(Thanh tra)- Được học dưới mái trường Nguyễn Siêu, các thế hệ học sinh, giáo viên đều xem Đại tá, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Trọng Vĩnh như một người ông, một người bố trong gia đình. Điều đó góp một phần quan trọng khi Trường Nguyễn Siêu xây dựng thành công danh hiệu: Trường học hạnh phúc.
NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh
Những buổi thực hành Vật lý, Hoá học tại phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, những buổi thuyết trình của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 bằng tiếng Anh trước hàng ngàn học sinh trên thế giới; những buổi giao lưu trực tuyến dạy - học, hoạt động thể thao giữa Trường Nguyễn Siêu với Trường Cambridge Anh quốc… được lên ý tưởng từ Đại tá, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, dù thầy đã bước vào tuổi 90.
Một ngày đầu Đông, Hà Nội rét ngọt. Trong căn phòng nhỏ trên gác 2, nơi làm việc của thầy Vĩnh, bên chén trà nóng, câu chuyện về giáo dục được thầy kể cho tôi nghe với một niềm say mê, không dứt…
+ Xuất phát từ ý tưởng nào mà thầy cùng các cộng sự đã xây dựng thành công trường học hạnh phúc, thưa thầy?
- NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh: Theo tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với đạo học của Danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu, chúng tôi đã xác định mục tiêu chiến lược của trường: “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội - Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, học giỏi”. Lấy phương châm hành động là “luôn đổi mới, sáng tạo, đi trước dẫn đầu”, phát triển trường từng bước vững chắc từ một trường dân lập bình thường trở thành trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao đầu tiên của TP, trường song ngữ (CAIE), từng bước tiến tới trường quốc tế Cambridge mang bản sắc dân tộc Việt Nam.
Từ khi thành lập trường năm 1991, chúng tôi đã đề ra mục tiêu trường học hạnh phúc xuất phát từ quan điểm, nếu như mỗi gia đình, hạnh phúc lớn nhất của ông, bà, cha, mẹ là con cháu trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội; cho nên trường chúng tôi luôn đi theo con đường ấy. Giờ chúng tôi vẫn kiên định con đường ấy. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, chúng tôi nâng tầm lên, từ trường chuẩn quốc gia, lên đến trường chất lượng cao; giờ lên trường song ngữ, dần tiến tới trường quốc tế Cambridge. Thắng lợi đề ra đúng mục tiêu chiến lược của trường đúng, đi trước dẫn đầu, luôn bắt kịp đứng chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Đặc biệt là chủ trương, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết của Trung ương.
NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh (thứ 4 từ phải sang) tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. |
+ Câu chuyện về công nghệ 4.0 luôn được nhà nhà, ngành ngành nhắc tới, với Trường Nguyễn Siêu thì công nghệ thông tin đã được phát huy thế nào cho hiệu quả?
- NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh: Có thể nói, hiện nay, Trường Nguyễn Siêu là mô hình học song ngữ cả chương trình Việt Nam và quốc tế, đi trước TP 10-15 năm. Hiện, một số trường trong TP đang triển khai trường song bằng. Chúng tôi luôn đi trước dẫn đầu, đổi mới, sáng tạo và phát triển, không được chủ quan, dừng lại. Trong năm vừa qua, do đại dịch Covid-19 không cản được sự phát triển của trường, sử dụng công nghệ được thể hiện bằng việc chúng tôi tổ chức khai giảng năm học mới 2020-2021, vẫn tập trung được hàng ngàn em học sinh và giáo viên tham dự an toàn theo mô hình trực tuyến 3 đầu cầu, tại sân trường, nhà ăn, trên hội trường.
Trong thế giới công nghệ 4.0, chúng tôi phải đi đầu trong lĩnh vực này. Từ khi thành lập trường, đã triển khai học máy tính, học ngoại ngữ, quan hệ quốc tế. Đó là tiền đề cho sự phát triển sau này. Hiện, chúng tôi đã có những bước tiến vững chắc. Chúng tôi quản lý giáo viên và học sinh hoàn toàn bằng công nghệ từ hệ thống camera từ đi lại, ăn nghỉ, an ninh trường lớp. Cấp tiểu học duy trì lớp học máy tính, họp trực tuyến với các giảng viên ở nước ngoài, tổ chức các buổi lễ trao bằng chứng chỉ truyền sang Hội đồng Khảo thí khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trường Cambridge Anh quốc. Đây là kết quả quan trong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, được các hội đồng khoa học giáo dục thế giới đánh giá cao.
+ Từng là người lính, tham gia 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, những năm tháng trong quân ngũ với những phẩm chất cao đẹp của anh “bộ đội Cụ Hồ” đã giúp gì cho thầy trong sự nghiệp trồng người?
- NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh: Năm 1989, khi bước sang tuổi 57, tôi nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, thương binh 2/4. Năm 1991, tôi xin phép thành lập Trường Phổ thông Dân lập cấp II và cấp III Nguyễn Siêu, làm Hiệu trưởng 23 năm và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Nguyễn Siêu. Như vậy, sau khi trọn vẹn vai trò của một người lính, tôi lại quay về để làm một người thầy.
Phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế |
Ngày đầu khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng và muôn vàn khó khăn, nhất là trong bối cảnh hầu hết các gia đình còn tâm lý e ngại, băn khoăn về chất lượng các trường dân lập, nhưng với phẩm chất của người lính, tôi nghĩ không khó khăn nào là không thể vượt qua. Điều cốt yếu là nghị lực và quyết tâm. Chính sự quyết tâm và tinh thần “mở đường thắng lợi” của người lính công binh cộng với tâm huyết và tính kiên trì của người thầy đã giúp tôi từng bước tháo gỡ khó khăn để vượt lên.
Trải qua 8 lần di chuyển địa điểm, “ngôi trường trên đôi quang gánh” đã có bến đậu trên mảnh đất gần 10.000m2 tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và từng bước đã xây dựng được ngôi trường “mơ ước” khang trang như ngày hôm nay.
Để có được môi trường daỵ và học như ngày nay, tôi cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Hiện, trường có trên 60 giáo viên người nước ngoài, và 200 giáo viên Việt Nam. Chúng tôi luôn thu hút các giáo viên giỏi, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lớn có uy tín trong và ngoài nước. Phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên. Tôi ưu tiên giáo viên người Việt tốt nghiệp đại học trong nước về ngành Sư phạm, có tình yêu nghề, sẽ được nhà trường cho đi đào tạo nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn. Riêng, chúng tôi tập trung đổi mới các phòng thí nghiệm, thư viện của trường đáp ứng yêu cầu quốc tế, được Hội đồng Khảo thí Trường Cambridge Anh quốc đánh giá cao.
Với tôi, làm giáo dục phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo phát triển, đi trước, đón đầu.
+ Xin cảm ơn thầy!
Nguyễn Siêu là 1 trong hơn 10.000 trường thuộc hệ thống các trường quốc tế Cambridge ở 60 quốc gia trên thế giới và là trung tâm khảo thí ủy quyền của của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) với mã số VN 236. Đến năm học 2020-2021, toàn trường có 99 lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) với gần 2.700 học sinh; 370 cán bộ, giáo viên, nhân viên người Việt Nam và 61 giáo viên cơ hữu người nước ngoài với 16 quốc tịch trên khắp các châu lục tham gia giảng dạy theo hai chương trình: Chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và Chương trình Quốc tế Cambidge. |
* Trà Vân (Báo Thanh Tra)