Thiết thực kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11)

07:52 29/11/2016

Từ năm 2005, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm "phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam". Biết, hiểu và trân quý di sản văn hóa Việt Nam - đó cũng là một nhiệm vụ học tập của học sinh Nguyễn Siêu.

Là một trường thuần Việt nỗ lực ghi tên và khẳng định mình trên bản đồ giáo dục không chỉ của quốc gia mà còn vươn ra khu vực và quốc tế, Nguyễn Siêu tự hào và quyết tâm giữ vững bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Biết, hiểu và trân quý di sản văn hóa Việt Nam - đó là nhiệm vụ học tập thường xuyên của học sinh Nguyễn Siêu nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung.

 

Ban nhạc dân tộc của học sinh Nguyễn Siêu
Ban nhạc dân tộc của học sinh Nguyễn Siêu

 

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Mỗi dân tộc góp vào nền văn hóa chung một sắc màu độc đáo, tạo nên một bức tranh về văn hóa Việt phong phú và đa dạng. Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc, là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã 71 năm, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa...

Trước yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, từ năm 2005, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm “Phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam”.

Tháng 12/1993, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO quyết định công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa Thế giới, cho tới nay nước ta đã có trên 20 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được nhận vinh dự đó.

Không chỉ có những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận, mà hiện nay trên cả nước có khoảng trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cộng thêm vào đó là gần 1 nghìn di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ…

HS Nguyễn Siêu học tập tại di sản
HS Nguyễn Siêu học tập tại di sản

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc đã nhận được sự quan tâm của đảng và nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của ngành văn hóa, thể thao và du lịch từ Trung ương đến các địa phương. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Di sản văn hóa Việt Nam không chỉ là viên ngọc quý của dân tộc mà còn là tài sản chung của nhân loại. Những vẻ đẹp của các di sản không thể tồn tại bền lâu và vĩnh cửu, không chỉ riêng đối với các di sản được vinh danh mà còn tất cả các di sản trên toàn quốc...

Với những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, ngày 19-11-2013 Việt Nam đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Gồm 160 nước) bỏ phiếu tín nhiệm, bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017.

*

Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), mới đây, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội công bố kết quả thực hiện đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” do Sở phối hợp với các địa phương thực hiện từ năm 2014 đến nay. Việc tổng kiểm kê đã được tiến hành ở 30/30 quận, huyện, thị xã, cho thấy Hà Nội có 1.793 di sản đã được nhận diện, kiểm kê, gồm các loại hình: Ngữ văn dân gian (14 di sản), nghệ thuật trình diễn dân gian (79), tập quán xã hội (hơn 200), lễ hội truyền thống (hơn 1.200), nghề thủ công truyền thống (175 di sản), tri thức dân gian (106 di sản). Số di sản này phân bố ở 509/584 xã, phường, thị trấn.

Căn cứ vào kết quả kiểm kê, Sở VH-TT Hà Nội đã chọn 6 di sản độc đáo, đang đứng trước nguy cơ mai một để ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị: Tiếng lóng Đa Chất (xã Đại Xuyên - huyện Phú Xuyên); hát trống quân (huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ); hát và múa Ải Lao (phường Phúc Lợi - quận Long Biên)...
Một số di sản khác như lễ hội đền Và ở phường Trung Hưng (Sơn Tây), hội đền Hát Môn (Phúc Thọ), nghề thêu phục chế xã Đông Cứu (Thường Tín)… đã được Sở VH-TT Hà Nội lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện Sở VH-TT Hà Nội đang trình kết quả tổng kiểm kê đề nghị UBND thành phố xem xét, phê duyệt danh mục các di sản cần bảo tồn, phát huy giá trị.

Triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt - Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” và các hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể cũng diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm “Văn thư Triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” đã khai mạc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 18 đường Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy).

*

Riêng với Trường Nguyễn Siêu, học tập tại di sản, tôn vinh những vẻ đẹp di sản Việt Nam thường xuyên được đưa vào trong hoạt động học tập và thể hiện tại các dịp lễ, sự kiện quan trọng hoặc đón tiếp bạn bè quốc tế. Học sinh Nguyễn Siêu có ban nhạc dân tộc tự hào giới thiệu các nhạc cụ đặc trưng và những làn điệu dân gian ngàn đời của người Việt là tài sản phi vật thể của toàn nhân loại. Những người bạn quốc tế đến giao lưu và trao đổi học tập cùng học sinh Nguyễn Siêu cũng được giới thiệu và trải nghiệm tại những địa danh là di sản thiên nhiên, di tích lịch sử và những miền đất chứa đựng các di sản phi vật thể khác. Đưa những vẻ đẹp và giá trị của di sản dân tộc vào chương trình học tập và ngoại khóa của học sinh chính là cách thiết thực hơn cả để tôn vinh di sản văn hóa Việt.

An Na (Tổng hợp)