"Trong ngôi nhà Nguyễn Siêu, chỗ của tôi là Bếp. Cả đội nhà bếp chúng tôi như một đàn ong chăm chỉ, cần mẫn, để mỗi giờ ăn trưa, được nghe tiếng học sinh reo vui khi nhận được món ăn ưa thích – đó là một cảm xúc vô cùng khó tả" - ông Dương Chef.
Tôi tên là Dương, mọi người hay gọi tôi là Dương Chef. Tôi ở Nguyễn Siêu đã được tròn 10 năm, tự hào đi cùng ngôi nhà thân yêu 1/3 chặng đường kể từ ngày thành lập.
Trong ngôi nhà Nguyễn Siêu, chỗ của tôi là Bếp. Công việc bắt đầu lúc 6 giờ sáng: giám sát việc nhập thực phẩm, sơ chế, làm sạch thực phẩm, nấu nướng và chia suất ăn cho toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường.
Cả đội nhà bếp chúng tôi như một đàn ong chăm chỉ, cần mẫn, để mỗi giờ ăn trưa, được nghe tiếng học sinh reo vui khi nhận được món ăn ưa thích – đó là một cảm xúc vô cùng khó tả. Giống như người mẹ nấu cơm được đàn con hưởng ứng, tôi nghĩ cảm xúc của chúng tôi cũng tương tự như vậy. Những lần đi “thị sát” mâm cơm mà thấy các con náo nức xin thêm đồ ăn, tôi thấy một ngày của mình thật ý nghĩa.
Có thể không nhiều người biết đằng sau niềm vui nhỏ bé đó của chúng tôi là những nỗi “đau đầu” thường trực. Làm thế nào để bữa ăn cho các con ngon miệng, đủ chất, thực phẩm an toàn mà lại không nhàm chán. Câu hỏi ngày mai ăn gì, tuần sau ăn gì luôn thường trực.
Cùng san sẻ nỗi đau đầu ấy với tổ nhà bếp là sự hỗ trợ đặc biệt từ Hội đồng Quản trị, mà người sát sao nhất là bà Thịnh. Ngoài việc chuyên môn, điều hành nhà trường, Bà còn cất công tìm hiểu thật kỹ những nguồn cung ứng thực phẩm chất lượng, uy tín, giúp chúng tôi hoàn thành công việc của mình. Hội đồng Quản trị cũng nâng cấp trang thiết bị hiện đại, thường xuyên chia sẻ nỗi vất vả thầm lặng của chúng tôi, đặc biệt trong thời kỳ giãn cách vì Covid-19. Đó là thứ giúp anh chị em làm bếp chúng tôi quên đi mệt nhọc.
Tôi thật tự hào và thấy mình may mắn khi đồng hành cùng ngôi nhà lớn Nguyễn Siêu. Tôi yêu Nguyễn Siêu, gia đình thứ hai của cuộc đời tôi.