Kính chào quý Cha mẹ học sinh,
Trong thư số 1, tôi đã nói về việc để làm chủ chương trình Cambridge thì việc mua bản quyền chương trình Cambridge là cần nhưng chưa đủ. Với độ mở rất lớn (rất nhiều môn học, phương pháp đa dạng) thì việc “bản địa hóa” chương trình là cực kì quan trọng để hướng tới thành công cuối cùng cho người học.
Tại sao “bản địa hóa” lại quan trọng đến thế?
Trước tiên, người học mỗi nơi mỗi khác. Mỗi quốc gia có nền tảng văn hóa, giáo dục, kinh tế... rất khác nhau. Việc lựa chọn nội dung giảng dạy (chọn môn) phù hợp rất quan trọng sao cho người học vừa có hứng thú học, vừa học được tốt lại phải có lợi cho tương lai. Xây dựng bộ khung phù hợp với điều kiện địa phương là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Thứ hai là phương pháp: dạy một học sinh người Anh sẽ rất khác với dạy một học sinh Việt Nam, đó là do khác biệt về điều kiện lớn lên của người học (môi trường giáo dục, văn hóa). Áp dụng một phương pháp mới đột ngột có thể lúc đầu người học rất thích do mới lạ, nhưng để có lợi trong dài hạn cần được hiệu chỉnh phù hợp.
Vậy chúng tôi làm thế nào?
Chương trình hiện nay chúng tôi đang triển khai là kết quả của nhiều lựa chọn, thử nghiệm, cải tiến và cả sửa sai. Xuất phát điểm là các môn “cơ bản”: toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh. Từ năm 2017-2018 chúng tôi triển khai nhóm ngành kinh tế xã hội và được đón nhận nhiệt tình. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai các môn học liên quan đến truyền thông, thiết kế, những môn học rất cần thiết trong xã hội thông tin hiện nay.
Chương trình giáo dục không phải bất biến, nó sẽ được chúng tôi liên tục cải tiến để ngày càng tốt hơn, và quá trình này không có điểm dừng. Cột mốc quan trọng hiện tại chúng tôi đạt được là chương trình giáo dục tích hợp (giữa chương trình Cambridge với chương trình Việt Nam) sẽ được Bộ GD-ĐT phê duyệt trong tháng 10 này. Thật ra, chương trình tích hợp đã được chúng tôi thực hiện, cải thiện suốt 8 năm qua nhưng việc được Bộ GD chấp nhận là một bước tiến pháp lý quan trọng.
Chương trình giáo dục tích hợp là một chỉnh thể thống nhất dung hòa nội dung và phương pháp của cả hai chương trình mà người học có thể học tập hiệu quả được. Ở trên chúng tôi nói nhiều đến yếu tố “bản địa” khi xây dựng chương trình giáo dục. Thực chất đó là nền tảng văn hóa trong giáo dục. Là một trường Cambridge, chúng tôi lựa chọn không bỏ chương trình Việt Nam, thay vào đó xây dựng một chương trình tích hợp để đảm bảo hai đích đến cho người học: thụ hưởng chất lượng giáo dục quốc tế nhưng vẫn đảm bảo nền tảng văn hóa/kiến thức vững chắc của Việt Nam. Hay nói “thực tế” hơn, đó là người học có thể “tốt nghiệp” được cả hai chương trình. Đây là một hành trình khó cho cả trò và thày nhưng chúng tôi tin rằng nó là cách tốt nhất để học sinh của chúng tôi trưởng thành với vai trò công dân toàn cầu nhưng luôn có nền tảng văn hóa Việt Nam vững chắc.
Nhưng sau khi thiết kế được chương trình giáo dục tích hợp xong thì bước tiếp theo là câu hỏi “giảng dạy như thế nào?” cực kì quan trọng. Làm thế nào để người học thấm được cả hai nền giáo dục Đông - Tây? Liệu có xung đột gì khi nhiều thầy cô cùng giảng dạy một môn học? Làm sao để các nội dung của cả hai chương trình bổ trợ cho nhau? Làm sao để đảm bảo đầu ra cả hai chương trình? Các câu hỏi đó sẽ được chia sẻ trong bức thư tiếp theo: Mô hình đồng dạy tại trường Nguyễn Siêu.
* Nguyễn Hoàng Lâm (Trưởng bộ phận Quốc tế)
TIN LIÊN QUAN
>>> Người Việt phải làm chủ chương trình Cambridge tại Việt Nam