Năm 20 tuổi đã trở thành Hiệu trưởng và ở tuổi 92, Đại tá - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn ngày 2 buổi tới trường Nguyễn Siêu - trường phổ thông hàng đầu Việt Nam về chương trình đào tạo Cambridge quốc tế, mà ông là nhà sáng lập.
Xem bài viết gốc TẠI ĐÂY.
Trong rất nhiều khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới, một ngôi trường dân lập vẫn là khái niệm mới mẻ với xã hội bấy giờ. Lễ khai giảng đầu tiên, trường chỉ có 132 em, chia thành 5 lớp cấp 2 và 3. Trải qua gần 3 thập kỷ gây dựng, năm học 2024-2025 vừa qua, trường THCS-THPT Nguyễn Siêu đã có 1.616 học sinh. Đằng sau đó là mồ hôi và tâm huyết của một người thầy đã gắn bó gần như toàn bộ cuộc đời với sự nghiệp trồng người.
Là người thầy duy nhất của Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024, theo thầy, bên cạnh việc được học trò yêu quý, được đồng nghiệp kính trọng, cần có thêm điều gì quan trọng?
Tôi luôn xác định rằng, dù là người lính, hay là người thầy, “vì nhân dân phục vụ” vẫn luôn là tinh thần cốt lõi và quan trọng nhất. Tôi biết có nhiều đồng nghiệp rất xứng đáng nhưng chưa được phong tặng, chủ yếu do thiếu số năm trực tiếp giảng dạy.
Với cá nhân tôi, từ trước khi vào quân đội, tôi đã tham gia giảng dạy ở rất nhiều nơi, tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Ban đầu, tôi được cử đi học bổ túc văn hóa ở chiến khu Việt Bắc, rồi lại tình cờ được Thứ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ - ông Nguyễn Khánh Toàn - trao cơ hội sang học nâng cao ở Trung Quốc.
Sau 3 năm Sư phạm ở khu học xá Nam Ninh, tôi theo đoàn quân giải phóng Thủ đô về tiếp quản công tác thanh thiếu niên trường học năm 1954.
Vậy nên, khi mới tròn 20 tuổi, tôi đã đảm nhiệm chức Hiệu trưởng một trường tiểu học. Sau đó, tôi tiếp tục học lên và trở thành cán bộ giảng dạy cho các trường cao đẳng, đại học.
Năm 30 tuổi, tôi lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Phục vụ trong quân đội suốt 25 năm, đến khi nghỉ hưu, tôi một lần nữa quay lại với sự nghiệp giáo dục bằng việc thành lập trường Nguyễn Siêu - một trong những ngôi trường dân lập hiếm hoi thời bấy giờ.
Ngày hôm nay, Nguyễn Siêu đã trở thành trường Song ngữ Quốc tế Cambridge mang đậm bản sắc Việt, sở hữu bảng thành tích quốc gia và quốc tế đáng tự hào.
Có thể nói, quãng thời gian giảng dạy trước đây đã góp phần quan trọng giúp tôi đạt đủ điều kiện xét tặng danh hiệu này – điều đó, với tôi, cũng là một sự may mắn, và đồng thời là một đóng góp của tôi cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô.
Nhắc tới 25 năm trong quân đội, có trải nghiệm nào đến nay vẫn ghi dấu ấn đậm sâu trong thầy?
Cuộc đời tôi là một nhà giáo, nhưng đồng thời, tôi cũng có 25 năm tham gia vào quân đội, cho nên có thể gọi là tôi là “nhà giáo chiến sĩ”. Trong suốt quãng thời gian đó, tôi thực sự là một anh “lính chiến” đã đi gần hết các chiến trường từ Bắc vào Nam, sang cả Campuchia trong thời kỳ đánh đuổi quân Pol Pot.
Trải nghiệm thì nhiều vô kể, nhưng dấu ấn sâu sắc nhất thuộc về chiến dịch Quảng Trị năm 1972, nơi mà tôi đã tham gia công trình bắc cầu Hiền Lương qua sông Bến Hải, biểu tượng nối liền 2 bờ sau 18 năm chia cắt. Trung đoàn cũ của tôi là đơn vị trực tiếp tham gia thi công và chiến đấu bảo vệ công trình suốt 72 ngày đêm ác liệt.
Ngày ấy, 72 chiến sĩ của trung đoàn được cử vào chiến trường Quảng Trị. Nhưng khi trở ra, chỉ còn lại 3, 4 người sống sót. Trong số đó, có Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Cù Văn Hậu, hiện nay vẫn còn sống và là một biểu tượng tinh thần lớn đối với chúng tôi.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập binh chủng, chúng tôi, những người còn sống, lại gặp nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những buổi gặp gỡ như thế không chỉ để nhớ về quá khứ, mà còn giúp mình sống khỏe hơn, sống tốt hơn, biết trân trọng từng khoảnh khắc.
Trong chiến tranh, thầy từng đối diện với sống chết. Sau chiến tranh, thầy chọn giáo dục. Đâu là mối liên hệ giữa hai mặt trận đó?
Tôi trở thành người lính khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ bước vào giai đoạn cam go, quân địch muốn chia cắt đôi miền Tổ quốc. Trải qua quãng thời gian học tập và rèn luyện ban đầu trong Học viện Chính trị, tôi được phân công về Trung đoàn 229 - đơn vị truyền thống của Binh chủng Công binh.
Đó là một vinh dự lớn, và cũng là động lực để tôi nối tiếp truyền thống "mở đường thắng lợi" của bộ đội công binh, thúc đẩy tôi luôn phải đi trước dẫn đầu trong mọi công tác, mọi hoạt động.
Khi trở về đời thường, tôi tiếp tục mang theo tinh thần ấy trong hành trình xây dựng trường Nguyễn Siêu. Tác phong của người lính Cụ Hồ trở thành nền tảng cho cách tôi tổ chức, vận hành nhà trường.
Điển hình là đề cao việc rèn luyện đạo đức đi đôi với việc xây dựng “tác phong quân sự” - một nề nếp sinh hoạt học theo gương Bác Hồ và các chiến sĩ - để mỗi học sinh ở Nguyễn Siêu được rèn luyện mọi lúc mọi nơi như những "chiến sĩ nhỏ".
Đó chính là sự kết nối giữa hai vai trò người lính và người thầy trong tôi. Chúng không tách rời mà luôn song hành, từ tư duy tổ chức cho đến việc điều hành từng hoạt động giáo dục trong trường. Có thể nói, chính quân đội đã rèn giũa cho tôi nền tảng, còn giáo dục là nơi tôi chuyển hóa và vun trồng cho thế hệ tương lai.
Dù xây dựng tác phong “quân sự hóa”, thầy vẫn được bao học sinh Nguyễn Siêu gọi bằng tiếng “người cha”, “người ông” đầy thân thương. Nhân tố nào đã giúp thầy cân bằng giữa kỷ luật và tình thương?
Ở trường khác, học trò thường gọi "thầy" xưng "em", nhưng tôi luôn cho rằng quan hệ thầy trò phải như người cha, người mẹ dạy con nên yêu cầu học sinh xưng "con". Theo thời gian, tôi hiện là người cao tuổi nhất trong ngôi trường này nên dần đóng vai trò như một người ông.
Thực chất, cha hay ông cũng chỉ là một cách gọi, điều cốt lõi nằm ở cảm nhận của mọi người. Qua nhiều thế hệ học sinh, kể cả những cựu học sinh giờ đã là những người thành đạt, thì đâu đó, mọi người vẫn dành cho tôi một sự kính trọng, yêu mến như một người thầy - một người thân trong gia đình.
Là một người lính, một nhà quân sự, có lẽ một nửa trong tôi vốn gắn với hình ảnh kỷ luật, nghiêm khắc – nhưng là một người thầy, một nửa còn lại hiện lên trong mắt các em học sinh như một người thân ấm áp và bao dung. Điều tưởng chừng đối lập ấy, tôi cho rằng, chính là nét đặc trưng mà chúng tôi gọi là “Nết” Nguyễn Siêu.
Nếp sống này gắn liền với hình ảnh người lính vừa kiên cường bất khuất, vừa bình dị thân thương, thể hiện qua từng hoạt động: từ học tập, rèn luyện, đến sinh hoạt thể dục thể thao. Nó dần trở thành thói quen của toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh. Và cũng chính vì thế, người ta thường gọi Nguyễn Siêu là "ngôi trường mang bản sắc bộ đội Cụ Hồ".
Trong cuộc đời giảng dạy, có cựu học sinh nào khiến thầy bất ngờ hoặc xúc động nhất mỗi khi nhớ lại?
Một trong những cựu học sinh khiến tôi nhớ nhất chính là Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, một con người vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, lại gần gũi và tình cảm hết mực. Thuở ấy, tôi là cán bộ phụ trách môn Triết học, được sắp xếp tham gia giảng dạy cho anh Nguyễn Phú Trọng vào năm anh ấy là học sinh lớp 10 tại trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một học sinh có tinh thần học tập nghiêm túc, thái độ chững chạc, rất mực lễ phép với các thầy và gần gũi với bạn bè.
Trước khi trở thành Tổng Bí thư, vào những dịp họp mặt, Đồng chí vẫn thường đến Trường Nguyễn Siêu. Những buổi gặp gỡ ấy không chỉ là thầy trò hàn huyên về giáo dục, mà còn chia sẻ cả những câu chuyện đời thường, giản dị.
Bên cạnh đó, người học trò thứ hai để lại nhiều kỷ niệm trong tôi là GS. TS Hoàng Chí Bảo. Anh từng là học sinh lớp Văn - Sử, thuộc Trường Sư phạm Hà Nội. Sau này, anh được đào tạo và phát triển lên, trở thành Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, là một trong những người chuyên kể chuyện về Bác Hồ được nhiều thế hệ yêu quý…
Tất nhiên, trường Nguyễn Siêu còn có rất nhiều học sinh thành đạt khác mà tôi không thể kể hết được.
Ở trường như vậy, còn ở nhà, thầy giáo dục và định hướng con cái như thế nào?
Thật ra, khi còn trẻ và bắt đầu có con, tôi cũng như bao người cha khác, chỉ mong một điều giản dị: Con cái được học hành tử tế, đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu xã hội mà không phải chạy theo vòng xoáy dạy thêm học thêm - điều rất phổ biến thời bấy giờ nếu muốn vào được trường tốt.
May mắn là các con tôi đều có tinh thần tự học cao. Con trai tôi ban đầu chỉ học trường làng, sau này thi đỗ Chuyên Lý, Trường Hà Nội - Amsterdam rồi theo gương bố học tiếp Học viện Kỹ thuật Quân sự, trở thành Tiến sĩ - Thượng tá, công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu, hiện là Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Tiểu học Nguyễn Siêu.
Con gái tôi là một trong những học sinh lớp 8 đầu tiên của trường Nguyễn Siêu khi vừa thành lập, giờ đây đã trở thành Thạc sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu. Chứng kiến các con trưởng thành và bản lĩnh, tôi rất yên tâm khi trao lại toàn bộ quyền điều hành nhà trường cho các con.
Còn với các cháu, thầy có mong thế hệ thứ 3 sẽ tiếp tục kế nghiệp hay không?
Tôi luôn có một ước vọng: trước hết phải trở thành công dân tốt – công dân toàn cầu, có thể làm việc và sống tử tế ở bất cứ đâu. Đương nhiên tôi vẫn mong các cháu có thể tiếp nối sự nghiệp giáo dục của cha ông. Tuy nhiên các cháu đã khôn lớn rồi, có quyền quyết định cuộc đời của mình không nên không ép buộc được.
Cháu gái nội của tôi đang học rất giỏi ở Anh, sau ra trường lại phát hiện có năng khiếu ca hát. Gia đình ủng hộ nên cho cháu theo học thanh nhạc ở Tây Ban Nha rồi sang Mỹ. Có ai nghĩ cháu mình sẽ trở thành ca sĩ đâu! Nhưng đời là vậy, định hướng chỉ là một phần - quan trọng là sự lựa chọn của các cháu và bố mẹ chúng.
Hai cháu ngoại tôi cũng mỗi đứa một con đường. Một cháu học xong thạc sĩ tại New Zealand theo mô hình giáo viên tiểu học toàn diện – không chỉ dạy văn hóa mà còn cần cả nghiệp vụ thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống. Hiện cháu đang làm việc tại đó, còn sau này có về nước hay không, tôi để cháu và bố mẹ cháu quyết định.
Cháu ngoại nhỏ hơn thì đang học Tài chính cũng tại New Zealand. Tôi kỳ vọng sau này cháu có thể hỗ trợ mẹ trong công tác quản lý tài chính nhà trường. Nhưng cũng vậy thôi, đó là mong muốn của ông – còn thực hiện hay không, vẫn là lựa chọn của cháu.
Tôi nghĩ trong giáo dục, hay định hướng sự phát triển con người, cốt lõi nhất vẫn là sự tôn trọng.