Xây dựng đội ngũ giáo viên là chìa khoá thành công

09:00 03/03/2022

[ Thư Cambridge số 4 ]

Trong các thư trước, chúng tôi đã đề cập đến chương trình tích hợpmô hình đồng dạy có mối quan hệ khăng khít với nhau để đưa tới thành công cho người học. Ngay dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi đã nhận được một tin rất vui từ Cambridge tới chúc mừng các con học sinh của chúng ta đã có một kì thi Cambride thành công đặc biệt khi tới 10 học sinh đạt danh hiệu Top in Việt Nam (đạt điểm thi Cambridge chính thức cao nhất Việt Nam) - một kết quả chưa từng có và vượt mọi mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh 2 năm vừa qua phần lớn thời gian là các con phải học tập online.

Kết quả này giúp chúng tôi thở phào và tin tưởng mô hình dạy và học nhà trường đang theo đuổi là đúng.

Nhưng chúng tôi biết, để có thể tiếp nối thành công của mô hình dạy học này, điều cốt yếu cầu phải đảm bảo là chất lượng giáo viên, mà chất lượng tốt thôi vẫn chưa đủ, còn cần phải phù hợp với mô hình dạy học và đặc điểm của người học Nguyễn Siêu nữa (vế sau thậm chí còn quan trọng hơn vế trước). 

Thật may mắn là sau nhiều năm thực hiện chương trình Cambridge thành công, Nguyễn Siêu đã trở thành điểm đến của nhiều giáo viên chất lượng (cả quốc tế lẫn Việt Nam). Điều này đã giúp nhà trường có được nguồn giáo viên chất lượng, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào giữ chân và phát triển nguồn giáo viên chất lượng này.

Để hiện thực hóa tầm nhìn của mình, chúng tôi có 3 định hướng khi xây dựng đội ngũ giáo viên chương trình Cambridge:

- Đội ngũ giảng dạy có chất lượng và không ngừng tiến bộ
- Đội ngũ giảng dạy phù hợp với người học Nguyễn Siêu
- Đôi ngũ giảng dạy đa văn hoá

Thứ nhất, đội ngũ giảng dạy có chất lượng và không ngừng tiến bộ.

Đây là định hướng nhất quán mà bất cứ một trường học chất lượng nào cũng phải có. Theo tiêu chuẩn tối thiểu, giáo viên phải đạt ít nhất 3 yêu cầu: có chuyên môn về môn/ngành giảng dạy, được đào tạo về sư phạm và năng lực ngoại ngữ tiếng Anh (C1 trở lên theo khung tham chiếu Châu Âu CEFR). Nhưng duy trì chất lượng, chúng tôi xây dựng văn hóa liên tục học hỏi để tiến bộ. Các giáo viên tại Nguyễn Siêu được tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp liên tục của Cambridge cũng như các khóa tập huấn nội bộ của trường hàng năm. Đồng thời các thày cô cũng tham gia vào chương trình mentoring để nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng quá trình phát triển thường xuyên thậm chí còn có vai trò lớn hơn so với bằng cấp chứng chỉ của giáo viên, và điều này cũng phù hợp với triết lý của Cambridge khi họ không đưa ra một yêu cầu cứng nào về bằng cấp chứng chỉ. Thay vào đó, Cambridge đưa ra một ma trận tiêu chuẩn giáo viên Cambridge gồm 8 nhóm năng lực/phẩm chất (chia nhỏ thành 40 tiểu mục) để các trường và các giáo viên có định hướng phát triển.

Thứ hai, đội ngũ giảng dạy phù hợp với người học Nguyễn Siêu. 

Dạy hay là tốt. Nhưng nếu hay mà không trúng (yêu cầu người học) và đúng (năng lực người học) thì kết quả cũng sẽ giảm đi nhiều. Vì vậy, khi triển khai chương trình Cambridge tại Nguyễn Siêu, chúng tôi luôn nỗ lực làm sao để có thể giảng dạy chương trình nước ngoài phù hợp với cá tính, năng lực và thói quen học tập của học sinh Nguyễn Siêu. Để dạy hay, trúng và đúng, các thày cô đã và đang triển khai các nghiên cứu thực hành (practioner research) để hiểu người học và tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Các nghiên cứu này xuất phát từ các lý thuyết giáo dục hiện đại, được thày cô giáo áp dụng vào hoạt động dạy học thực tế. Sau một thời gian sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, cải thiện phương pháp dạy học, rồi lại đưa vào dạy học để tiếp tục cải tiến. Vòng xoáy này khi thực hiện nghiêm túc và kiên nhẫn sẽ mang lại các kết quả rất tích cực do nó hướng tới nhóm người học cụ thể chứ không phải chỉ là các lí thuyết chung. Chúng tôi cho rằng đây là lí do mà các trường có lịch sử lâu đời thường có kết quả dạy và học tốt hơn.

Thứ ba, đội ngũ giảng dạy đa văn hóa.

Đa văn hóa trong giáo dục là một chủ đề thú vị. Ngay từ khi bắt đầu chương trình, chúng tôi đã hướng tới mang lại một môi trường giáo dục nhiều màu sắc văn hóa, đa dạng, đa chiều để chuẩn bị cho học sinh sự hiểu biết văn hóa, trân trọng sự khác biệt và bao dung đồng cảm nhằm nuôi dưỡng tâm thế một công dân toàn cầu, làm sao để các con có thể sống, thích nghi và học tập được ở nhiều nơi trên thế giới. Đội ngũ giảng dạy của trường Nguyễn Siêu luôn duy trì sự đa dạng sắc tộc, màu da (hiện các thày cô trường Nguyễn Siêu đến từ 16 quốc gia trên thế giới). Chúng tôi không đặt ưu tiên cho yếu tố “bản ngữ” (tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ), thay vào đó là nhân cách, thái độ, trình độ của các thày cô. Nhà trường sẽ luôn duy trì đội ngũ giảng dạy đa văn hóa như vậy dù trong những năm vừa qua chủ trương lớn của chúng tôi là đưa thày cô người Việt Nam tham gia vào giảng dạy chương trình tích hợp (Cambridge và Việt Nam). Việt Nam sẽ một một trong số rất nhiều quốc tịch của thày cô Nguyễn Siêu bên cạnh Anh, Mỹ, Canada, Nam Phi, Phillipines, Pháp, Tây Ban Nha, Ghana, New Zealand, Úc... Tôi sẽ trở lại với chủ đề giáo dục đa văn hóa trong một thư Cambridge sắp tới.

Hà Nội đang trong những ngày đỉnh dịch Covid 19 ác liệt. Chúng tôi trân trọng cảm ơn quý cha mẹ học sinh và học sinh đã thấu hiểu, đồng hành, đồng cảm với những nỗ lực của nhà trường trong hai năm khó khăn vừa qua. Lứa học sinh “online bất đắc dĩ” đã gặt hái được những thành quả rất ấn tượng và chúng tôi tin rằng khi dịch bệnh qua đi, khi các con được học tập trực tiếp trở lại, thành tích sẽ còn tốt hơn nữa.

Kính chúc mọi gia đình sức khỏe, hạnh phúc và hẹn gặp lại ở các thư Cambride sau.   

* Nguyễn Hoàng Lâm (Trưởng bộ phận Quốc tế)

TIN LIÊN QUAN

>>> Người Việt phải làm chủ chương trình Cambridge tại Việt Nam

>>> Chương trình tích hợp: một chương trình, hai đích đến

>>> Mô hình đồng dạy: lời giải cho nhiều bài toán