Cựu học sinh Nguyễn Minh Ngọc (lớp 6B-9B, 10C, 11D-12D khóa 1995-2002) lần đầu “công chiếu" kho tàng ký ức của mình về mái trường Nguyễn Siêu, nơi có những thầy cô như cha mẹ, có những tình cảm chẳng khác gì ở trong một gia đình…
Nhận được thông tin về trường từ cô bạn học hồi phổ thông giữa những ngày giãn cách buồn tẻ vì dịch bệnh, con bỗng thấy ấm áp hơn bao giờ hết. Con đã được tham dự Lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường khi học cấp II, mới đó thôi mà giờ trường đã sắp kỷ niệm 30 năm thành lập.
Bố mẹ con đều là bộ đội, thời gian rất hạn hẹp, nên khi con học hết cấp I, bố mẹ muốn tìm một trường học bán trú để con có thể ở trường cả ngày. Qua bạn bè giới thiệu, được biết thầy hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu trước đây từng là bộ đội, thế là mẹ đăng ký cho con đi thi. Ngày đó mô hình trường dân lập chưa phổ biến lắm, về quê bà nội còn hỏi: “Thế học dốt hay sao mà phải học dân lập?” Mẹ con chỉ cười: “Phải thi đỗ mới được vào học đấy bà ơi!”.
Tấm ảnh đã trở thành lịch sử của các thế hệ học sinh trường Nguyễn Siêu với những mùa Khai giảng trên Quảng trường Lăng Bác.
Con nhớ cô Diệp dạy Toán - người đã chọn con làm lớp trưởng lớp 6B, vì cô thấy con chủ động giúp cô trải chiếu cho các bạn ngủ trưa. Sau này lớn lên con mới hiểu được sự sâu sắc trong việc “chọn người” của cô, cô dựa vào hành vi ứng xử chứ không phải điểm số để chọn lựa, cô rất chú ý đến việc giáo dục cách làm người, cô hay giảng giải cho chúng con biết như thế nào mới là yêu thương người khác thật sự…
Con nhớ cô Tâm dạy Toán - người đã đồng hành cùng chúng con hai năm học đầu cấp. Cô rất trẻ, nhưng tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm như một người mẹ. Nhớ ngày 20/11, hai cô trò cùng nhau tranh thủ làm báo tường vào giờ ngủ trưa, trên đó có cả thơ của cô viết cho chúng con nữa đấy!
Con nhớ cô Ngọc dạy Văn - chủ nhiệm chúng con đầu năm lớp 8, do sức khỏe không cho phép nên cô chỉ chủ nhiệm lớp con một học kỳ; thế mà tình cảm thì đong đầy đến mức khi biết tin cô không được khỏe, không cần biết đến nhà cô bao xa, lũ học trò chúng con đã rủ nhau đạp xe đến thăm cô cho bằng được. Chắc các bạn lớp mình vẫn nhớ điểm hẹn “tượng đài Lê-nin” đúng không?
Cô chủ nhiệm học kỳ II lớp 8B là cô Mai dịu dàng, cô cũng dạy môn Văn. Điều khiến con phấn khởi mãi trong lòng là khi chúng con đã lên lớp, cô không chủ nhiệm nữa, nhưng cô vẫn lấy cách học văn của con ra làm gương để kể lại với các em lớp dưới, vô tình nói chuyện với các em con mới biết được điều ấy. Đôi khi, được ghi nhận gián tiếp sẽ nhớ lâu hơn được ghi nhận trực tiếp cả tỷ lần ý, cô nhỉ?
Con nhớ cô Hồng dạy Toán - cô chủ nghiệm chúng con năm cuối cấp. Với con, cô thật sự ấm áp như một người mẹ. Vẫn nhớ khung cửa sổ chẳng may vỡ mất kính do các bạn nam nghịch ngợm, nhưng khi mọi người hỏi, cô đứng ra nhận lỗi tại cô để không bạn nào bị phạt, cô giống như gà mẹ dang dôi cánh che chở đàn gà con mỗi khi gặp nguy hiểm!
Những tấm ảnh tư liệu quý giá trong kho tàng của Minh Ngọc.
Có một sự kiện vô cùng “khủng khiếp” đã xảy ra với con năm lớp 6; ngày xưa thì trẻ con rất hay nhiễm giun; và thật không may hôm đó con bị một con chui ra ngoài, trong lúc con đang khóc dở mếu dở ở nhà vệ sinh vì không biết phải làm sao, thì cô Hương dạy văn - cô chủ nhiệm các anh chị lớn hơn con một lớp - xuất hiện; thấy con cô liền hỏi han, trấn an, rồi lấy hết can đảm, cô đã giúp con xử lý sự cố đó. Con được nghe thầy cô khác kể lại, khi về đến văn phòng mặt cô vẫn còn hơi tái vì cô cũng rất sợ. Thế mà lúc ấy cô đã làm mà không suy nghĩ gì nhiều; sự cố tương tự như thế trước đây chỉ có bà ngoại và mẹ mới dám cứu con thôi. Sự kiện này là bí mật lớn nhất ngày đi học của con đó, nhưng giờ con rất muốn kể, để mọi người thấy được cô giáo đã hết lòng vì con đến dường nào.
Những năm đầu cấp II, do nhà khá xa nên con đi học bằng xe buýt của trường. Con đón xe ở điểm đầu, và tất nhiên chiều về sẽ là điểm cuối. Bố hay đi công tác, mẹ bận đi làm nên nhiều khi đón muộn. Con đã nhận cô Hiền phụ trách quản lý học sinh trên xe ô tô là “mẹ nuôi”, vì có hôm mẹ con về muộn, là cả “mẹ nuôi” và phu quân của “mẹ nuôi” cũng đứng chờ cho đến khi con được mẹ đón về.
Mặc dù giáo viên chủ nhiệm của chúng con thay đổi mỗi năm, còn có rất nhiều các Thầy Cô giáo bộ môn khác nữa, nhưng bất kỳ giáo viên nào, làm ở cương vị gì, thì các Thầy Cô của trường cũng luôn tận tâm và dành hết tình yêu thương cho học sinh. Đấy cũng là “tôn chỉ giáo dục” mà nhà trường theo đuổi, thế nên mới gọi học sinh là “Con”, yêu thương học sinh như “Con” của mình.
Cũng vì tình yêu thương ấy mà con đã lựa chọn trường cấp III - nguyện vọng 1 vẫn là trường Nguyễn Siêu. Giờ đây, con vẫn thấy mình đã không sai lầm với quyết định đó, bởi những năm tháng cấp III của con ở đây rất tuyệt vời! Con có những người bạn thân thiết, nhiều bạn đã học cùng con từ cấp II; có những tình cảm đáng trân trọng; có những thành tích đáng ghi nhận; và trên hết con vẫn được thầy cô yêu quý. Cảm giác như đây là quãng thời gian “tỏa sáng” của con vậy!
Con có duyên được cô Tô Hương chủ nhiệm lớp 10C - người con vô cùng ngưỡng mộ, phải nói là “hâm mộ” mới đúng, con luôn mong ước mình sau này cũng thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm và tốt nghiệp Thủ khoa như cô.
Hết lớp 10, chúng con được thi khảo sát và chia lại lớp học theo định hướng khối thi Đại học mà chúng con đã đăng ký. Con rất biết ơn cô Hương dạy tiếng Anh - giáo viên chủ nhiệm lớp 11D - khi mới tiếp xúc thì cứ ngỡ cô nghiêm khắc, khó tính, vậy mà cô rất tâm lý. Cô biết con học tiếng Anh không được khá bằng các bạn trong lớp, kinh tế gia đình lại không có nhiều điều kiện, nên cô đã gọi con đến học thêm và không thu học phí những buổi học thêm này. Nhớ lúc cô biết chuyện con đã rung rinh tình cảm tuổi học trò, cô chẳng mắng mỏ hay cấm đoán, cũng không dọa nạt sẽ mách phụ huynh…., cô ngồi tâm sự riêng với con như một người bạn lớn, cô nói: chúng mình nên hướng tình cảm đó thành động lực trong học tập thì sẽ rất là hay.
Quãng thời gian học trò của con khép lại với lớp 12D do cô Tường chủ nhiệm, cô dạy môn Sinh học, những học sinh nào đã học cô chắc sẽ không quên câu chuyện cảm động “làm Cha - làm Người” của cô.
Con nhất định phải kể về cô Trần Thúy Lan - cô là người đã quyết định chuyển hướng môn thi Học sinh Giỏi năm lớp 12 của con sang môn Địa Lý; rồi cô giới thiệu cho con “tầm sư học đạo” ở các thầy cô giảng dạy Địa Lý giỏi mà cô biết, lúc nào cô cũng động viên: đừng vì năm nay mới chuyển sang mà thiếu tự tin; trước đây có anh Long lớp 12 cũng mới chuyển sang thi Hóa đã đạt giải Nhì Quốc Gia đó; cùng với rất nhiều sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ phía nhà trường, năm đó con đạt giải Khuyến Khích Quốc gia môn Địa Lý, kết quả của quá trình mà khi mới bắt đầu, con không dám tin là mình sẽ làm được.
Một mùa tựu trường mới sắp đến, “mùa thu ơi mùa thu, mùa đi xây những ước mơ”, bài hát năm nào chúng con vẫn hát trong ngày khai giảng lại ngân vang nhịp điệu. Nhiều năm trường mình đã tổ chức Lễ khai giảng ở trước Lăng Bác, từng đoàn học sinh mặc lễ phục màu trắng, trang nghiêm diễu hành tiến vào lễ đài trên quảng trường Ba Đình. Dưới lá Quốc Kỳ bay phấp phới trong nắng thu, toàn trường báo cáo với Bác thành tích đã đạt được trong năm học qua, và hứa với Bác sẽ dạy tốt học tốt trong năm học mới. Có lẽ không phải ai cũng có được những kỷ niệm, những cảm xúc đầy tự hào như thế!
Con cảm ơn các Thầy Cô! Con cảm ơn ngôi nhà thân yêu thứ hai của con - ngôi nhà Nguyễn Siêu! Nơi đã chắp cánh những ước mơ; nơi đã vun đắp và phát triển thế mạnh của từng học sinh; nơi đã giúp con xây dựng nền tảng về tri thức, về nhân cách để con vững tin bước tiếp vào đời!