(Giáo dục & Thời đại) - Với những nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, cô Nguyễn Thị Minh Thúy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học- THCS-THPT Nguyễn Siêu đã vinh dự được trao tặng giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' lần thứ nhất năm 2017.
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng, cô Thúy cho biết: Từ khi đứng trên bục giảng, tôi đã muốn gắn bó trọn đời với nghề. Những nỗ lực của tôi không còn là trách nhiệm nữa mà nó thuộc về lương tâm nghề giáo.
Đó là một quá trình phấn đấu, rèn luyện, và cần có cả tính cách mạng của một cô giáo dạy Văn gánh trên vai sứ mệnh người hiệu trưởng.
Từng đến tận nơi, học tập và nghiên cứu về giáo dục tại hơn 20 quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để áp dụng, đưa Nguyễn Siêu trở thành ngôi trường Việt Nam duy nhất đạt các tiêu chuẩn để gia nhập hệ thống các trường quốc tế Cambridge trên thế giới.
Nhắc lại phương châm giáo dục “Vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu” của nhà văn hóa Nguyễn Siêu thế kỉ XIX, cô Thúy chia sẻ: Suốt 20 năm qua, kim chỉ nam trong giáo dục của trường Nguyễn Siêu vẫn kiên trì theo quan điểm: Coi trọng giáo dục đạo đức với mục tiêu Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan học giỏi.
Trong quá trình phát triển và hội nhập hôm nay, quan điểm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn cần sự đổi mới để góp phần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh trong sáng phù hợp với môi trường giáo dục của thời đại toàn cầu hóa.
Trường Nguyễn Siêu vững bước xây dựng mô hình trường học mang bản sắc Việt hội nhập Quốc tế, tiếp cận những kĩ năng thế kỷ XXI, nơi học sinh được học tập bằng phương pháp giáo dục nhân văn và tiên tiến nhất.
Tại đây, mô hình ASK (Thái độ- Attitude, Kĩ năng - Skill, Kiến thức-Knowledge), và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được chú trọng.
Với tinh thần và thái độ tích cực, thông qua các trải nghiệm tự thân, các em học sinh được trang bị kĩ năng cần thiết của thế kỷ XXI để học tập và tư duy đổi mới, để làm chủ công nghệ, để thích nghi và ứng biến, sáng tạo và tự định hướng, ứng xử trước các nền văn hóa khác nhau.
Cô Thúy chính là người đã tìm ra những cơ hội hợp tác với nhiều trường quốc tế, giúp học sinh Nguyễn Siêu có thêm cơ hội giao lưu giáo dục và trở thành công dân toàn cầu.
Nhằm giảm tải kiến thức, tăng cường kĩ năng ứng dụng thực hành, khơi gợi niềm đam mê học tập và nghiên cứu khoa học trong mỗi học sinh, Cô Thúy xây dựng chương trình dạy học với sự đầu tư chuyên môn và phối kết hợp hai chương trình Việt Nam và Cambridge.
Tại đây hình thành mô hình dự giờ và trao đổi chuyên môn thường xuyên giữa giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam, về lâu dài sẽ tạo điều kiện để nâng cao năng lực giảng dạy của cả giáo viên nước ngoài lẫn giáo viên Việt Nam.
Nhận thức về vấn đề toàn cầu hóa trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, cô đã xây dựng một môi trường hội nhập và không gian học tập hiện đại theo đúng tiêu chuẩn Quốc tế với các phòng thí nghiệm ứng dụng KHKT tiên tiến...
Các hoạt động giao lưu, học tập quốc tế không ngừng được mở ra để học sinh có điều kiện cọ xát, tăng thêm tự tin và hiểu biết về thế giới.
Với tâm huyết và sáng tạo của mình, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thúy đã tổ chức thực hiệu quả các giải pháp xây dựng nhà trường thành một tổ chức học tập mà “mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, mang lại niềm tin cho các phụ huynh, rằng con em mình được học một môi trường tốt nhất.
- Vân Anh (Giáo dục & Thời đại)