Một học sinh Nguyễn Siêu đang là đại diện duy nhất cho Việt Nam có mặt tại Pháp trong tuần gặp gỡ 55 nữ doanh nhân là các startupper hàng đầu của thế giới!!! 🤝👏Tự hào về những nỗ lực và đóng góp cho cộng đồng của Nguyễn Hạnh Nguyên - học sinh lớp 10 IGCSE Trường Nguyễn Siêu!!! ❤️
Tháng 2/2019, Nguyễn Hạnh Nguyên đã được bầu chọn là Top nữ Doanh nhân hàng đầu của cuộc thi Startupper of the Year với dự án TeenUp - Tự do bứt phá. Với danh hiệu này, Nguyên được đại diện Việt Nam tham dự khóa đào tạo tại Pháp, tranh tài cùng 54 đại diện đến từ khắp thế giới vào tháng 4.
Hạnh Nguyên tại Paris (Pháp), tháng 4/2019
Cô gái vừa giành Học bổng Nguyễn Siêu, thành viên nhỏ tuổi nhất Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE đã không ngừng cố gắng, trau dồi bản thân để vươn tới những thành công lớn. Nguyên là một minh chứng rõ nhất cho câu nói "tuổi trẻ tài cao".
Chúc mừng Nguyên với thành công lớn này, chúc Nguyên sẽ phát triển và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!
=============
Những lầm tưởng (sẽ rất) tai hại về nữ quyền
(Bài viết của Hạnh Nguyên)
Trong nhiều năm trở lại đây, từ “feminism”, hay “nữ quyền”, đang làm mưa làm gió trên báo đài và các kênh truyền thông của thế giới nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng, làm lung lay những hệ tư tưởng phong kiến tưởng chừng như ngàn năm nay và ngàn năm sau vẫn sẽ “vững như kiềng ba chân”.
Chủ nghĩa nữ quyền được ví như một cuộc cách mạng về tư tưởng, và cho dù bạn có ủng hộ nó hay không thì bạn cũng là một phần của cuộc cách mạng này rồi. Chủ nghĩa nữ quyền, một chủ nghĩa hướng đến mục tiêu bình đẳng giới, mong muốn xây dựng một xã hội nơi tất cả mọi người đều có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp và cuộc sống mà không bị những định kiến xã hội cản trở, tưởng rằng sẽ trở thành một trong những tư tưởng tân tiến được mọi người ủng hộ, tuy nhiên, nó vẫn vô tình vướng phải rất nhiều sự chỉ trích và ghét bỏ, phần lớn là vì rất đông mọi người, kể cả những feminists (người theo chủ nghĩa nữ quyền) hay những người không ủng hộ nữ quyền vẫn hay treo hai chữ “nữ quyền” trên miệng, nhưng thực ra lại chẳng hiểu gì về nó cả. Chính vì vậy, người viết hi vọng rằng có thể thông qua bài viết này để hóa giải những lầm tưởng về feminism mà rất nhiều các đơn vị truyền thông vẫn đang “tiêm” vào đầu người đọc.
1. Nữ quyền là đòi quyền cho phụ nữ
Đây là một lầm tưởng hiện hữu nhiều nhất trong các cuộc biểu tình, được thốt ra nhiều nhất bởi chính các feminists. Con người có tổng cộng là 30 quyền cơ bản, và tất cả chúng ta, bất kể màu da, chủng tộc hay giới tính, ngay từ khi sinh ra đều có 30 quyền này. Cuộc đấu tranh cho nữ quyền không phải là đang đòi quyền cho phụ nữ, vì ai chả có đủ 30 quyền rồi, mà là đang đấu tranh cho việc phụ nữ được sử dụng những quyền của mình như một người đàn ông. Thế nên là nếu sau này đi ra ngoài có ai tặc lưỡi nói rằng: “Phụ nữ đúng là rắc rối, cứ bày đặt nữ với chả quyền, tôi thấy mấy bà bây giờ mạnh mẽ hùng hổ có kém gì đàn ông đâu, đều có quyền lợi như nhau mà” thì nhớ nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu là phụ nữ không phải đang đòi hỏi quyền lợi, mà họ đang đòi hỏi cơ hội được sử dụng những quyền lợi của mình nhé!
2. Nữ quyền là khi phụ nữ phải được đặt cao hơn đàn ông
Nữ quyền trong suốt hàng trăm năm nay vẫn luôn bị nhầm lẫn với tư tưởng mẫu hệ (matriarchy), và có lẽ đây chính là hiểu nhầm đã gây nhiều ý kiến trái chiều nhất về chủ nghĩa nữ quyền. Người ta hay bảo là nữ quyền chính là đạp lên đầu đàn ông mà sống, nó chả khác chế độ phong kiến tí nào, chỉ có mỗi việc là đây là “nữ tôn” chứ không phải là “nam tôn” mà thôi. Vậy thì mình xin đính chính lại với các bạn nhé: Không có một feminist chân chính nào sẽ nói rằng chúng tôi đang muốn được đặt lên cao hơn đàn ông, mà thứ họ muốn chỉ là phụ nữ được đặt NGANG BẰNG với đàn ông cũng như tất cả những giới tính khác, có nghĩa là chủ nghĩa nữ quyền đã, đang và sẽ chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất là BÌNH ĐẲNG GIỚI, chứ chúng tôi không muốn lặp lại lỗi lầm của lịch sử và trao quyền lực hay sự ưu tiên vào bất kỳ nhóm giới tính nào.
3. Nữ quyền là khi phụ nữ phải đi ra ngoài kiếm tiền, và không được phép lấy chồng trước 30 tuổi
Đây cũng là một hiểu nhầm khá phổ biến về feminism, hay cụ thể hơn là về các feminist. Có lẽ các bạn (và rất nhiều rất nhiều người khác) luôn tưởng tượng về các feminist là những người mạnh mẽ, quyết đoán, lạnh lùng, luôn coi trọng sự nghiệp hơn gia đình và luôn muốn phá bỏ mọi khuôn phép, chuẩn mực trong văn hóa truyền thống.
Thú thật là trước đây bản thân tôi cũng nghĩ như vậy, cho đến khi tôi gặp một người “kỳ quặc” nằm ngoài mọi khuôn mẫu là chị L.H. - một feminist chính hiệu, founder của một tổ chức làm về bình đẳng giới khá có tiếng tăm, chủ một startup trẻ làm về giáo dục, nhận lương tháng mấy nghìn đô từ một công ty phần mềm của nước ngoài, du học sinh mới về nước nhưng lại rất thích mặc mấy bộ đồ “bánh bèo” màu hồng phấn và có một ước mơ “cháy bỏng” là lấy chồng trước 23 tuổi (mà bây giờ chị í 22 rồi ạ). Điều đó có nghĩa là feminism hướng đến việc các bạn nữ có thể sống theo cách mình muốn, chọn một công việc theo đam mê của mình, cho dù đó là kế toán, bác sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhà văn hay nội trợ, thì các bạn vẫn sẽ luôn được tôn trọng, được trân trọng, được yêu thương và tự do.
4. Nữ quyền chỉ dành cho phụ nữ
Nghe cái tên “nữ quyền” thì có vẻ chỉ dành cho phái nữ, nhưng mà đây không phải chỉ là vấn đề của phái nữ đâu nhé. Có một sự thật hiển nhiên mà ít người biết đến là trong công cuộc đấu tranh trải dài suốt mấy trăm năm nay cho nữ quyền thì phụ nữ không phải là lực lượng duy nhất tham gia, mà chúng ta còn có cả sự trợ giúp của cánh đàn ông nữa, cho dù đó là sự ủng hộ thầm lặng của các ông chồng hay là sự bảo vệ và ủng hộ trước tòa hay trong các cuộc tranh luận của chính phủ về quyền được bỏ phiếu của phái nữ. Hay đơn giản nhất là trong Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) hiện tại đang có 40% các thành viên là nam, còn với đội ngũ cộng tác viên thì con số này còn lên đến hơn 60%. Nếu các bạn nam mà nghe ai bảo rằng chỉ bọn “bê đê” mới làm nữ quyền thì nhớ cười khẩy vào mặt họ một cái nhé, vì việc bảo vệ quyền bình đẳng của mẹ mình, người yêu mình, em gái mình, con mình, cháu mình,... thì sao có thể không phải việc của mình được nhỉ?
5. Nữ quyền tạo bất lợi cho đàn ông
Ngày xưa, khi các suffragettes và suffragists đang đòi rầm rộ đòi quyền được bỏ phiếu ở Anh thì người ta đã có rất nhiều mối quan ngại: “What will men wear when women wear trousers?” (Đàn ông sẽ mặc gì khi đàn bà mặc quần?) vì có thể là hơn 100 năm trước ở châu Âu, quần là một vật phẩm vô cùng khan hiếm. Nhưng bây giờ, sau hơn một thế kỷ của sự chuyển dịch sang xã hội hiện đại văn minh thì người ta vẫn có những quan ngại y hệt như trước, rằng sự bình đẳng, công bằng cho phụ nữ sẽ dẫn đến những bất công, bất lợi cho nam giới.
Nếu bạn đã đọc tất cả những gì tôi viết từ đầu bài đến giờ thì chắc sẽ không cần tôi phải chứng minh hay giải thích điều gì, vì bạn sẽ ngay lập tức nhận ra rằng nữ quyền không phải là một cuộc chiến chống lại đàn ông, và việc giải phóng và trao sự bình đẳng cho phái nữ không đồng nghĩa và sẽ không dẫn đến sự bất công, kìm kẹp, “dìm hàng” hay “cầm tù” phái nam, chúng ta có thể cùng chung sống tự do với nhau mà không cần phải có một giới tính nào được trao uy quyền.
Sau khi đọc bài viết này, bạn có thể sẽ nhận ra rằng, rất nhiều ý kiến trong bài đều là dựa vào những trải nghiệm riêng của tác giả mà viết. Vậy nên, tôi không yêu cầu các bạn phải đồng ý hết với tất cả những gì tôi viết, mà tôi chỉ mong rằng các bạn có thể có một cái nhìn khác về nữ quyền, cũng như là có một sự tỉnh táo nhất định khi gặp những hình ảnh, khuôn mẫu nhất định về nữ quyền trên truyền thông.