CUỐN SÁCH CỦA TÔI: TRÍCH ĐOẠN HAY VỀ NGÀY KHAI GIẢNG

15:42 06/09/2022

Quý bạn đọc thân mến, vậy là chúng ta đã cùng nhau đón chào năm học mới bằng một lễ khai giảng ý nghĩa với thật nhiều cảm xúc riêng khó tả. Nhân dịp này, thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc ba cuốn sách hay - ““Tôi sẽ bay” (Phan Đức Lộc), “Những tấm lòng cao cả” (Edmondo De Amicis) và “Quê nội” (Võ Quảng). Hãy cùng nhau đến với những trích đoạn nổi bật về ngày khai giảng được trích từ ba tác phẩm trên, các bạn nhé!

Đoạn trích trong cuốn sách “Tôi sẽ bay” – Tác giả Phan Đức Lộc

Đó là một buổi sáng để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng tôi - buổi sáng đầu tiên tôi vào lớp Một!
Sáng hôm ấy, trời đổ mưa tầm tã. Khi tôi thức dậy thì đã thấy cái dáng gầy mảnh của ngoại lom khom luộc khoai dưới chái bếp. Ngước nhìn qua ô cửa sổ, thấy từng đợt mưa rào mịt mùng giăng trắng ngoài không gian. Có một cảm giác lo lắng trào lên nơi lồng ngực tôi. Bởi lẽ trong tâm tưởng hãy còn thơ non ngày ấy, tôi nghĩ rằng, có thể tôi sẽ không tới trường được vì trời mưa to. Bất chợt, giọng nói hiền từ và ấm áp của ngoại cắt ngang dòng suy nghĩ bộn bề trong tôi: “Chuẩn bị rửa mặt, đánh răng rồi ăn sáng để còn tới trường kẻo muộn cháu ơi”. Tôi nhìn những miền mưa rơi hoài không dứt, thẫn thờ: “Nhưng ngoại ơi, trời mưa thế này thì…”. Ngoại trấn an tôi: “Trời sẽ tạnh mưa thôi cháu à”. Tôi chạy đến bên bàn học mở chiếc cặp cũ được truyền lại từ chị tôi để kiếm tra lại hành trang, mùi vở mới bung ra thơm nức. Chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ được đặt nét bút đầu tiên lên trang giấy trắng. Lòng tôi vui hơn cả lúc được cho quà.
Trời chưa ngớt mưa mà giờ vào lớp đã sắp đến. Mưa giăng màn trước mái hiên, tong tỏng. Tôi nóng ruột lắm, chốc chốc cứ chạy ra chạy vào làm nền nhà ướt rượt. Không thể chờ đợi thời tiết được nữa, ngoại mặc áo tơi cõng tôi tới trường. Ngày đó, đường từ nhà tôi tới trường là con đường đất đỏ quanh co. Mưa xuống, đường lầy lội, bùn ngập ngang mắt cá chân. Tôi áp má trên vai ngoại, nghe rõ từng tiếng ngoại thở đều đều hòa lẫn trong tiếng mưa tí tách mà mủi lòng thương thương ngoại quá. Trời đã mưa lại kèm theo gió mạnh. Gió cuồng nộ tốc ngược về phía ngoại cháu tôi. Ngoại bấm ngón chân xuống đất thật chặt mà tôi thấy lưng người bị đẩy về phía sau như chực ngã. Vì nợ nần túng quẫn, bố mẹ tôi phải vào miền Nam lập nghiệp. Từ bấy đến nay, tôi lớn lên trong sự bao bọc, chở che và thương yêu của ngoại. Và cái ngày đầu tiên tôi vào lớp Một, ngoại cũng chính là người nâng đỡ, dìu dắt những bước đi đầu đời của tôi…
Thỉnh thoảng, sợ tôi bị ướt, ngoại kéo áo tơi xuống sát lưng tôi hơn để mưa đỡ tạt. Tôi ôm khư khư chiếc cặp vào lòng, thà mình bị ướt cho sách vở được khô. Đường đến trường hãy còn tít tắp. Ngôi trường của tôi ở đâu? Nó trông như thế nào? Tôi chưa biết. Lũy tre làng xanh rì, những căn nhà ngói nâu đã lùi lại sau lưng. Trước mắt tôi, mưa vẫn mịt mờ. Gió nối gió ầm ào quăng quật. Vạt áo phía trước ngực ngoại đã sũng ướt nhưng ngoại vẫn vững vàng chân bước cõng tôi đi. Lo ngoại bị ốm, tôi xin được xuống đi bộ. Nhưng sợ bộ quần áo mới của tôi bị vấy bẩn đất bùn, ngoại nhất quyết bảo tôi nằm im trên lưng người. Bộ quần áo mới tôi mặc trong buổi đi học đầu tiên này là tất cả số tiền ngoại dành dụm từ việc bán trứng gà và rau muống từ mấy phiên chợ liền. Tôi biết ngoại rất thương tôi. Dù gia cảnh còn thiếu thốn đủ bề nhưng ngoại không bao giờ để tôi thua thiệt so với bạn bè đồng trang lứa.
Cuối cùng, sau một quãng thời gian dài gian nan vượt dốc, lội bùn, ngoại cháu tôi cũng đã đến trường. Ngôi trường tiểu học khang trang nằm giữa trung tâm của xã. Tôi nhìn lên biển hiệu trên cổng trường, thấy những dòng chữ màu vàng trên nền đỏ xếp ngay ngắn mà đến giữa kì một, tôi mới đánh vần và đọc được: “TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐỨC THÀNH”. Khuôn viên trường được trồng rất nhiều cây xanh và hoa. Những khóm hoa lưu li, thủy tiên, mười giờ dường như vẫn cố gắng vươn mình khoe sắc trong mưa để đón chào những người bạn mới. Dưới những mái hiên trước cửa lớp, học sinh khắp nơi đã tựu trường đông đủ. Các anh chị khóa trên mặc quần xanh, áo trắng, quàng khăn đỏ, đội mũ ca lô. Tiếng nói cười hân hoan, rôm rả. Chỉ có những đứa trẻ mới vào lớp một như chúng tôi là vẫn nép mình sau lưng người thân, ánh mắt ngước nhìn không giấu nổi niềm sướng vui đan xen chút bỡ ngỡ.
Ngoại nheo mắt dò danh sách và sơ đồ lớp học trên bảng tin của nhà trường rồi đi tìm lớp cho tôi. Khi tìm thấy lớp học của tôi, ngoại đặt tôi xuống, hôn lên vầng trán tôi rồi nhẹ nhàng nói: “Đây là lớp học của cháu”. Sửa lại quai cặp trên vai, tôi chào ngoại rồi bước vào lớp. Nhiều bạn đã đến sớm hơn tôi. Khi tôi vừa tìm được cho mình một chỗ ngồi thì cũng là lúc tiếng trống trường rộn rã vang lên. Cô giáo bước vào lớp. Lúc ấy, lòng tôi hồi hộp đến lạ. Đến lúc cô giáo mỉm cười chào chúng tôi bằng chất giọng trầm dịu, thì bỗng chốc mọi hồi hộp đều tan biến hết. Dù là lần đầu tiên được gặp cô giáo nhưng chẳng hiểu tại sao tôi vẫn cảm thấy rất thân quen, gần gũi. Rồi tôi lơ đãng nhìn ra ngoài cửa lớp, phía cổng trường ngoại vẫn đứng đợi tôi. Thầm mong mưa đừng rơi nữa. Nhìn cái dáng gầy gò, khắc khổ của ngoại, tôi tự nhủ sẽ cố gắng học giỏi, chăm ngoan để không phụ sự kỳ vọng của người dành cho tôi.
“Cuộc sống là một vòng tròn”, chỉ khi đã từng trải, va đập với đời, tôi mới vỡ ra câu danh ngôn này rất đúng, ít nhất là đối với tôi. Mười tám tuổi, tôi xuôi Nam học kinh tế. Hai mươi tuổi, chuyển ngoặt ngược ra Bắc học y. Cứ trầy trật, luẩn quẩn mãi, đến năm hai mươi mốt, lại về một trường cao đẳng ở miền Trung quê mình học sư phạm. Ngoại nửa ủng hộ, nửa sợ tôi thất nghiệp. Nhưng được đứng trên bục giảng mãi mãi là ước mơ cháy bỏng nhất trong tôi. Và tôi đã bướng bỉnh theo đuổi nó đến cùng mặc cho mấy đứa bạn thân lắc đầu ngao ngán. Ngày tôi nhận được quyết định phân công công tác về chính ngôi trường tiểu học thuở xưa dìu dắt tôi, ngoại mừng rơi nước mắt. Tuổi ba mươi, tôi vẫn ở kí túc xá, đi xe đạp, trong khi bạn bè tôi nhiều đứa đã nhà cao, xế hộp đàng hoàng. Chưa bao giờ tôi hối hận về chọn lựa này. Bởi thành công lớn nhất của tôi, đơn giản thôi, là ngày ngày được thấy các em học trò chăm ngoan, học giỏi.
Mỗi lần treo phông bạt xanh, gắn chữ xốp trắng chuẩn bị cho lễ khai trường, tôi lại nhớ ngoại, nhớ buổi sáng mùa thu ngập đầy mưa gió ấy - ngày đầu tiên tôi vào lớp Một!


Đoạn trích trong cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” -  Tác giả Edmondo De Amicis
Ngày khai trường
Torino, thứ Hai, ngày 17

Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng nghỉ hè của chúng tôi đã đi qua như một giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi dắt tôi đến phân hiệu Baretti để ghi tên tôi vào lớp ba. Còn tôi thì mải nhớ thôn quê, tôi đến trường chỉ là miễn cưỡng. Tất cả các đường phố đều tấp nập học sinh, đông như kiến. Hai cửa hiệu bán sách chật những bố mẹ học sinh vào mua nào vở, nào giấy thấm, nào cặp sách bằng da... Trước trường, người đông đến nỗi ông gác cổng và người cảnh binh đều phải chật vật lắm mới giữ được thông lối vào ra. Chúng tôi sắp bước qua cổng thì thấy có người đặt tay lên vai mình: đó là thầy giáo lớp hai của tôi, có mái tóc hung, bù xù và tính vui vẻ không bao giờ cạn. Thầy bảo tôi: “Chúng ta thế là xa nhau mãi rồi, phải không Enrico?”
Tôi cũng biết như vậy, thế mà lời nói của thầy vẫn làm cho lòng tôi nặng trĩu. Chúng tôi phải chật vật lắm mới vào được trường. Những ông, những bà, những phụ nữ thường dân, những công nhân, những sĩ quan, những bà cụ và những người giúp việc, ai cũng tay dắt một trẻ em, tay mang những cái gói, làm huyên náo cả phòng đợi và các thang gác.
Tôi vui thích thấy lại cái phòng rộng ở tầng dưới thông với bảy lớp học, mà suốt ba năm gần như ngày nào tôi cũng đi qua. Người đông nghịt. Các cô giáo đi đi, lại lại. Một cô giáo lớp một đứng trên ngưỡng cửa của lớp cô, chào tôi và nói:
“Enrico, năm nay con học trên gác, và cô sẽ không còn thấy con đi qua đây nữa!”
Rồi cô nhìn tôi có vẻ buồn. Tôi trông thấy thầy hiệu trưởng, mà bộ râu hình như có bạc hơn năm ngoái một ít, đang bị vây giữa những bà mẹ khá phật ý vì không còn chỗ để cho con họ vào học nữa. Tôi thấy nhiều bạn tôi lớn lên nhiều. Ở tầng dưới, học sinh chia xong vào các lớp, người ta thấy các em học những lớp vỡ lòng[1] không chịu vào lớp, cứ đẩy nhau như những con lừa con: người ta phải lôi chúng vào; vài em bỏ chạy không chịu ngồi vào ghế, nhiều em khác òa lên khóc khi thấy bố mẹ ra về. Những ông bố, bà mẹ ấy phải quay lại để khuyến khích hoặc dỗ dành con; còn các cô giáo trông thấy vậy cũng có chiều thất vọng.
Em trai tôi được vào lớp của cô giáo Delcati, tôi học lớp thầy giáo Perboni ở gác hai. Đến mười giờ thì tất cả chúng tôi đều đã vào lớp hết: năm mươi bốn học sinh tất cả. Trong đám ấy tôi chỉ gặp lại chưa đến mười lăm, mười sáu bạn cũ lớp hai; trong đó có Derossi, cái cậu bao giờ cũng được giải nhất. Trường học đối với tôi có vẻ nhỏ hẹp và buồn tẻ làm sao so với rừng núi mà tôi đã đến ở chơi mấy tuần qua. Tôi lại còn nhớ tiếc thầy giáo lớp hai của tôi, thầy tốt làm sao, và lúc nào cũng cười với tôi. Người thầy nhỏ nhắn đến nỗi làm cho chúng tôi cứ tưởng như là một người bạn. Tôi tiếc không được thấy thầy ở đây, với mái tóc hung bù xù của thầy nữa.
Thầy giáo năm nay của chúng tôi người cao lớn, không có râu, tóc dài đã hoa râm hết, có một nếp nhăn trên trán, tiếng nói rất to; thầy nhìn chúng tôi chằm chằm hết đứa này đến đứa khác, như muốn đọc rõ tận trong lòng chúng tôi. Thầy không bao giờ cười.
Tôi thầm nghĩ: “Hôm nay là ngày đầu tiên đây. Hãy còn những mười tháng nữa mới lại nghỉ hè. Trước mắt biết bao là công việc, là bài thi, là khó nhọc!” Tan học, tôi cần phải gặp mẹ tôi, và tôi chạy ra ôm lấy mẹ. Mẹ bảo: “Gắng lên Enrico của mẹ. Mẹ con ta sẽ cùng học với nhau!” Thế là tôi vui vẻ về nhà. Thôi cũng được! Tôi không còn học với thầy giáo cũ tươi cười thế, vui tính thế và tốt bụng thế; nhà trường đối với tôi hình như cũng chẳng thích thú bằng năm ngoái... Nhưng thôi cũng được.

Đoạn trích trong cuốn sách “Quê nội” -  Tác giả Võ Quảng

“Tôi tắm cho trâu Bĩnh xong mặt trời đã lặn. Trên bãi dâu mọi người gọi nhau về nhà. Phải về sớm một tý, còn phải nấu cơm ăn để kịp đi học. Ở các xóm tiếng gàu và vào thành giếng nghe lanh canh. Tiếng bát đĩa bị lật nghe xủng xoảng. Tiếng phèng la chợt vang động. Gìơ tựu lớp đã đến, chị Ba, chị Bốn ăn xong, thắp cây đèn chai, gọi nhau đi học. Tôi vả thằng Cù Lao sẽ đến dự lễ khai giảng lớp học buổi tối tổ chức ở chợ. Chúng tôi vừa được chú Năm Mùi đề bạt làm "trợ giảng" của lớp. Vừa bước ra sân, một ngọn đèn đã thấy trôi theo bờ rào của nhà bác Úc. Có tiếng gọi:
- Ba ơi! Mau lên!
- Bảy hả? Đợi chút!
Ngọn đèn chị Ba trôi nhanh ra ngõ. Hai ngọn đèn gặp nhau cùng cất cao, nhập lại, tách ra, nhún nhảy trôi theo con đường dọc xóm. Ra đến đầu làng, ngọn đèn chi Ba và chị Bảy nhập vào nhiều ngọn đèn khác trôi dọc đường làng. Tôi và thằng Cù Lao không xách đèn cứ rảo bước. Chợt một ngọn đèn từ trong hẻm trôi ra. Có tiếng hoảng hốt:
- Ối! Làm tôi hết hồn ! Ai đó?
Tôi nhận ra bà Bảy Đá. Chú Năm Mùi cho biết bà Bảy cũng đến dự lớp. Trước đây, bà bảo không biết học để làm gì. Chữ nghĩa không làm no bụng, chỉ có một cái làm được tất cả, đó là tiền. Nhưng có đứa độc mồm bảo bà có nhiều tiền nhưng bà lại u mê. Nay thấy mọi người đi học, bà mới chịu đi. Tôi và thằng Cù Lao vượt lên trước. Một ngọn đèn sáng lóa từ phía đồng bay ra. Đó là ngọn đèn của anh Bảy Hoành.
Tất cả những ngọn đèn lồng từ trên xuống, từ dưới lên chảy dồn vào chợ. Lớp học là cái điếm canh được nới rộng. Ba ngọn đền lồng tỏa sáng. Mọi người đã có mặt. Chú Năm Mùi, anh Bốn Linh ăn mặc chỉnh tề. Bà con cô bác kéo đến đông đủ. Chợt anh Bốn Linh đứng lên dọn giọng tuyên bố lễ khai giảng. Anh long trọng nói lên ý nghĩa phong trào diệt dốt, một trận đánh vô cùng ác liệt. Hiện nay, cả nước có hàng triệu người không kể lớn bé đang dùi mài học tập. Hòa Phước là đất thanh danh văn vật, không thể lơ là việc diệt dốt. Nói xong, anh Bốn Linh vỗ tay. Mọi người vỗ tay theo.
Đến lượt thầy Lê Hảo nói về sự màu nhiệm của học vấn. Con người ta" hễ ở bâù thì tròn, ở ống thì dài". Học vấn như cái " ống thiên lý xa soi nghìn dặm". Mọi người phải biết dòm vào cái ống thiên lý để nhìn ra bốn bể năm châu. Thầy Lê Hảo nói xong, chú Năm Mùi bước lên. Chú đưa ra những gương học tập đáng làm bà con suy nghĩ. Chú mời ông Bốn Rị và bà Hiến lên bảng viết những chữ đã học. Bà Hiến viết chữ Hiến nguệch ngoạc. Ông Bốn Rị viết một chữ Rị như gà bới. Cả lớp ngồi nhìn, nổi cười, nổi ho loạn xị. Chú Năm Mùi giới thiệu thầy giáo mới của lớp. Đó là anh Bảy Hoành, là một người đã đi chu du khắp thiên hạ, đã từng sống ở lục tỉnh Sài Gòn, từng đọc một kho sách đông tây kim cổ, một người văn võ kiêm toàn, chỉ có Lục Vân Tiên mới bì kịp. Đã có một vị thầy như vậy, nếu không mở một lớp đặc biệt để cô bác học hành chữ nghĩa thì chẳng khác như đã nhìn thấy một cục vàng mà lại bỏ lơ không thèm nhặt. Lớp còn có hai cán bộ giúp việc: đó là chú Cù Lao và chú Nguyễn Văn Cục. Chú Cù Lao từng vượt biển về làng, ra Đà Nẵng học đã "bảng vàng danh yết". Nguyễn Văn Cục có nhiều kinh nghiệm, từng dạy cho bà Hiến học giỏi. Hai cán bộ này sẽ giúp các thím các bác những chữ bị quên, kiêm việc quét dọn trụ sở. Nếu cô bác người nào có cây đèn bị mờ thì cứ giao cho họ khêu ngọn. Nói xong, chú Năm Mùi mời thầy Bảy bắt đầu dạy.
Anh Bảy Hoành đứng phắt dậy, giở chiếc mũ phớt đang đội trên đầu, vứt mạnh xuống ghế, nói như sấm động. Anh Bảy cho biết là ở xứ lục tỉnh Dầu Dây, tất cả già trẻ lớn bé đều học hết. Sau ngày cướp chính quyền, vẻn vẹn chỉ trong ba tháng mà tất cả đều biết đọc biết viết. Những ông già, bà già đều đỗ đạt hết. Vì sao vậy? Vì ở xứ Dầu Dây hễ nói là làm. Dân xứ đó hiểu mình bị nô lệ chỉ vì dốt! Nói đến đây, anh Bảy Hoành thu nắm đấm nện một đấm thẳng cánh vào cây cột làm mái nhà rung lên. Anh thét to:
- Quyết trừ loài giặc dốt!
Anh Bảy đứng chống nẹ quắc mắt nhìn quanh, gõ vào bảng đen trên vách, nói tiếp:
- Tôi chỉ dạy cho bà con hai chữ. Học xong hai chữ này thì mọi sự đều biết tuốt. Đây, tôi viết chữ t, tôi viết thêm chữ ư, ghép lại thành chữ tư, thêm cái chấm dưới đít, thành chữ tự. Đây tôi viết thêm một chữ nữa là chữ d, một chữ nữa là chữ o. Chữ d ghép với chữ o thành do. Đó là hai chữ tự do.
Cả lớp cười to khoan khoái. Tất cả đều công nhận là chú Năm Mùi đã nói rất đúng: Chỉ có một người thông kim bác cổ, văn võ toàn tài mới có thể có một cách giảng dạy hay đến thế và mới có thể nện một nắm đấm vào cây cột làm cả nhả rung lên như thế!”….

Thư viện Trường Nguyễn Siêu