Người thầy tiên phong đưa trường Việt Nam lên hàng quốc tế

13:46 11/10/2016

ANTD.VN - Lâu nay những người đi đầu thường là những người phải chịu khó khăn, thử thách. Thế nhưng điều này hoàn toàn không phải là trở ngại với Đại tá - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh. Với phương châm phải luôn đi tiên phong, trường phổ thông Nguyễn Siêu do ông sáng lập trên nguyên tắc thuần Việt đã chính thức gia nhập hệ thống trường quốc tế được ĐH Cambridge Anh quốc công nhận.

Cốt nền là văn hóa Việt

Gặp NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh trên sân trường phổ thông Nguyễn Siêu, phóng viên bất ngờ khi lại là người được hỏi: “Nhà báo có cảm nhận gì về ngôi trường của chúng tôi?”.

Không có rác, không bụi bặm, nhiều cây xanh, đài phun nước mát mẻ khiến cho không gian ngôi trường mang dáng vẻ hiện đại và văn minh. “Muốn tạo được không gian này không phải cứ bỏ tiền đầu tư mà có được vì đây là trường học chứ không phải nhà riêng của mình. Hơn 2.000 học sinh ở trường cả ngày, nếu các con thiếu ý thức thì làm sao giữ được khung cảnh này!” – thầy Vĩnh nhẹ nhàng nói.

 

Thầy Vĩnh
Ngoài 80 tuổi, Đại tá-NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục

 

Vậy là khởi nguồn về một trong 3 ngôi trường dân lập đầu tiên ở Hà Nội của người thầy 60 năm có lẻ trong nghề bắt đầu bằng những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt… “Trường dân lập trong những năm đầu thập niên 1990 muốn tuyển học sinh phải chấp nhận đầu vào thấp, nhiều học sinh học lực kém, cá biệt ở trường công lập chuyển về.Vậy muốn các con nỗ lực học tập thì đầu tiên phải rèn về nền nếp, dạy các con biết tôn trọng thầy cô, tôn trọng kỷ luật."

"Là người lính nên tôi biết cách rèn các con tính kỷ luật. Rừng rậm đi nhiều sẽ thành đường, không đi nữa thì cỏ hoang lại lấp lối.Tạo dựng nền nếp cũng vậy, tích cực thì học trò đi vào khuôn khổ, lơi ra thì lại hỏng. Cái chính là kiên trì, nhất quán, thực hiện hàng ngày” – thầy Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ.

Từ đó,  trường phổ thông Nguyễn Siêu của thầy đã được biết đến với những nét riêng gồm 7 nguyên tắc văn hóa: văn hóa chào, văn hóa xếp hàng, văn hóa đọc, văn hóa tiết kiệm, văn hóa bảo vệ môi trường, văn hóa lắng nghe và mới đây nhất là văn hóa sử dụng các thiết bị thông minh.

“Tôi vẫn tự hào và luôn khẳng định trường phổ thông Nguyễn Siêu là trường mang bản sắc Việt Nam, rèn từ đạo đức, lối sống rồi mới đến kiến thức. Vậy nên 25 năm qua, trường đã đi lên từ những cơ sở thuê mượn, chuyển đổi tới 8 địa điểm rồi mới có được cơ sở như hôm nay nhưng vẫn luôn được phụ huynh ủng hộ, tín nhiệm, gửi gắm con em mình” - thầy Vĩnh chia sẻ.

 

Hội nhập quốc tế

“Giáo dục đạo đức, giữ gìn văn hóa, lối sống Việt là điều đáng trân trọng nhưng với yêu cầu cuộc sống hiện đại, cái tôi cá nhân đang được đề cao cùng xu thế hướng tới công dân toàn cầu. Điều này có mâu thuẫn với triết lý giáo dục của nhà trường?”.

Trước câu hỏi của phóng viên, thầy Vĩnh chia sẻ: “Hoàn toàn không mâu thuẫn. Trên cái cốt lõi là ý thức, lối sống trách nhiệm, việc khẳng định sự vượt trội của cá nhân và trang bị thêm những giá trị của một công dân toàn cầu là điều mà trường phổ thông Nguyễn Siêu đã thực hiện tương đối hiệu quả đến thời điểm này và góp phần định hướng sự phát triển của nhà trường”.

Không trói buộc vào bất cứ một mục tiêu nào đã đạt được, nguyên tắc mà thầy Vĩnh đặt ra trong định hướng phát triển của nhà trường là phải đi trước, dẫn đầu. “Trường dân lập thì phải tìm được học sinh. Muốn có học sinh thì phải đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện, sinh hoạt. Những nhu cầu này rất đa dạng, đòi hỏi nhà trường phải thay đổi không ngừng”- thầy Vĩnh nhấn mạnh.

Vậy nên mô hình trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội năm 2006 đã được trường áp dụng đầu tiên. Nhiều khó khăn, vướng mắc đều đã được hội đồng nhà trường giải quyết để sau 10 năm kiên trì định hướng này, trường phổ thông Nguyễn Siêu là trường đầu tiên được thành phố công nhận trường chất lượng cao.

 

NGƯT. Nguyễn Trọng Vĩnh
Đại tá - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh tiên phong trong việc đưa trường phổ thông Nguyễn Siêu vào hệ thống quốc tế được ĐH Cambridge Anh quốc công nhận

 

“Vấn đề là không chỉ là trường chất lượng cao của Hà Nội mà phải trở thành trường có tầm vóc khu vực và quốc tế. Bởi vậy, chúng tôi đã phấn đấu rất cao để đạt được các tiêu chuẩn của một trường phổ thông Cambridge do đại học này công nhận. Không kể hết những khắt khe trong yêu cầu của họ để được đứng vào một trong số hơn 10.000 trường phổ thông Cambridge trên toàn thế giới nhưng mục tiêu này chúng tôi đã đạt được” - thầy Vĩnh tự hào.

Với chương trình này, học sinh lớp 12 của trường Nguyễn Siêu khi được cấp chứng chỉ A-Level của Cambridge hoàn toàn có thể đi du học vào bất cứ hệ thống trường đại học quốc tế mà không mất thêm thời gian học dự bị.

“Điều tôi mừng nhất là các con từ THCS đến THPT đều rất tự tin khi hòa nhập, học tập như những học sinh nước bạn tại các trường phổ thông ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, New Zealand, Mỹ, Đan Mạch… theo chương trình trao đổi học sinh, giáo viên của trường Nguyễn Siêu với các đối tác. Tiếng Anh đang dần trở thành ngôn ngữ thứ hai của nhà trường khi được mở rộng ra ngoài lớp học, trong giao tiếp hàng ngày” - thầy Vĩnh tâm sự.

“Ngoài 80 tuổi, cứ dùng lương hưu thì vợ chồng già chúng tôi cũng đủ sống. Nhưng ngôi trường mơ ước với 25 năm tâm huyết của tôi và người bạn đời cùng các đồng nghiệp phải được tiếp tục phát triển để đào tạo học sinh trở thành những công dân có tri thức, có sức khỏe chủ động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, hội nhập quốc tế”.

Đây là lý do khiến NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến ở độ tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi từ lâu. Đó cũng chính là lý do mà ông được bình chọn là một trong những cá nhân xuất sắc nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016.  

 

  • Vinh Hương (PV báo An ninh Thủ đô)