Người Việt phải làm chủ chương trình Cambridge tại Việt Nam

08:00 15/09/2021

[ Từ Bộ phận Quốc tế - Trường Nguyễn Siêu ]

Năm nay, trường Nguyễn Siêu kỉ niệm sinh nhật tuổi 30. Tuổi 30 của trường Nguyễn Siêu cũng chứng kiến năm thứ 7 chúng tôi thực hiện chương trình quốc tế Cambridge. Xin trân trọng cảm ơn những tin tưởng, tình cảm và sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và học sinh với tầm nhìn giáo dục của nhà trường, chúng tôi luôn biết ơn và tâm niệm sẽ phải luôn nỗ lực ở mức cao nhất trong quá trình đồng hành nuôi dạy các con, tài sản lớn nhất của mỗi gia đình.

Bắt đầu từ năm học này, chúng tôi sẽ mở chuyên mục “Thư Cambridge” do Bộ phận Quốc tế thực hiện trên website của trường nhằm chia sẻ nhiều nhất các thông tin liên quan đến việc thực hiện chương trình Cambridge (hay chính xác hơn từ nay là chương trình tích hợp) tại nhà trường, từ đó hy vọng nhận được thêm nữa sự đồng cảm, đồng hành từ quý cha mẹ học sinh. 

Năm nay, chương trình tích hợp (chương trình Cambridge và chương trình của Bộ GD-ĐT) sẽ chính thức được phê duyệt. Đây là sản phẩm mà tập thể thầy cô giáo đã cùng xây dựng phát triển trong suốt 7 năm qua với rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm để rút kinh nghiệm và phát triển tốt nhất cho học sinh Nguyễn Siêu.

Chương trình (Curriculum) là một trong 3 yếu tố trong tam giác CIA (Curriculum-Instruction-Assessment, nghĩa là Chương trình-Giảng dạy-Đánh giá) nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong 3 yếu tố này, duy nhất có yếu tố Assessment (đánh giá) là được phía Cambridge trang bị cho các trường rất đầy đủ (với ý nghĩa đánh giá đầu ra cuối cùng), hai yếu tố còn lại (Curriculum-Instruction) phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược của các trường, và đây chính là điều làm nên khác biệt của hơn 10.000 trường Cambridge toàn cầu.

Nói về Chương trình (Curriculum), nếu thiết kế chương trình tích hợp tốt có thể giảm tải từ 20-30% cho người học. Tuy vậy, không có thiết kế nào là tối ưu cho mọi trường học cả, tất cả các trường đều phải tìm con đường tối ưu cho chính mình trong tổng hòa rất nhiều yếu tố: năng lực học sinh, năng lực giáo viên, cơ sở vật chất trường, yêu cầu đầu vào, đầu ra của học sinh, văn hóa trường học, hệ thống quản trị trường học...

Về Giảng dạy (Instruction), chúng tôi sẽ tập trung truyền tải tới quý CMHS hai yếu tố: con người, và phương pháp. Năm học này “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm chúng tôi cần thực hiện. Định hướng xuyên suốt của chúng tôi là xây dựng một cộng đồng đa sắc tộc để giúp người học tiếp cận gần gũi nhất với môi trường giáo dục đa văn hóa, giúp các con có thể học và làm việc bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Các con sẽ được học tập giao lưu với thày cô đến từ năm châu bốn biển (theo đúng nghĩa đen của từ này), trong đó giáo viên người Việt Nam là một phần cực kì quan trọng, đúng như định hướng của Cambridge về việc kết hợp tinh hoa giáo dục địa phương với tiêu chuẩn giáo dục quốc tế.

Trong các thư sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung chia sẻ các nội dung chính như sau: i) chúng tôi đã và đang xây dựng đội ngũ giáo viên như thế nào và ii) chương trình tích hợp là gì và nó quan hệ thế nào với chiến lược phát triển con người của nhà trường? Nếu quý CMHS mong muốn được cung cấp thêm thông tin gì, vui lòng gửi yêu cầu qua mục LIÊN HỆ trên cổng thông tin nhà trường để chúng tôi có thể kịp thời chia sẻ.

Trân trọng kính chào và mong ước chúng ta sẽ bình thản cùng nhau vượt qua đại dịch Covid để có một năm học 2021-2022 đoàn kết và thắng lợi.

* Nguyễn Hoàng Lâm (Trưởng bộ phận Quốc tế)

TIN LIÊN QUAN

>>> Chương trình tích hợp: một chương trình, hai đích đến