GÓC CHUYÊN MÔN: BI – HÀI KỊCH LƯU QUANG VŨ TRONG “BỆNH SĨ”

08:12 30/08/2024

Sáng ngày 29/8/2024, hơn 250 học sinh khối 8 và khối 9 trường THCS và THPT Nguyễn Siêu đã được sống cùng vở kịch “Bệnh sĩ” do các nghệ sĩ nhà hát Kịch Việt Nam diễn xuất tại rạp Đại Nam (phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Buổi học tập trải nghiệm đã để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với các bạn học sinh bởi vì đây là tiết học tập đầu tiên tại nhà hát.

Trong chương trình môn Ngữ văn lớp 8 và lớp 9, học sinh được đọc hiểu văn bản hài kịch và bi kịch. Bên cạnh việc rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, học sinh được rèn luyện kĩ năng viết, nói và nghe về một hiện tượng trong đời sống, hiện tượng đó có thể được đặt ra từ tác phẩm văn học, tác phẩm kịch.

Những tình tiết đắt giá của vở kịch được tái hiện xuất sắc qua các vai diễn Văn Sửu, Toàn Nha, cô Nhàn, ông Độp và cặp đôi bạn trẻ Nhàn - Hưng...

Khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản kịch, yêu cầu cần đạt của bài học là học sinh nhận biết được một số yếu tố hình thức (xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại, thủ pháp trào phúng,...) và nội dung (đề tài, chủ đề; ý nghĩa; tình cảm, thái độ của tác giả;...) của hài kịch; nhận biết và phân tích được một số yếu tố quan trọng (cốt truyện, xung đột, nhân vật, lời người kể chuyện, … và đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả, …) trong các văn bản bi kịch. Dạy học sinh đọc hiểu văn bản, giáo viên cần hướng dẫn các em hiểu được nội dung, phân tích được những nét đặc trưng về nghệ thuật của thể loại, từ đó chỉ ra ý nghĩa của tác phẩm, những điều nhà văn nhắn nhủ, gửi gắm tới cuộc đời phía sau trang viết, đồng thời thấy được cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ.

“Bệnh sĩ” - “căn bệnh thế kỉ” gây ra biết bao rắc rối và hệ lụy đã được cố nghệ sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sáng tạo thành tác phẩm kịch hài hước mà thấm thía, sâu sắc. Bối cảnh của vở kịch là hình ảnh làng quê Cà Hạ trong công cuộc đổi mới. Chủ tịch xã Cà Hạ là ông Toàn Nha – một người có quyết định táo bạo và quyết liệt trong công cuộc đổi mới. Ông quyết tâm làm thay đổi đời sống của nhân dân, bộ mặt của làng xã bắt đầu từ sự thay tên đổi tên xã Cà Hạ thành Hùng Tâm. Ông còn "phong chức" cho những người nông dân mộc mạc, chân chất với những cái danh thật kêu: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Đội trưởng Xây dựng kiến thiết, Chủ nhiệm Công ty Dịch vụ, Chủ nhiệm Trung tâm Xay xát, ... nhằm thực hiện quyết tâm "phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân Việt Nam đều mơ ước là dân xã Hùng Tâm".

Khát khao đổi mới là điều tích cực tuy nhiên những đổi mới trong chủ trương của chủ tịch xã Toàn Nha không bắt nguồn từ thực tế đời sống của nhân dân, từ cơ sở hạ tầng của xã Cà Hạ. Chính vì thế ông đưa ra những quyết định có vẻ táo bạo nhưng thực chất là ảo tưởng. Ông bắt buộc nhân dân tập trung vào ba mũi tiến công là sản xuất pháo, chăn nuôi lợn và thu mua lông gà lông vịt. Vì thế cuộc sống của người dân đi vào thiếu thốn, sản xuất không hiệu quả, báo cáo và thực tế khác xa nhau.

Đỉnh điểm của vở kịch là sự háo danh xuất hiện trong chuyện tình yêu của cô Nhàn – con gái chủ tịch xã Toàn Nha và anh Hưng – cháu ruột của ông Độp. “Bệnh sĩ” của cha chú suýt chút nữa chia cắt tình cảm trong sáng của hai bạn trẻ - những người thanh niên có hoài bão, có ước mơ, có quyết tâm học tập và nghiên cứu để trở thành những công dân hữu ích.

Cô trò Nguyễn Siêu hào hứng thưởng thức vở kịch và giao lưu cùng NSND Xuân Bắc và dàn diễn viên nhà hát Kịch Việt Nam

Trên trang báo Người lao động, tác giả Huỳnh Trọng Khang đã viết:“Cái “Bệnh sĩ” ở thời kỳ bao cấp khác với “Bệnh sĩ” với hiện tại hôm nay, nhưng tư tưởng xuyên suốt của tác phẩm thì không bao giờ cũ”. Quả thật, vở kịch “Bệnh sĩ” nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống và làm việc với sự chủ động và trách nhiệm, hãy tránh xa bệnh “háo danh” và “thành tích” để những đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi tập thể là hoa thơm, trái ngọt cho cuộc đời.

Ngày 29/8/1988, cố nghệ sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ qua đời. Cũng ngày này sau 36 năm, cán bộ, giáo viên và các con học sinh khối 8, khối 9 trường Nguyễn Siêu được xem vở kịch “Bệnh sĩ” của ông – vở kịch cuối cùng của cuộc đời người nghệ sĩ tài năng, người biết dùng tiếng cười hài hước để châm biếm thói hư, tật xấu trong cuộc sống, người có tấm lòng luôn hướng đến cái đẹp, cái cao cả.

Xin được nói lời tri ân sâu sắc tới tác giả Lưu Quang Vũ, xin được nói lời cảm ơn chân thành tới các nghệ sĩ nhà hát Kịch Việt Nam đã đem đến một thông điệp ý nghĩa cho các con học sinh.