HỨNG KHỞI VÀO VAI CÁC NGHỆ NHÂN RỐI NƯỚC

16:20 04/01/2024

Sáng 4/1/2024, học sinh khối 10 đã có một chương trình trải nghiệm được các con đánh giá là thú vị nhất từ trước tới nay, khi tham quan Nhà hát Múa rối Thăng Long và trực tiếp xuống nước sắm vai các nghệ sĩ múa rối.

Nhà hát Múa rối Thăng Long với truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển là một trong những điểm đến độc đáo của Thủ đô Hà Nội. Đây là “đất lành” của nghệ thuật rối nước Việt Nam, nơi các nghệ sĩ có 365/365 đêm diễn sáng đèn, giới thiệu đến bạn bè quốc tế những tinh hoa chắt lọc về lịch sử, văn hóa nước nhà.

Chú Tễu giáo trò, lão nông câu cá, Vua Lê trả kiếm là những tích trò được giới thiệu tới học sinh Khối 10 Nguyễn Siêu trong giờ trải nghiệm nghệ thuật rối nước

Tham quan Nhà hát Múa rối Thăng Long, các con học sinh khối 10 Nguyễn Siêu đã thực sự bị chinh phục ngay từ những tích trò đầu tiên như Chú Tễu giáo trò, lão nông câu cá, Vua Lê trả kiếm thần cho Rùa thiêng… Những con rối với chuyển động tinh tế, hài hòa, tuyệt đối ăn khớp cùng âm thanh, ánh sáng đã truyền tải được câu chuyện sống động, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ.

Thủy đình trong khuôn hình điện thoại của một học sinh

Để tiếp cận sâu hơn với nghệ thuật rối nước đã trở thành “đặc sản” đất Thăng Long, các con đã trực tiếp được mặc đồ bảo hộ, xuống nước sắm vai những nghệ nhân biểu diễn cùng con rối. Ở đó, các con thêm thấu hiểu những vất vả, lạnh giá của nghề đầm mình trong nước, “gồng gánh” đúng nghĩa những con rối nặng có khi lên đến 50, 60kg và độ khó của sự phối hợp 3, 4 diễn viên cho chỉ một con rối lướt dưới Thủy đình.

Các con chuẩn bị trang phục để xuống nước sắm vai nghệ sĩ

Niềm hứng khởi khi được tự tay điều khiển những long những phụng của Nhà hát

Theo tiết lộ của NSƯT Bạch Quốc Khanh, mỗi diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản cũng cần mất tối thiểu 2 năm để có thể điều khiển thuần thục một con rối đơn giản. Với những con rối nặng và phức tạp như long, phụng, Tễu…, thời gian rèn luyện và được kèm cặp bởi các nghệ sĩ lão luyện còn kéo dài hơn. Phải thực sự yêu và tâm huyết với nghệ thuật rối nước mới có đủ kiên trì để chạm đến tinh hoa của nghề.

Các con say sưa đặt câu hỏi về nghệ thuật rối nước

và cũng nhận về những câu trả lời tràn trề tâm huyết của các NSƯT Bạch Quốc Khanh, Đức Hùng...

Học sinh Nguyễn Siêu với niềm đam mê vụt đến đã say sưa đặt câu hỏi cho các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Thay mặt dàn nghệ sĩ gạo cội, NSƯT Đức Hùng, Lê Thu Huyền… đã giải đáp tất cả thắc mắc của các con, từ sự gian khổ, hi sinh cho nghề diễn, niềm tự hào khi 95% vé bán ra là để giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam đến khách quốc tế, cũng là nỗi trăn trở vì sao chỉ có 5% suất diễn được khán giả “nhà” quan tâm, cho đến đặc điểm biểu diễn của từng con rối, các loại nhạc cụ chơi trong dàn âm thanh nhà hát…

Chỉ một buổi sáng ngắn ngủi với một vài màn diễn kiểu “trailer”, nghệ thuật múa rối nước đã chinh phục rất nhiều học sinh Nguyễn Siêu. Các con rời Nhà hát với một lời hẹn sẽ thuyết phục cha mẹ và các thành viên gia đình quay trở lại đây để cùng thưởng thức một đêm diễn trọn vẹn.