Năm chiến dịch bảo vệ môi trường sáng tạo trên nền tảng online hướng đến các bạn trẻ, giúp cho việc bảo vệ môi trường trong thời đại 4.0 thực sự trở thành một nếp sống, chứ không chỉ là trào lưu nhất thời.
Bảo vệ môi trường không phải là một chủ đề mới, song lúc nào cũng là một trong những chủ đề được quan tâm nhất. Đặc biệt, đối tượng cần hành động là giới trẻ, do môi trường chính là nền tảng có tác động trực tiếp đến quá trình kiến tạo tương lai của họ.
Trong tình thế nhu cầu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cấp thiết, việc tận dụng tốt công nghệ và nền tảng online là một điểm tối ưu cho những chiến dịch tuyên truyền hướng đến nhóm tuổi Millennials (16-30 tuổi) — với 2,2 giờ sử dụng điện thoại mỗi ngày trong đó hơn một nửa là dành cho mạng xã hội
Trong bài viết này, Vietcetera xin giới thiệu 5 chiến dịch bảo vệ môi trường sáng tạo trên nền tảng online hướng đến các bạn trẻ. Những cái tên sau đây sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường trong thời đại 4.0 thực sự trở thành một nếp sống, chứ không chỉ là trào lưu nhất thời.
1. Loài Plastic
Loài Plastic là một sản phẩm hợp tác giữa ba nhân vật nổi trội của thế hệ Z: Giám đốc Sáng tạo và Nghệ thuật Maxk Nguyễn (Saigon Emoji, Sài Gòn Có Mưa), nhà văn Iris Cao (tác giả của “Ai rồi cũng khác”, “Mình sinh ra đâu phải để buồn”), Hoàng Người Đá (Senior Creative Designer, VNG Corp).
Loài Plastic là một trong những chiến dịch tuyên truyền về việc giảm thiểu rác thải nhựa gây tiếng vang bởi cách tiếp cận sáng tạo và đa dạng.
Chiến dịch đã chọn cách điểm mặt các dạng tồn tại của nhựa bằng việc hình tượng hóa thành thực thể, mang đầy đủ đặc điểm như một sinh vật. Giao diện website được thiết kế nổi bật hút mắt, từng “loài plastic” được minh họa cụ thể và sống động, khiến cho việc nhận biết các loại nhựa trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Có ai ngờ rằng, một cây ráy tai bé xíu lại cần đến 500 năm để phân hủy?
Việc đa dạng hình thức tuyên truyền cũng là một điểm cộng với “Loài Plastic”. Ngoài website ấn tượng, chiến dịch còn có hoạt động chụp ảnh “Truy lùng loài Plastic” hợp tác với Zalo, và cuộc thi thiết kế và làm phim ngắn “Loài Plastic – Creative Contest” hợp tác với Arena Multimedia để kêu gọi mọi người cân nhắc việc sử dụng nhựa. Những hoạt động trên không chỉ kích thích nhiệt huyết sáng tạo mà còn đánh vào sở thích chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội của giới trẻ.
Website | Facebook | Instagram
2. Nghiệp nhựa
“Nghiệp” đang là một từ được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng mạng gần đây. Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi Trường và Phát Triển (CHANGE) đã khéo léo nắm bắt xu hướng này và cho ra mắt chiến dịch ‘Nghiệp nhựa’.
“Nghiệp nhựa” được các bạn trẻ đón nhận nhờ khéo léo nắm bắt xu hướng của giới trẻ để lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại của nhựa.
Với thông điệp “Sử dụng nhựa là tạo nghiệp, còn hậu quả của nhựa mà bạn phải hứng chịu là bị nghiệp quật”, chiến dịch đã cảnh báo mọi người về tác hại của nhựa, đồng thời khuyến khích việc hạn chế và loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần.
Đặc biệt, ‘Nghiệp nhựa’ còn cung cấp một trải nghiệm bảo vệ môi trường dành riêng cho bạn bằng “Bài test nghiệp nhựa”. Kết quả của bài test sẽ giúp bạn đánh giá mức độ sử dụng nhựa hiện tại, đồng thời gợi ý về những phương pháp hạn chế nhựa thực tế và phù hợp với bạn qua các “Gói giải nghiệp” và “Sản phẩm giải nghiệp” thay thế nhựa sử dụng một lần.
Với nội dung “bắt trend”, hài hước cùng thẩm mỹ độc đáo, ‘Nghiệp nhựa’ khiến việc bảo vệ môi trường không còn nặng tính hô hào khô khan nữa mà trở nên trẻ trung và gần gũi hơn nhiều.
3. Run For Trees
UpRace là ứng dụng chạy bộ đo lại quãng đường đã chạy của người sử dụng và quy đổi ra tiền để đóng góp cho các tổ chức xã hội. Vừa qua, UpRace đã cùng với GreenViet và Saigon Compass tổ chức sự kiện ‘Run For Trees’ với mục tiêu “1 triệu cây xanh cho không khí sạch”.
“Run For Tree” là chiến dịch hướng đến những bạn trẻ năng động, có ý thức rèn luyện thể lực lẫn ý thức bảo vệ môi trường.
Mỗi kilomet tương đương 1000 đồng, quãng đường chạy của bạn càng nhiều thì số tiền bạn đóng góp càng lớn. Qua sự kiện này, họ mong muốn nâng cao ý thức rèn luyện thân thể của mỗi cá nhân, đồng thời tận dụng cơ hội để xây dựng môi trường sống xanh hơn.
Theo thời gian, ý thức thể dục thể thao của giới trẻ đang dần tốt lên do cuộc sống cạnh tranh cao độ đòi hỏi thể lực tốt để học tập và rèn luyện. Giờ đây tập luyện thể lực không chỉ dừng ở mức khỏe cho bản thân mà còn “khỏe” cho cả môi trường và cộng đồng.
4. Ecosia
Vừa qua, sự kiện cháy rừng Amazon thực sự làm cho dư luận thế giới nóng lên. Hashtag #PrayforAmazonia đạt 263k bài viết trên Instagram. Lượt tìm kiếm trên Google cho từ khóa “rừng mưa Amazon” đã chạm mốc tối đa vào tuần thứ 3, tháng 8/2019. Theo dòng sự kiện, có rất nhiều lời kêu gọi giới trẻ hãy cứu lấy Amazon bằng những hoạt động thiết thực, trong đó có việc sử dụng Ecosia.
Vừa là một công cụ tiện ích hàng ngày, lại vừa giúp ích cho môi trường, tại sao không?
Ecosia là một công cụ tìm kiếm sử dụng trên 80% lợi nhuận thu được từ quảng cáo để trồng cây. Trung bình 45 lượt tìm kiếm sẽ trồng được 1 cây xanh, và hiện giờ cứ 0.8 giây lại có một cây xanh được trồng nhờ số lượng truy cập ngày càng tăng. Với lượng truy cập đầy khả quan như vậy, Ecosia đang là công cụ được nhiều người dùng gửi gắm để thực hiện sứ mệnh phát triển những cánh rừng xanh.
Website | Facebook | Instagram
5. Forest: Stay Focused
Thật khó để tập trung trong thời đại công nghệ ngày nay khi có quá nhiều thiết bị điện tử vây quanh ta – đặc biệt là điện thoại di động. Đó là lý do mà các nhà phát triển của Seekrtech cho ra đời “Forest: Stay Focused” – một ứng dụng hỗ trợ tập trung được truyền cảm hứng từ vấn đề môi trường.
Ứng dụng cho phép bạn vừa tập trung vào công việc vừa đóng góp cho môi trường đồng thời lan toả hành động tích cực này đến những người xung quanh.
Cụ thể, bạn sẽ thiết lập một khoảng thời gian cần tập trung vào công việc. Một hạt giống “ảo” sẽ được gieo xuống khi bạn bắt đầu hẹn giờ, và trong thời gian bạn làm việc một cái cây sẽ dần lớn lên. Nếu bạn sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian được hẹn, lần đầu bạn sẽ bị cảnh báo, đến lần hai thì cái cây đang trồng sẽ chết.
Khi một cái cây trưởng thành thành công, bạn sẽ được thưởng xu. Bạn có thể dùng xu này để đóng góp trồng cây ngoài thực tế ở vùng hạ Sahara, châu Phi. Bạn có thể tạo nhóm rủ bạn bè, gia đình cùng cải thiện sự tập trung và đóng góp cho môi trường. Vừa tập trung làm việc hiệu quả, vừa phủ xanh Trái Đất, tại sao không?
(Theo Vietcetera)