Giáo dục đa văn hóa tại Nguyễn Siêu

09:00 15/04/2022

[ Thư Cambridge số 5 ]

Trong thư trước, tôi đã đề cập nhanh về định hướng giáo dục đa văn hóa khi xây dựng đội ngũ giáo viên tại Nguyễn Siêu. Ngay từ khi bắt đầu chương trình, chúng tôi đã hướng tới mang lại một môi trường giáo dục nhiều màu sắc văn hóa, đa dạng, đa chiều để chuẩn bị cho học sinh sự hiểu biết văn hóa, trân trọng sự khác biệt và bao dung đồng cảm nhằm nuôi dưỡng tâm thế một công dân toàn cầu, làm sao để các con có thể sống, thích nghi và học tập được ở nhiều nơi trên thế giới.

Đội ngũ giảng dạy của trường Nguyễn Siêu luôn duy trì sự đa dạng sắc tộc, màu da (hiện các thày cô trường Nguyễn Siêu đến từ 16 quốc gia trên thế giới). Chúng tôi không đặt ưu tiên cho yếu tố “bản ngữ” (tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ), thay vào đó là nhân cách, thái độ, trình độ của các thày cô. Nhà trường sẽ luôn duy trì đội ngũ giảng dạy đa văn hóa như vậy dù trong những năm vừa qua chủ trương lớn của chúng tôi là đưa thày cô người Việt Nam tham gia vào giảng dạy chương trình tích hợp (Cambridge và Việt Nam). Việt Nam sẽ là một trong số rất nhiều quốc tịch của thày cô Nguyễn Siêu bên cạnh Anh, Mỹ, Canada, Nam Phi, Phillipinnes, Pháp, Tây Ban Nha, Ghana, New Zealand, Úc... 

Đội ngũ giáo viên quốc tế sẽ mang rất nhiều màu sắc văn hóa, kinh nghiệm sống, giảng dạy từ khắp nơi tới với Nguyễn Siêu. Các con học sinh sẽ có cơ hội va chạm văn hóa, làm quen với nhiều phương pháp đa dạng xoay quanh định hướng giáo dục của Cambridge. Chúng tôi mong các con được mở rộng tầm nhìn ngay tại ngôi trường thân quen của mình để phát triển  một những phẩm chất mà chúng tôi coi là rất quan trọng: đó là đồng cảm và linh hoạt. Đồng cảm phải được xây dựng trên nền thấu hiểu, và phải có đồng cảm mới có thể ứng xử linh hoạt và hợp lý.

Hàng năm chúng tôi luôn nỗ lực để mở rộng mối quan hệ với các trường bạn khắp nơi trên thế giới. Các con, các bố mẹ và thày cô đã rất quen thuộc với những trường Skals Efserskole, Nykobing Katedralskole (Đan Mạch), Galileo Galilei (Italia), Massey University, Macleans College (New Zealand), Nara Gakuen (Nhật Bản)… hay gần đây là Incheon Gonghang (Hàn Quốc) hay HSBIT (Trung Quốc). Đây là những trường kết nghĩa với Nguyễn Siêu, nơi các con thể “du học ngắn hạn” để trao đổi văn hóa, trao đổi học thuật, phát triển kĩ năng và quan trọng hơn kết những tình bạn không biên giới. Tất cả đều mong Covid sớm qua đi để những chuyển giao lưu đầy kỉ niệm sẽ trở lại.

Tuy nhiên, sống trong môi trường nào thì đặc sắc văn hóa của chính mình cũng cần được bảo tồn. Quý CMHS có thể thấy chương trình học của Nguyễn Siêu luôn nỗ lực để giữ nguyên cốt lõi giáo dục của chương trình Việt Nam. Dù có giảm tải nhưng các con vẫn cần được trang bị những kiến thức vững chắc về lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị… Việt Nam. Đó vừa là “nguyên liệu” để các con phát triển với tư cách là một người Việt Nam, có cội nguồn Việt Nam, cũng là chất liệu để các con học tập chương trình quốc tế Cambridge với định hướng: phương pháp toàn cầu giải quyết vấn đề địa phương.

Học thuyết “Giáo dục kiến tạo” (Constructivism Education) là nền tảng của giáo dục phương tây hiện tại yêu cầu giáo dục kết nối chặt chẽ với cuộc sống xung quanh giúp người học có thể tự mình “kiến tạo” (construct) kiến thức cho bản thân. Do đó, việc hiểu rõ, nắm vững, có kiến thức về các vấn đề địa phương là yếu tố cực kì quan trọng để “kiến tạo” kiến thức. Các kiến thức và kĩ năng phải được xây dựng trên cơ sở cuộc sống xung quanh, nền kiến thức phát triển dần dần cao lên qua những “giàn giáo” (scaffolding) ngày càng được nâng cao sau mỗi tương tác với thực tế cuộc sống. 

Do vậy, môi trường đa văn hóa sẽ giúp các con rất nhiều trong quá trình “kiến tạo” kiến thức, kĩ năng, và phát triển nhân cách. Để duy trì sự “đa văn hóa” ấy, thì mỗi cá thể phải là một tiểu hành tinh độc đáo và có bản sắc văn hóa riêng. Có như vậy thì tính đa văn hóa mới được duy trì và bảo tồn từ cấp hẹp (cộng đồng) đến cấp rộng nhất (toàn cầu) để phát triển một thế giới lành mạnh và nhiều màu sắc. Và thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp đáng sống.

* Nguyễn Hoàng Lâm (Trưởng bộ phận Quốc tế)

 

TIN LIÊN QUAN

>>> Người Việt phải làm chủ chương trình Cambridge tại Việt Nam

>>> Chương trình tích hợp: một chương trình, hai đích đến

>>> Mô hình đồng dạy: lời giải cho nhiều bài toán

>>> Xây dựng đội ngũ giáo viên là chìa khoá thành công