K12 về miền "Tứ Linh Ngũ Nhạc"

08:53 26/10/2017

Về với những giá trị lịch sử là về với ý thức rằng cây có cội, nước có nguồn, đất nước ta mang trong mình những con người lỗi lạc và vùng đất thanh tĩnh tuyệt vời, từ đó tiếp nhận được rất nhiều hiểu biết, kinh nghiệm, nếp sống văn hóa thuần từ của dân tộc Việt Nam.

Đã thành truyền thống, cứ độ tháng 10 hàng năm là học sinh Khối 12 Nguyễn Siêu lại lên đường hành hương về miền đất “tứ linh ngũ nhạc” Chí Linh (Hải Dương), lắng mình trong tiếng thông reo, nước chảy giữa trời xanh nắng ngọt với lòng tưởng nhớ các bậc tiên tổ anh linh.

Đại diện giáo viên và học sinh Khối 12 đã thành kính dâng nén hương - biểu tượng cho sự quý mến cội nguồn và tấm lòng ân nghĩa – lên Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ và lăng mộ nhà giáo Chu Văn An… 

Một chuyến đi cũng là nghi thức tâm linh có ý nghĩa quan trọng giúp cho các học sinh cuối cấp được tĩnh tâm dọn mình để tiếp nhận thêm năng lượng tích cực, nỗ lực rèn luyện mỗi ngày, chuẩn bị hành trang “vượt vũ môn” thành công. 

Những ngày đang tới sẽ là một ngọn đồi xanh mát thênh thang, màu nhiệm. Ta hãy cùng nhau leo lên ngọn đồi ấy trong niềm hân hoan, tay trong tay, mỗi bước chân đều nở hoa thảnh thơi và hạnh phúc.

*

Vùng đất Chí Linh được người xưa coi là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với thế đất “Lục thuỷ tứ linh”, sáu con sông giao hoà một mối gọi là Lục Đầu Giang. Bốn dãy núi trùng điệp xếp lại thành một bức tranh tuyệt hảo gọi là tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng. Nơi đây còn có dãy núi Phượng Hoàng bao gồm 72 ngọn, tượng trưng cho 72 con chim phượng hoàng tung cánh (Phượng Hoàng là biểu tượng cho trí tuệ và tài năng).

Côn Sơn thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương không chỉ là một danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam mà còn là nơi hội tụ các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Địa danh nổi tiếng này còn gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các bậc tiền nhân có công với đất nước.

CHÙA CÔN SƠN (hay còn gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun) là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Côn Sơn. Chùa này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng vào năm 1994. Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật. Cảnh đẹp Côn Sơn đã gợi nên cảm hứng để Nguyễn Trãi sáng tác nhiều bài thơ trong Quốc Âm thi tập:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm.

ĐỀN KIẾP BẠC: Vào thế kỷ 13, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sang thế kỷ 14, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc Việt, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.

ĐỀN THỜ CHU VĂN AN tọa lạc trong khu di tích Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là điểm đến tâm linh và truyền thống của rất nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước.

Chu Văn An (1292–1370) quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, Hà Nội (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tên thật của ông là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Ông được coi là "vạn thế sư biểu" tức "người thầy của muôn đời".

Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.

An Na