Bận quá thì "cứu thế giới" như thế nào đây? Đây là 28 cách sống xanh dành cho những người bận rộn, từ dễ nhất đến khó nhất.
Biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, rất nhiều bạn trẻ đang theo đuổi lối sống bền vững để phần nào giảm gánh nặng lên môi trường. Tuy nhiên, họ gặp không ít khó khăn vì lối sống bền vững nhìn chung tốn thời gian và tiền bạc hơn.
Vậy nếu không thể thay đổi lối sống của mình hoàn toàn, đâu là những thứ đơn giản nhất bạn có thể làm cho trái đất? Cùng Vietcetera điểm qua 28 tips sống xanh được truyền cảm hứng bởi phong trào “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất trong 100 ngày” bởi Nhà bảo tồn động vật hoang dã Nguyễn Thị Thu Trang.
1. Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Cách tốt nhất để tiết kiệm nước chính là tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey), để làm đầy một bồn tắm, trung bình ta mất khoảng 36 gallon, tương đương 136 lít nước; trong khi vòi sen chỉ tốn khoảng 5 gallon, tương đương 18 lít nước trong một phút. Nếu bạn lắp đặt loại vòi sen có dòng chảy nhỏ, bạn sẽ dùng không quá 7 lít nước trong một phút. Như vậy tắm 10 phút bằng vòi hoa sen, bạn chỉ mất khoảng 70 lít nước.
Làm như thế nào?
Khi gội đầu hay dùng xà phòng, bạn hãy tắt vòi sen để tránh lãng phí nước, và cố gắng không tắm quá lâu. Trong khi tắm bằng vòi sen, bạn có thể đặt một chậu bên cạnh hứng nước thừa, dùng để lau nhà, tưới cây, hoặc xả bồn cầu.
2. Mang túi vải khi đi chợ hoặc mua sắm
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Khi đi chợ hoặc mua sắm, nhiều người thường đựng sản phẩm trong túi nhựa. Có thể bạn chưa biết, nhựa mất từ 10 đến 100 năm để phân hủy. Chúng không có khả năng phân hủy sinh học mà sẽ vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ trôi nổi trên đại dương, và chỉ có thể bị phân hủy bằng ánh sáng mặt trời qua nhiều thế kỷ. Vì vậy, để giảm số lượng nhựa thải ra môi trường, ta cần hạn chế dùng chúng trong sinh hoạt.
Làm như thế nào?
Mang một túi vải mỏng, loại có thể gấp gọn, để trong cốp xe hoặc túi xách tay để tiện dùng khi mua sắm.
3. Sử dụng xơ mướp rửa chén thay vì mút rửa chén
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Mút rửa chén là một trong những sản phẩm nhựa gốc dầu, gần như không thể tái chế và phân hủy. Vì vậy bạn nên sử dụng những vật dụng bền vững hơn như xơ mướp, có thể phân hủy hoàn toàn một cách tự nhiên.
Làm như thế nào?
Hiện nay sản phẩm xơ mướp đã được bán rộng rãi ở các cửa hàng bán đồ thủ công, chăm sóc da hoặc trên trang điện tử như Tiki. Nếu khéo tay, bạn có thể tự làm ở nhà như sau:
Chọn quả mướp thật già, có vỏ dày hơi ngả vàng và hơi khô.
Lột vỏ. Dùng dao khía xung quanh vỏ mướp thành từng khoanh rồi bóc vỏ theo từng khoanh sao cho để lộ ra phần xơ bên trong.
Cắt hai đầu quả mướp rồi trút hết hạt bên trong, chỉ còn lại phần xơ.
Cho xơ mướp vào chậu nước lạnh rồi giặt sạch bằng nước, đến khi xơ trắng, không bị ngả màu thì đem phơi khô. Vậy là hoàn thành.
4. Thay màng bọc thực phẩm nhựa bằng màng bọc sáp ong
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Màng bọc thực phẩm đang bày bán ở siêu thị thường được làm từ nhựa PVC, là vật liệu không tái chế được, chứa nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe vì tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Vì vậy để bảo vệ môi trường và sức khỏe, bạn nên thay bằng màng bọc sáp ong, có thể giặt sạch đem tái sử dụng và phân hủy tự nhiên.
Làm như thế nào?
Hiện nay bạn có thể mua màng bọc sáp ong hoặc vải sáp ong tại các cửa hàng trên Shopee hoặc Lazada.
5. Sử dụng hộp dùng nhiều lần có nắp
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Hộp dùng nhiều lần có nắp, thường là hộp bằng thủy tinh, kim loại, có thể dùng để chứa đồ ăn đã nấu chín, hoặc đựng thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh. Khi sử dụng chúng, bạn sẽ giảm số lần dùng hộp nhựa hoặc màng bọc thực phẩm.
Làm như thế nào?
Vệ sinh và giữ lại chai, hộp của thực phẩm chế biến sẵn đã ăn hết, hoặc mua hộp thủy tinh của thương hiệu uy tín để thay thế hết hộp nhựa và màng bọc thực phẩm trong nhà.
6. Dùng cọ lau chùi bằng xơ dừa
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Thay vì dùng mút rửa chén, cây cọ ly bằng nhựa, bàn chải bằng nhựa, những thứ rất khó phân hủy, bạn nên dùng các sản phẩm lau chùi làm bằng vật liệu tự nhiên, dễ phân hủy như xơ dừa.
Làm như thế nào?
Hiện nay, các sản phẩm lau chùi bằng xơ dừa như bàn chải toilet, cọ chùi rửa đều có thể tìm mua ở các trang thương mại điện tử như Lazada hay Tiki.
7. Sử dụng khăn vải lau miệng thay vì khăn giấy
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Khăn giấy là một vật dụng tiện lợi không thể thiếu trên các bàn ăn hiện nay. Nhưng việc sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, vì giấy làm từ gỗ, nhu cầu tiêu dùng nhiều thì lượng sản xuất tăng, kéo theo nạn chặt phá rừng lấy gỗ cũng tăng theo. Vì vậy biện pháp thay thế là bạn mang theo khăn vải để lau miệng, vừa giúp giảm lượng tiêu thụ giấy, vừa có thể tái sử dụng, tốt cho môi trường.
Làm như thế nào?
Bạn hãy mang vài khăn tay, khăn vải để trong ví hoặc túi xách. Chuẩn bị thêm một chai nước nhỏ để làm ướt khăn khi lau vết bẩn trên miệng. Thời gian đầu khi thay đổi thói quen, bạn sẽ thấy hơi khó khăn và bất tiện. Nhưng một khi đã làm được rồi thì đó sẽ là một sự thay đổi vô cùng ý nghĩa với môi trường.
8. Mua trà theo cân, đựng trong hộp
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Túi trà là một trong những sản phẩm gây hại cho môi trường nhất mà mọi người ít để ý. Vì để làm ra túi trà, người ta sẽ tiêu tốn nhiều giấy, nước và nhựa – những nguyên liệu chiếm dụng nhiều tài nguyên môi trường.
Làm như thế nào?
Bạn nên mua trà theo cân, đựng trong hộp lọ và dùng túi lọc bằng vải để sử dụng nhiều lần.
9. Dùng bàn chải đánh răng bằng tre
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Bàn chải đánh răng thường làm bằng nhựa cứng và nylon, mất trên 500 năm mới phân hủy. Vì vậy, bạn nên thay thế bằng chất liệu có thể phân hủy trong tự nhiên như bàn chải tre.
Làm như thế nào?
Hiện nay, bạn có thể mua bàn chải đánh răng bằng tre ở các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada hoặc cửa hàng làm đồ handmade.
10. Sử dụng cốc nguyệt san, tã vải
Độ khó: **
Tại sao nên làm?
Tã lót và băng vệ sinh làm từ chất liệu Polypropylene (PP), mất từ 250 đến 500 năm để phân hủy. Hàng năm có đến 20 tỷ chiếc tã lót thải ra ngoài môi trường. Và băng vệ sinh, tampon đang tạo ra 200.000 tấn rác thải mỗi năm. Để giảm thiếu số lượng khủng khiếp đó, bạn nên dùng các sản phẩm vệ sinh có thể tái sử dụng như thay thế băng vệ sinh bằng cốc nguyệt san, tã giấy bằng tã vải.
Làm như thế nào?
Hiện nay đã có rất nhiều chị em phụ nữ chuyển sang dùng cốc nguyệt san thay cho băng vệ sinh và tampon. Vì ngoài bảo vệ môi trường, sản phẩm rất tiện dụng và thoải mái, không lo tràn ra ngoài. Bạn nên mua sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, chất liệu làm từ Silicone cao cấp để tránh tình trạng dùng hàng kém chất lượng, gây dị ứng.
Đối với tã vải cho bé cũng vậy. Ban đầu bạn sẽ mệt mỏi vì tốn thời gian giặt tã vải mỗi ngày để thay cho bé. Nhưng về lâu về dài thì rất có lợi vì có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm hơn so với tã giấy, lại thân thiện với môi trường. Bé dùng tã vải sẽ học cách tự đi vệ sinh nhanh hơn do dễ cảm nhận được khi nào tã bẩn.
11. Sử dụng bánh xà phòng từ nguyên liệu tự nhiên
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Sữa tắm có nhiều hóa chất gây hại cho môi trường như hạt vi nhựa, lại đựng trong chai nhựa. Vì vậy bạn nên thế sữa tắm bằng xà phòng handmade từ nguyên liệu tự nhiên như hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt cà phê, bồ hòn, có thể phân hủy tự nhiên.
Làm như thế nào?
Bạn có thể mua xà phòng từ các cửa hàng làm đồ handmade hoặc bạn có thể tham khảo các công thức làm xà phòng đơn giản tại nhà trên mạng.
12. Sử dụng bông tắm xơ mướp
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Bông tắm làm bằng polyester gây hại cho môi trường và khả năng phân hủy tự nhiên thấp. Bạn nên sử dụng bông tắm làm bằng xơ mướp, nguyên liệu an toàn với môi trường hơn và hiệu quả làm sạch cũng không thua gì bông tắm bằng nhựa.
Làm như thế nào?
Cũng như các sản phẩm làm từ vật liệu tự nhiên khác, bạn có thể mua bông tắm xơ mướp dễ dàng trên Tiki hoặc các cửa hàng bán đồ thủ công.
13. Ăn vừa đủ, không để thừa
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Thức ăn thừa cũng góp phần tăng lượng rác thải cho môi trường. Vì vậy bạn nên ăn đủ no, không nấu quá nhiều để vừa tiết kiệm chi tiêu vừa giảm thiểu rác thải.
Làm như thế nào?
Bạn nên lên kế hoạch ăn uống cho từng tuần. Trước khi đi chợ, bạn ước lượng lượng thực phẩm cần mua sao cho hợp với khẩu phần ăn trong ngày.
14. Rút thiết bị điện khi không sử dụng
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Thiết bị điện dù không sử dụng vẫn tiêu tốn một nguồn năng lượng đáng kể.
Làm như thế nào?
Khi không sử dụng hoặc cần ra ngoài, bạn nên rút hết thiết bị điện, vừa tiết kiệm năng lượng vừa đề phòng cháy nổ hỏa hoạn.
15. Sử dụng sữa hạt thay vì sữa động vật
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Ngành công nghiệp sữa đã và đang góp phần làm tăng chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Hơn nữa chất thải từ ngành chăn nuôi cũng đang làm ô nhiễm môi trường và tác động đến sức khỏe con người. Chất thải đổ trực tiếp vào sông ngòi chưa qua xử lý, khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, rừng bị phá hủy làm nơi chăn nuôi.
Như vậy, không uống sữa động vật sẽ góp phần giảm nhu cầu sản xuất của ngành công nghiệp sữa và ngành chăn nuôi. Thay vào đó, bạn nên uống sữa hạt vừa tốt cho sức khỏe vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Làm như thế nào?
Bạn có thể mua sữa hạt tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm, kênh bán hàng online như Tiki hoặc tự làm tại nhà bằng các công thức đơn giản có sẵn trên mạng.
16. Không thả bóng bay vào dịp lễ tết
Độ khó: *
Tại sao nên làm?
Bóng bay khi bay đến một tầng không khí sẽ nổ và rơi xuống mặt đất hoặc sông suối. Thả bóng bay chẳng khác nào phi một nắm rác thải lên bầu trời!
17. Không mua sản phẩm có màng bọc trong siêu thị
Độ khó: **
Tại sao nên làm?
Những thực phẩm được sơ chế sẵn trong siêu thị như rau củ quả rất tiện lợi cho người bận rộn, không có nhiều thời gian nấu nướng. Nhưng sự tiện lợi này vô tình làm tăng lượng rác thải nhựa không cần thiết ra môi trường. Vì vậy, dù phải mất thời gian sơ chế, bù lại bạn đã góp một tay vào hàng triệu cánh tay khác cứu giúp Trái đất.
Làm như thế nào?
Chọn mua những loại quả được để trên sạp thay vì trong màng bọc. Mang túi vải đi để tiện cân và đựng mang về. Cho ban quản lý siêu thị biết rằng việc bọc hoa quả cứng, có vỏ trong màng bọc nhựa và khay xốp là một điều ngớ ngẩn.
18. Sử dụng công cụ tìm kiếm Ecosia thay Google
Độ khó: **
Tại sao nên làm?
Một ý tưởng độc đáo vì môi trường, Ecosia là công cụ tìm kiếm tương tự Google nhưng công ty này sử dụng lợi nhuận vào việc cung cấp quỹ cho các dự án trồng cây trên khắp thế giới. Họ công khai công bố lợi nhuận và báo cáo cung cấp kinh phí cho các dự án. Nên mỗi một lượt tìm kiếm trên Ecosia là bạn đã góp phần vào quỹ cho dự án làm hành tinh này thêm xanh.
Làm như thế nào?
Điểm hạn chế ở Ecosia là dữ liệu không đa dạng bằng Google. Nên cách tốt nhất là bạn hãy sử dụng song song cả Ecosia và Google. Chỉ khi nào cái bạn muốn tra cứu ở Ecosia không có thì bạn chuyển qua Google.
19. Mang bộ dụng cụ ăn uống thân thiện với môi trường
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Khi mua đồ ăn mang về, người bán thường đựng thức ăn trong hộp nhựa kèm muỗng nhựa, đũa gỗ sử dụng một lần. Hộp nhựa mất từ 50 đến 80 năm mới phân hủy hoàn toàn (theo Oceana), muỗng nĩa nhựa làm từ polystyrene mất khoảng 100 năm để phân hủy.
Làm như thế nào?
Nếu nhà có sẵn thìa đũa, bạn có thể tự gói một bộ dụng cụ vào khăn vải. Điểm hạn chế là mang đi khá cồng kềnh và không phải lúc nào bạn cũng nhớ mà mang theo. Nhưng để thực hiện lối sống xanh, bạn cần tập thành thói quen dần dần, luôn mang theo dụng cụ ăn uống trước khi ra khỏi nhà.
20. Tự mang ly hoặc bình nước cá nhân khi mua đồ uống
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Các đồ uống ở cửa hàng đều đựng trong ly nhựa kèm ống hút nhựa và bọc trong túi nhựa. Combo này đủ sức tàn phá môi trường bởi độ khó phân hủy của nó. Ví dụ như ống hút nhựa mất 200 năm mới biến mất, túi nhựa để phân hủy cần 200 đến 1000 năm (theo Oceana).
Làm như thế nào?
Khi mua đồ uống, bạn mang theo ly hoặc bình nước cá nhân, không sử dụng ống hút nhựa. Nếu cần, bạn mang thêm ống hút inox hoặc tre, mía. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ vì bình nước khá cồng kềnh, và sẽ có lúc bạn đang đi trên đường bỗng muốn tạt ngang mua cà phê mà không mang theo bình.
21. Thay nước rửa chén bằng nước rửa hữu cơ
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Nước rửa chén công nghiệp chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe con người và môi trường, đồng thời đựng trong chai nhựa. Bạn nên thay bằng nước rửa hữu cơ bằng vỏ rau củ quả hoặc tự làm nước rửa bằng baking soda, chanh, vỏ cam, vỏ bưởi, trái bồ hòn… Tuy hiệu quả kinh tế không cao do nước rửa tự nhiên tạo ít bọt, không mang cảm giác sạch nên bạn sẽ có xu hướng dùng nhiều hơn. Bù lại nước không chứa chất hóa học, an toàn cho sức khỏe, lại không gây hại đến môi trường.
Làm như thế nào?
Để làm nước rửa chén từ nguyên liệu tự nhiên thì có nhiều công thức. Dưới đây là một công thức làm từ vỏ cam của hai em học sinh THPT đã đạt giải nhì cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” năm 2018 do báo Khoa học và Đời sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội bảo vệ Thiên nhiên môi trường tổ chức hằng năm từ năm 2004:
Lấy 20gr vỏ cam khô, cắt thành miếng vừa phải, hòa với nửa lít nước rồi cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn thành dạng nhão.
Cho 15ml rượu cồn vào hỗn hợp, trộn đều rồi cho vào chai. Hỗn hợp này có tác dụng giống nước rửa, có thể tẩy sạch các vết ố bẩn, dầu mỡ trên chén đĩa và thoảng mùi thơm từ vỏ cam.
22. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Những người bận rộn thường không có thời gian nấu nướng. Họ chọn mua thức ăn chế biến sẵn ở siêu thị hoặc hàng quán ngoài đường. Món ăn thường được đựng trong hộp nhựa, cùng dao thìa nhựa, đũa gỗ sử dụng một lần, rồi bọc trong túi nhựa. Như vậy chúng ta đã thải ra rất nhiều rác nhựa khó phân hủy ra môi trường trong một bữa ăn.
Hơn nữa thức ăn chế biến sẵn cũng không tốt cho sức khỏe vì chúng chứa các chất bảo quản, chất tạo màu, chất phụ gia, cũng như không đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Làm như thế nào?
Đơn giản hóa bữa ăn để tối ưu thời gian nấu nướng. Thay vì xào nấu cầu kỳ, nhiều gia vị, bạn có thể thử các món hấp nồi cơm điện hoặc xà lách, yến mạch trộn hoa quả… Tự nấu ăn ở nhà vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đảm bảo an toàn sức khỏe.
23. Giảm ăn thịt
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Ô nhiễm từ ngành chăn nuôi đang có tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người như đã nói ở mục uống sữa hạt thay vì sữa động vật. Vì vậy, việc giảm ăn thịt sẽ giúp lượng sản xuất ở ngành công nghiệp chăn nuôi giảm dần, môi trường đỡ bị ô nhiễm đi.
Làm như thế nào?
Thay đổi thói quen ăn uống không phải là chuyện một sớm một chiều. Bạn có thể cắt giảm từ từ lượng thịt trong khẩu phần ăn tùy thuộc vào thể trạng của mình, cho đến khi cơ thể thích ứng với chế độ ăn ít thịt. Ngoài ra, để tránh tình trạng thiếu hụt protein và các dưỡng chất, bạn nên thêm vào bữa ăn một số thực phẩm dùng để thay thế thịt, như đậu phụ, ngũ cốc, đậu Hà Lan, rau có màu xanh đậm…
24. Hạn chế mua sắm quá đà
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Càng mua sắm nhiều, chúng ta càng tiêu thụ nhiều, đồng nghĩa với việc lượng rác thải vứt ra môi trường cũng tăng lên. Tái chế đồ cũ chỉ nên đi sau việc giảm mức tiêu thụ.
Làm như thế nào?
Lên danh sách những thứ mình cần mua trước khi đi siêu thị, và kiểm tra những đồ mình có sẵn ở nhà xem mình có thật sự cần mua đồ mới không. Nếu đứng trước món đồ đẹp nhưng có vẻ không cần thiết, bạn có thể tham khảo mẹo 72 giờ.
25. Không dùng sản phẩm biến đổi gen (GMOs)
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Học viện American Academy of Environmental Medicine (AAEM) ở Mỹ khuyên người dân không tiêu thụ bất cứ sản phẩm biến đổi gen nào vì nó có thể gây ra những vấn đề lâu dài cho sức khỏe con người. Không chỉ vậy, sản phẩm biến đổi gen còn làm ảnh hưởng đến môi trường và thiên nhiên. Chúng thường có hàm lượng thuốc diệt cỏ cao hơn bình thường.
Làm như thế nào?
Bạn hãy lựa chọn các thực phẩm hữu cơ hoặc không có nguồn gốc biến đổi gen. Giá cả có thể đắt hơn so với thực phẩm thông thường nhưng đây là biện pháp giúp bạn bảo vệ sức khỏe và môi trường về lâu về dài.
26. Không sử dụng sản phẩm chứa dầu cọ
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Dầu cọ có nhiều trong các loại thực phẩm như bơ đậu phộng, bánh quy, bỏng ngô hay mỹ phẩm (kem dưỡng, dầu gội). Nhưng để có đủ nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp dầu cọ, chính phủ Malaysia và Indonesia đã thẳng tay phá rừng để trồng cây dầu cọ.
Rừng cọ không có giá trị sinh học, cũng không cung cấp nơi sống hay nguồn thức ăn cho động vật hoang dã. Chính vì người dân phá rừng để trồng cây cọ mà nhiều động vật hoang dã đã mất đi môi trường sống, bị giết hoặc chết cháy.
Làm như thế nào?
Hiện nay đã có một vài tổ chức đứng ra cung cấp giấy chứng nhận khai thác dầu cọ bền vững (RSPO). Vì vậy bạn nên hạn chế mua sản phẩm có dầu cọ hoặc chỉ mua sản phẩm có dầu cọ được khai thác từ nhóm RSPO.
27. Không dùng mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Hạt vi nhựa có trong sữa rửa mặt, kem đánh răng khi rửa trôi thẳng xuống cống, ra sông hồ ao biển thì sẽ làm tăng khối lượng nhựa và làm ô nhiễm đại dương. Đây đã trở thành vấn nạn toàn cầu do hạt vi nhựa có kích thước nhỏ, dễ đi vào chuỗi thức ăn từ sinh vật phù du cho đến chim, ốc, cá và cuối cùng là con người. Hơn nữa hạt vi nhựa có thể hấp thụ các chất thải độc hại từ biển. Nên một khi con người ăn phải, chúng có khả năng gây ra ung thư và ảnh hưởng đến nội tạng con người.
Làm như thế nào?
Bạn không mua mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa. Nó thường được biểu thị bằng những cái tên trong mục thành phần của sản phẩm như sau: Polyethylene, Polypropylene, Polyethylene terephthalate, Poly(methyl methacrylate), Polystyrene, Axit polylactic (PLA).
28. Quyên góp hoặc tái chế quần áo cũ
Độ khó: ***
Tại sao nên làm?
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới. Để phục vụ cho nhu cầu mặc đẹp ngày càng nhiều của con người, các nhà máy sản xuất hoạt động với công suất lớn, phát ra nhiều khí thải độc hại cho môi trường. Nhiều nhà máy cũng đổ hóa chất chưa qua xử lý ra sông hồ, gây ô nhiễm môi trường nước trầm trọng. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư và các bệnh khác ở những hộ gia đình sống gần các con sông bị ô nhiễm, đặc biệt là gần nhà máy dệt, thường cao hơn so với những khu vực khác.
Vì vậy, để giảm tần suất sản xuất ở các nhà máy dệt, chúng ta cần giảm lượng tiêu thụ quần áo trong ngành thời trang.
Làm như thế nào?
Bạn đừng biến mình thành tín đồ cuồng shopping, chỉ nên mua quần áo phục vụ đủ nhu cầu cần thiết. Đối với những quần áo cũ, bạn có thể đem tặng lại hoặc quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu khéo tay, bạn có thể tái chế quần áo cũ thành vật dụng khác như làm áo phông thành tấm thảm chùi chân…
Thay đổi thói quen sống không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt với những người còn bận rộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhưng môi trường không còn là vấn đề của riêng một tổ chức nào mà đã trở thành vấn đề chung của toàn nhân loại. Bạn có thể từ từ chuyển sang lối sống không rác thải bằng cách áp dụng dần các tips sống xanh trong bài.
(Theo Vietcetera)