Người truyền cho chúng tôi cảm hứng…

08:00 22/07/2021

[ Bài viết về thầy giáo Tạ Thanh Giang ]

Là một sinh viên rất đam mê môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên, sau khi tốt nghiệp khoa Toán của trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, thầy Tạ Thanh Giang được phân công giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc vào mùa hè năm 1978. Lúc bấy giờ, đất nước ta vừa trải qua những cuộc chiến tranh lớn. Mất mát đau thương chưa bù đắp lại được thì chiến tranh biên giới lại đe dọa sẽ xảy ra. Miền núi Tây Bắc – vùng biên cương của tổ quốc là một trong những vùng đất còn nhiều đói nghèo, thiếu thốn nay lại càng khó khăn. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc lúc đó tập trung hầu hết toàn bộ sinh viên ở các tỉnh: Sơn La, Lào Cai và Yên Bái,… Cuộc sống của những chàng trai, cô gái ở mảnh đất này còn nhiều gian nan, nay lại thêm chiến tranh, vì vậy con đường đến với giảng đường không phải là con đường trải thảm đỏ. Để thực hiện được ước mơ tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cho quá trình gieo con chữ, sinh viên Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc phải thực sự yêu nghề. Để động viên sinh viên đến trường, những người thầy như thầy giáo Tạ Thanh Giang không chỉ là người đủ kiến thức mà còn cần đủ cả tình yêu thương để truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò nơi đây.

Mặc dù dạy học trong điều kiện gian khổ như thế nhưng sự nhiệt tình, đam mê, lòng nhiệt huyết trong công việc của thầy giáo trẻ ngày đó vẫn không ngừng cháy bỏng. Cũng bởi vật chất thô sơ, điều kiện hạn chế nên mỗi giáo viên đều phải tự tay biên soạn tài liệu còn học sinh, sinh viên tự ghi chép bài, học bài qua lời thầy giảng. Không có nhiều nguồn sách vở, tài liệu tham khảo như ngày nay, thế nhưng các lớp học sinh ngày ấy đều rất chăm chỉ, miệt mài học tập, trở thành những con người có trí tuệ, có bản lĩnh. Trong đó có rất nhiều người thành công, đã và đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan, ban ngành của đất nước.

Giảng dạy tại vùng Tây Bắc được gần 8 năm, thầy Giang chuyển công tác về tại trường THPT Sóc Sơn Hà Nội. Tuy thầy là một người rất say mê với công việc nhưng cũng có những lúc thầy cảm thấy công việc giảng dạy của mình còn có nhiều điều cần được đổi mới. Vào những năm đầu của thập niên 90, ngành Giáo dục chưa có nhiều chuyển đổi, thầy đã tạm gác công việc dạy học của mình vào trong miền Nam để tìm hiểu cuộc sống trong đó. Lúc đó, trong tâm trí của người thầy giáo trẻ, thầy muốn được trải nghiệm các công việc khác nhau trên một vùng đất mới, nhưng cho dù làm bất cứ một công việc gì thầy đều cảm thấy không có việc nào phù hợp với mình như là nghề giáo viên.

Do đó, thầy Giang lại trở về Hà Nội và quyết tâm quay lại với nghề bảng đen phấn trắng. Thầy đã tìm đến ngôi trường THCS-THPT Nguyễn Siêu vào mùa thu năm 1996 và gắn bó với ngôi trường này được 23 năm cho đến tận ngày nay. Tại đây thầy Giang được phân công dạy Toán khối THPT và đã từng đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng tổ Toán trong nhiều năm liền. Có thể nói ngôi trường Nguyễn Siêu là nơi khơi gợi lại sự đam mê và nhiệt huyết của người thầy giáo ngày nào. Tại đây, thầy cùng với đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tận tâm với học trò với phương châm: “đạo học không lối tắt”. Thầy Giang đã tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, đem lại tình yêu bộ môn cho nhiều thế hệ học trò. Đặc biệt với những học sinh yếu kém về môn học, thầy luôn trăn trở, quan tâm, giúp đỡ. Những học sinh đã tốt nghiệp ra trường khi trở về đều tìm đến thầy để nói lời tri ân. Người thầy giáo với mái tóc hoa râm, giọng nói ấm áp, ánh nhìn trìu mến đã nâng đỡ cho những ước mơ của bao thế hệ học trò được bay cao, bay xa. 

Với các đồng nghiệp trong trường, Thầy Giang luôn giúp đỡ, đặc biệt là các giáo viên trẻ trong việc giảng dạy. Bên cạnh đó, thầy được nhà trường tin tưởng và được cử đi học tập công tác ở rất nhiều địa điểm trong và ngoài nước. Đến với những miền đất mới, thầy đều học hỏi và ghi chép, sau đó tìm ra những điều thú vị có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy của mình tại trường Nguyễn Siêu.


 

Thầy Giang đưa học sinh của trường Nguyễn Siêu sang trường Maclean College tại Newzeland để học tập và trải nghiệm trong ba tháng năm 2016.


Với tôi, thầy Giang là người bác đáng kính, người đồng nghiệp tận tâm và nhiệt tình, thầy đã luôn chỉ dẫn cho tôi những kinh nghiệm quý báu trong quá trình giảng dạy. Là một người giáo viên trẻ, tôi đã có những bước đi chập chững trên con đường giảng dạy của mình, gặp bác và được bác truyền cảm hứng, tôi cảm thấy việc dạy học có ý nghĩa hơn rất nhiều. Với bác, học sinh nhận được những gì từ thầy cô sau các buổi học là điều quan trọng nhất. Tôi đã thấy được ở thầy một sự cống hiến lớn lao, sự say mê công việc và không ngừng học hỏi. Ở cái tuổi của thầy, có lẽ đã có rất nhiều người đã nghỉ hưu, an hưởng tuổi già nhưng với thầy Giang dừng công việc lại đồng nghĩa với việc dừng hoạt động trí óc. Thầy vẫn miệt mài, cần mẫn tìm ra những phương pháp dạy học mới và truyền đạt lại cho chúng tôi, thế hệ giáo viên trẻ sau này.

Tôi nhớ như in những lời thầy Giang dạy, những lần thầy khuyến khích động viên tìm tòi ra các phương pháp dạy học mới, thầy luôn muốn thế hệ giáo viên trẻ ngày nay phải không ngừng trau dồi chuyên môn, thay đổi cách dạy học truyền thống, tìm ra cách thức phương pháp dạy học phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0, đất nước đang không ngừng thay đổi, vậy thì tại sao con người lại không ngừng vận động?
Có những lúc nhìn lại ngôi trường Nguyễn Siêu đang từng ngày lớn mạnh và phát triển, thầy Giang nhớ lại những năm tháng trước đây còn khó khăn gian khổ nhưng sự tận tâm, tận tụy với nghề của người giáo viên không bao giờ thay đổi. Đây là những dòng suy tư, tâm sự của thầy khi nhìn cây bàng trước cổng trường thay đổi theo từng năm tháng: “Thấy cây bàng áo đỏ, nhớ thời cắp sách đến trường. Ngày ấy đoạn phố trước nhà tôi có 10 cây thì 6 cây là bàng. Hoa bàng màu trắng nhỏ li ti kết thành chùm, cuống hoa giúp bọn trẻ tạo nên một cuộc đấu vui vẻ trong những lúc rảnh rỗi. Bàng chín vào kì nghỉ hè, quả ăn rất ngon. Ở phố tôi, cây bàng trước cửa nhà Cát Tường là ngon nhất. Muốn ăn bàng, lấy dép ném hoặc trèo cây. Ném bàng nhiều khi quả không rụng, mà dép thì mắc trên cây. Có hai thời điểm trèo bàng thuận lợi đó là trưa và xẩm tối vì khi đó vắng vẻ ít bị người lớn phát hiện. Tôi hay trèo bàng vào lúc xẩm tối, phân biệt quả chín nhờ ánh đèn đường hoặc sờ thấy quả tròn. Mỗi lần lấy một bụng quả mới xuống. Quả bàng có vị ngọt nhẹ kết hợp với chua thanh ăn ngon, hạt bàng có nhân màu trắng, ăn bùi. Thế rồi chiến tranh lan rộng, chúng tôi đi sơ tán, xa cây bàng. Qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được nghe bài hát “Cây bàng trước ngõ”, đó là cảm xúc thật tuyệt. Bài hát nhắc đến kỉ niệm của bọn trẻ bằng giai điệu lúc nhí nhảnh, lúc thiết tha rất hay. Chiến tranh được phản ánh qua góc nhìn ngây thơ, lạc quan của trẻ em nhưng đáng để người lớn phải suy nghĩ. Bây giờ những cây bàng ở đoạn phố tôi không còn nữa, cây bị đổ do mưa bão, cây bị chết do sâu bệnh nhưng chắc chắn tôi vẫn yêu quí những cây bàng tuổi thơ, nhiều lúc tôi vẫn ngân nga giai điệu bài hát “Cây bàng trước ngõ”.” Tâm hồn của một thầy giáo dạy Toán đôi lúc rất bay bổng và lãng mạn. Các buổi lễ kỉ niệm hay gặp mặt đồng nghiệp, thầy rất tự tin thể hiện các ca khúc dân ca quan họ, những bài hát về người lính, về nghề giáo. Giọng ca trầm ấm đôi lúc chưa thật khớp với nhạc nhưng thấm sâu tình người, tình nghề, tình đời.  Phải chăng tình yêu đời, yêu nghề đã kết lại trong con tim, trong khối óc của một người thầy đáng kính như thế!

Những thế hệ học sinh từ những ngày đầu thầy Giang còn làm chủ nhiệm đã ra trường từ rất lâu nhưng cứ đến ngày họp lớp, các anh chị lại về quây quần bên thầy, người thầy chủ nhiệm đáng kính, cùng nhau ôn lại những kí ức thời học sinh tươi đẹp. Trên đây là bức ảnh các anh chị cựu học sinh năm 1995-1998. Các anh chị giờ đây đều đã rất trưởng thành và thành đạt.

Cuộc đời con người cũng thật ngắn ngủi nhưng cũng thật lắm gian truân. Tôi thấy rằng đúng là nghề chọn người. Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ những ngày đầu còn bước vào nghề, trải qua rất nhiều nơi công tác, cuối cùng thầy Giang đã chọn trường Nguyễn Siêu là bến đỗ cuối cùng. Và cũng tại đây thầy Giang đã miệt mài lái đò chở qua sông không biết bao thế hệ học trò để các con đến với những chân trời mơ ước.

Cám ơn “Người truyền cảm hứng cho chúng tôi”, người thầy, người đồng nghiệp đáng kính của mái nhà Nguyễn Siêu. 

* Nguyễn Diệu Linh (GV môn Toán)
 

TIN LIÊN QUAN: 

>>> Người thầy trọn vẹn 65 năm cùng giáo dục Thủ đô

>>> NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh là "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016

>>> Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Vĩnh nhận Huân chương Lao động

>>> Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Vĩnh đạt 100% tín nhiệm Nhà giáo Nhân dân

>>> Gương công dân Thủ đô ưu tú - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh

>>> Người thầy tiên phong đưa trường Việt Nam lên hàng quốc tế

>>> NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo dục không thể "gặt lúa non"!

>>> NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng

>>> Người thầy dựng "nết Nguyễn Siêu"

>>> Người lính già nặng lòng với sự nghiệp trồng người 

>>> Người "nội trợ" tâm huyết của Trường Nguyễn Siêu

>>> Câu chuyện của người giáo viên chủ nhiệm giỏi