền cao nguyên đá Đồng Văn, đoàn đã tới trải nghiệm sinh hoạt cùng các em học sinh Trung học Cơ sở của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Phó Bảng. Trong cái lạnh tím tái thịt da của gió núi mùa đông, trong ánh sáng yếu ớt của sân khấu ngoài trời với dàn đèn thiếu sáng, những gương mặt rạng ngời của các em, cái vỗ tay, nụ cười, tiếng sáo mèo, điệu khèn đặc trưng, khúc dân vũ, bài hát... như làm ấm cả buổi đêm xứ núi. Với những cô cậu teenager sinh ra lớn lên ở thành phố đủ đầy tiện nghi, trải nghiệm cùng ăn bữa tối, cùng lưu lại kí túc xá nội trú còn nhiều thiếu thốn và không ít bất tiện nhưng có rất nhiều chân tình hồn hậu của thầy trò vùng cao chắc chắn sẽ là kỉ niệm khó phai của tuổi học trò. 

Không chỉ có vậy, chuyến đi này đã giúp các thầy cô giáo, các bạn học sinh Nguyễn Siêu có cơ hội hiểu thêm về địa lí, lịch sử, nếp sống và văn hoá dân tộc: Viếng thăm và dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, bày tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương, đất nước; Leo từng bậc đá tới tận chân cột cờ Lũng Cú, nơi đánh dấu điểm cực Bắc của Việt Nam với lá cờ 54m2 tung bay đầy tự hào và uy mãnh; Dừng lại để thưởng lãm những tuyệt tác của thiên nhiên và sản phẩm của đời sống con người: cổng trời Quản Bạ, núi Đôi, cánh đồng đá tai mèo, cung đường đèo dốc ngoạn mục mang tên "Con đường Hạnh Phúc", những thảm hoa cải, hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang...; Tham quan nhà Vương, nhà Pao, vào bếp của người H'mông để tự nếm món Mèn mén trứ danh mà... cực khó nuốt, ăn thử bánh tam giác mạch thường dành cho những ngày giáp hạt,...; Hỏi chuyện những em bé vai đeo gùi hoa, dặn dò các em "đừng bỏ học, hãy tới trường"...

  

Cuộc sống trên cao nguyên đá hùng vĩ là thế, đẹp là thế nhưng còn bộn bề gian khó. Thiên nhiên thử thách con người. Thiếu nước, thiếu đất, những người dân nơi đây vẫn cần mẫn gùi từng vốc đất bỏ vào hốc đá để trồng cây, hứng từng giọt sương, hạt mưa để trữ nước...

Tạm biệt Hà Giang, chúng tôi tin rằng chính tinh thần cần mẫn không mệt mỏi của những người giữ đất biên cương ấy, cùng tình yêu thương, sẻ chia của đồng bào khắp nơi, sự sống mỗi ngày nơi địa đầu Tổ quốc mới có thể tiếp diễn không ngừng và sẽ ngày thêm tốt đẹp.

BBT

***

Đối với chúng tớ, phần trao quà cho các em nhỏ ở Lũng Thầu là đặc biệt nhất. Ai trong chúng tớ cũng bày tỏ sự cảm thông và sự ấm áp đến các em học sinh vùng cao, đây là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa...” 

“Trời dần chuyển tối cũng là lúc đoàn chúng tớ di chuyển đến Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, trải nghiệm làm học sinh vùng cao nơi đây. Chúng tớ đã cùng ăn tối, tắm rửa và ngủ cùng các em học sinh trong kí túc. Đây có lẽ là một hoạt động giao lưu và trải nghiệm hào hứng đối với học sinh chúng tớ. Các em học sinh tại đây phải xa gia đình từ nhỏ để học tại trường nội trú, vậy nên các em có tính tự lập và tự giác rất cao. Sau khi trò chuyện và trở nên gần gũi hơn, chúng tớ đã dần hiểu được giờ giấc sinh hoạt và cuộc sống của các em vùng cao nơi đây. Một em học sinh đã chia sẻ với tớ rằng: ‘Em muốn học thật giỏi để sau này có thể lên học tại một trường ở Hà Nội.’ Điều này khiến tớ nhận ra rằng các em đang phấn đấu để đạt được ước mơ của mình, và tớ ngưỡng mộ chính sự quyết tâm của các em ấy." 

Thái Bảo Anh (Lớp 10IG2E0)

 

TIN LIÊN QUAN:

>>> Tháng Ba biên giới - Nguyễn Siêu thực hiện lời hứa với Sìn Hồ

>>> Trên hành trình kết nối yêu thương (1)

>>> Trên hành trình kết nối yêu thương (2)

>>> Trên hành trình kết nối yêu thương (3)

>>> Hành trình kết nối yêu thương và những điều còn mãi

>>> Mang hơi ấm tới mảnh đất "phên dậu" của Tổ quốc

>>> Quyên góp ủng hộ “Vì miền Trung ruột thịt”

>>> Trường Nguyễn Siêu trao tặng ngành Giáo dục Quảng Trị 1 tỉ đồng

>>> Thắp sáng niềm tin

>>> Người Nguyễn Siêu hiến máu tình nguyện: lễ hội xuân hồng

>>> Có gì trong PHIÊN ĐẤU GIÁ IM LẶNG ngày 28/11/2020?

>>> Trường Nguyễn Siêu: Đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện

>>> Đến miền đất "mãi mãi tuổi 20"

>>> Thư Mường Pồn gửi Trường Nguyễn Siêu