Viết về người thầy kính yêu của mái trường Nguyễn Siêu

08:40 10/10/2019

10/10/2019 là ngày đánh dấu 65 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, cùng với những con người lịch sử, những địa danh ghi dấu vẫn luôn còn đó như để gợi nhớ về những ký ức lịch sử hào hùng của Hà Nội thuở nào. Trong trùng trùng sóng người trở về tiếp quản Thủ đô năm 1954 có anh thanh niên tên Nguyễn Trọng Vĩnh. Người thanh niên là chứng nhân năm ấy, nay là Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Siêu, đã có trọn vẹn 65 năm với giáo dục Thủ đô.

Thầy năm nay đã ở tuổi bát tuần, cái tuổi mà người ta thường đã ngơi nghỉ, vui vầy bên cháu con. Vậy mà vì hai chữ duyên nghiệp - thầy vẫn nặng lòng với lớp, với trường, với sự nghiệp trồng người. Thầy là một tấm gương sáng về lòng yêu nghề, đầy nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo trưởng thành từ khói lửa chiến tranh. 

Người thầy giáo ấy có tên là Nguyễn Trọng Vĩnh - Đại tá, Nhà giáo ưu tú, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội). 

Sinh năm 1935, 13 tuổi, thầy đã tham gia cách mạng, rồi được Thành ủy Hải Phòng cử đi học Sư phạm tại Khu học xá Trung ương (tại Nam Ninh, Trung Quốc).

Năm 1954, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh và một số trong những học sinh lớp 3E Sư phạm KHX TƯ tốt nghiệp đặc cách về tiếp quản Thủ đô, công tác tại Sở GD-ĐT Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Đông Ngạc khi mới tròn 20 tuổi. Khi đang làm cán bộ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô), năm 1965, theo điều động của Thành ủy Hà Nội, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh “gác bút nghiên lên đường ra trận”. Trong suốt 25 năm công tác tại Bộ tư lệnh Công binh, thầy đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ Binh chủng giao, từ việc xây dựng công trình, đến chiến đấu, đảm bảo vượt sông trên các chiến trường từ Bắc vào Nam và trên đất bạn Campuchia, là “dũng sĩ diệt Mĩ” trong chiến dịch Quảng Trị 1972. Ấy vậy nhưng trong suốt những năm tháng chiến đấu kiên cường nơi chiến trường ác liệt, ở “người lính” ấy vẫn in đậm dấu ấn của “người thầy”.

 

Năm 1989, khi bước sang tuổi 57, thầy nhận quyết định nghỉ hưu. Cũng giống như rất nhiều người bạn hưu khi đó, thầy từng đã có ý định làm những công việc đời thường. Nhưng rồi cơ duyên đã đưa thầy trở lại với bảng xanh, phấn trắng. Thương cảnh con cháu sau giờ học ở trường lại phải đi học thêm, thầy ấp ủ giấc mơ xây trường mở lớp từ đó. Năm 1991, Trường Phổ thông dân lập Cấp II và Cấp III  Nguyễn Siêu ra đời từ những ấp ủ, trở trăn ấy. Hai năm sau, năm 1993, trường Tiểu học Nguyễn Siêu cũng tiếp bước ra đời với mong muốn tạo thành một hệ thống giáo dục đào tạo liên thông từ lớp 1 đến lớp 12. Từ những bước đi đầu tiên này, thầy đã là một tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ dám làm, như việc học 2 buổi ngày từ lớp 1 đến lớp 12 từ những năm đầu tiên thành lập trường (1962-1963), kiên định chèo lái con thuyền Nguyễn Siêu qua rất nhiều khó khăn, thử thách của buổi đầu thành lập, trải qua 8 lần “đi ở nhờ” để duy trì việc dạy, việc học, đến khi trường có một ngôi trường thuộc về riêng mình. Những gian nan, vất vả không thể kể xiết ấy được người bạn đời đồng hành, ông đã từng bước, từng bước vượt qua bằng tình yêu nghề mến trẻ và ý chí kiên định. 

Từ năm 1991 tới nay, thầy đã cùng các cộng sự đưa trường Nguyễn Siêu trở thành “Trường chất lượng cao” và đạt chuẩn Quốc gia, là trường NCL đầu tiên đạt được danh hiệu này. Năm 2010, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2014, thầy được Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam vinh danh là “Trí thức tiêu biểu của Thủ đô”. Năm 2016, trường Nguyễn Siêu nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào Thi đua của Chính phủ, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú. Năm 2017, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh vinh dự nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Những danh hiệu trên phần nào đã ghi nhận những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục của thầy. 

Với các giáo viên trong trường, thầy lúc nào cũng gần gũi, giản dị như một người cha, người ông trong gia đình. Trời nắng hay mưa, lạnh giá hay nắng nóng, sáng nào cũng vậy, thầy thường đứng ở một góc nhỏ ngắm nhìn các con học sinh tới trường, quan sát nền nếp, tác phong đến trường của học sinh. Buổi trưa, thầy cũng có thói quen tới nhà ăn, quan sát việc các cô nuôi chia cơm, xem xét thực đơn, lượng đồ ăn cho từng con, góp ý nếu thấy có điều chưa hợp lý, rồi hỏi han các con ăn có vừa miệng không, động viên các con ăn hết suất ăn, tránh lãng phí thực phẩm. Trong các giờ học, chỉ cần có thời gian rảnh, thầy cũng sẽ đi tới các lớp học, từ ngoài hành lang nhìn vào để quan sát việc dạy và học của thầy trò trong lớp. Cũng có lúc, thầy “vi hành” qua phòng giáo viên rồi dừng lại hỏi thăm tình hình công việc, gia đình của từng thầy cô giáo, động viên chúng tôi cố gắng “đảm việc nước giỏi việc nhà”... Chiều về, thầy cũng sẽ dạo quanh trường một vòng. Khi thì kiểm tra xem các lớp đã đóng hết cửa sổ chưa, khi lại lặng lẽ để ý việc trực nhật cuối ngày của học sinh. Thầy luôn chăm chút tới từng chi tiết nhỏ trong trường. Thầy vẫn cười bảo đó là “bệnh của người già” – cái gì cũng muốn tự mình làm, tự mình xem, tự mình kiểm tra nếu không sẽ không yên tâm. Nhưng có lẽ đó chính là “tâm bệnh” của những người nặng lòng, nặng duyên với nghề. 

Điều đáng khâm phục nhất ở thầy có lẽ chính là tư duy đổi mới, sáng tạo. Bởi lẽ tư duy đổi mới, sáng tạo, chấp nhận sự khác biệt ở những người trẻ đã khó có được chứ chưa nói là ở những người đã qua tuổi thất thập cổ lai hi như thầy. Thầy luôn kiên định đưa Nguyễn Siêu từ một trường dân lập bình thường trở thành một trường Việt Nam hội nhập quốc tế. Thầy rất coi trọng việc dạy tiếng Anh, mong muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Không những thế, thầy cũng luôn quan tâm, tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Thầy luôn ý thức được vai trò của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường hiệu quả quản lí giáo dục trong thời đại 4.0. 

Cho đến nay, thực tế đã chứng minh hướng đi của thầy là hoàn toàn đúng đắn. Từ ngày thành lập trường đến nay, 100% học sinh Nguyễn Siêu đỗ tốt nghiệp THPT và trong 5 năm liên tiếp gần đây, 100% học sinh lớp 12 đỗ vào đại học trong và ngoài nước. Thầy cùng với những cộng sự của mình đã đưa tên tuổi Nguyễn Siêu vượt biên giới để hội nhập với Thế giới. Nguyễn Siêu trở thành trường mang tên thuần Việt đầu tiên gia nhập hệ thống hơn 10.000 trường phổ thông dạy chương trình Cambridge trên toàn thế giới, là Trung tâm khảo thí ủy quyền của Cambridge với cùng mã số VN236, được trao cúp Trung tâm mới tốt nhất năm 2016. Học sinh của thầy liên tục đạt điểm Top in Vietnam trong các kỳ thi tú tài Cambridge IGCSE và hoàn thiện lộ trình học tập chương trình Cambridge với khóa AS Level đầu tiên đạt kết quả xuất sắc trong năm 2019: 100% học sinh vượt qua kỳ thi với 3 môn học được lựa chọn, trong đó 90% bài thi đạt điểm A-C (A là điểm cao nhất tại bậc AS)... Kết quả này chính là trái ngọt, tạo nền tảng vững chắc để học sinh tiếp tục hoàn thành chương trình A level (A2) và tiếp đến là hành trang vào các trường đại học hàng đầu thế giới. 

Thầy Vĩnh (thứ tư từ trái) trong Lễ trao chứng nhận Checkpoint và IGCSE

Thầy Vĩnh trong lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Nguyễn Siêu và Đại học Massey (New Zealand)

NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh trong Ngày hội STEAM của Trường Nguyễn Siêu năm 2019

“Vẫn biết tròn là khôn, nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu”. Có thể nói thầy Nguyễn Trọng Vĩnh đã lấy cả đời mình làm tấm gương sáng, mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo. Giáo dục Thủ đô kỷ niệm 65 năm, thầy cũng là người thầy có 65 tuổi nghề. Năm nay đã ở tuổi 85 nhưng vẫn minh mẫn, tâm huyết, người thầy ấy nguyện sẽ gắn bó với sự nghiệp giáo dục Thủ đô nói chung và Nguyễn Siêu nói riêng cho tới hơi thở cuối cùng. 

Đàm Thanh Thủy
 

TIN LIÊN QUAN:

>>> NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh là "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016

>>> Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Vĩnh nhận Huân chương Lao động

>>> Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Vĩnh đạt 100% tín nhiệm Nhà giáo Nhân dân

>>> Gương công dân Thủ đô ưu tú - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh

>>> Người thầy tiên phong đưa trường Việt Nam lên hàng quốc tế

>>> NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo dục không thể "gặt lúa non"!

>>> NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng

>>> Người thầy dựng "nết Nguyễn Siêu"

>>> Người lính già nặng lòng với sự nghiệp trồng người