Hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018

14:46 08/11/2018

“Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là chủ đề của Ngày Pháp luật 9/11/2018.

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp gợi ý một số khẩu hiệu hưởng ứng như sau: 

1. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

2. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật

3. Tích cực tìm hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân

4. Thượng tôn pháp luật góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả

5. Cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật

6. Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh

*

Ngày 9/11 hàng năm được gọi là ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay gọi ngắn gọn là Ngày Pháp luật. Bắt đầu từ năm 2013, ngày Pháp luật được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam.

Đây là ngày trong năm để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ngày 09 tháng 11 chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành nên Việt Nam lấy đó làm Ngày Pháp luật.

Về cơ sở pháp lý, ngày pháp luật được quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Vào ngày 08 tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội, Hội đồng phổ biến giáo dục trung ương và Bộ Tư pháp tổ chức Lễ Công bố Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày pháp luật do đích thân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chính thức công bố.

***

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Người từng viết trong “An Nam yêu cầu ca” (1920): “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ngày 20/9/1945 thành lập Ban dự thảo Hiến pháp. Tại phiên họp tháng 10/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam. Phát biểu trước Quốc hội, Người nhấn mạnh “Chính phủ sẽ cố gắng làm theo đúng 3 chính sách: dân sinh, dân quyền và dân tộc" trong thực hiện Hiến pháp 1946.

Theo tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian hiến pháp mới để chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với tinh thần thượng tôn pháp luật; mọi quyết định của Nhà nước đều phải minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật; Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ, tự do, quyền con người, quyền công dân; người dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được quyền làm những gì pháp luật không cấm, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đột phá hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Trên thực tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta ngày càng hoàn thiện, từng bước thực thi có hiệu quả và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân có sự chuyển biến khá cơ bản, toàn diện, hài hòa giữa quyền và trách nhiệm, bảo đảm thực thi của Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Chính phủ nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền hành pháp của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ hòa bình và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Tinh thần thượng tôn pháp luật và năng lực vận động Nhân dân chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức có những chuyển biến tích cực. Người dân có ý thức pháp luật cao hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình; các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Từ những kết quả bước đầu này, có thể khẳng định, Ngày Pháp luật đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành một sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời cũng đã góp phần xây dựng hình ảnh Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ, quyền tự do của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển...

(TRÍCH LƯỢC PHÁT BIỂU CỦA NGUYÊN THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG)