Chiều 20/12/2019, Báo Điện tử Tổ Quốc đã kết hợp với Phòng Tâm lí học đường trường Nguyễn Siêu phỏng vấn một số học sinh, giáo viên về những khó khăn, áp lực mà các con phải đối diện ở lứa tuổi THCS, THPT, qua đó tìm ra giải pháp tháo gỡ…
Buổi phỏng vấn diễn ra cởi mở ngay tại sân trường Nguyễn Siêu với sự tham gia của nhóm học sinh lớp 11. Các bạn đã “trải lòng” về những vấn đề của chính mình và bạn bè xung quanh, đồng thời chia sẻ nhận thức, cách giải quyết thông qua kinh nghiệm hoặc những tư vấn nhận được từ người lớn.
Giai đoạn từ lớp 9 đến 10, các bạn học sinh phải chịu áp lực rất lớn từ mong muốn của gia đình, những bậc làm cha làm mẹ luôn hy vọng, đòi hỏi con mình học giỏi, tìm kiếm được những trường cấp III “sáng giá” để làm bàn đạp cho tương lai học hành sau này. Bên cạnh đó, chủ đề tình bạn, tình yêu tuổi học trò cũng gây ra nhiều lo ngại cho cha mẹ, thầy cô giáo, đồng thời dễ gây ra mâu thuẫn, xung đột giữa cha mẹ và con.
Học sinh Nguyễn Siêu trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc
Đối diện với những vấn đề này, một số học sinh Nguyễn Siêu đã chọn giải pháp trao đổi trực tiếp với cha mẹ về mong muốn, nguyện vọng cũng như năng lực phù hợp nhất của mình trong học tập. Một số bạn khác lại chọn cách “trả lời” cha mẹ bằng kết quả học tập, chứng minh rằng kết quả học tập hoàn toàn không bị ảnh hưởng xấu bởi những tình cảm trên ghế nhà trường.
“Con có thích một bạn từ hồi lớp 9. Con và cha mẹ đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn về chuyện đó. Tuy nhiên, khi con lên lớp 10, cả hai chúng con đều thi tốt và đạt kết quả học tập như ý, mâu thuẫn đó chấm dứt” – một bạn nam thẳng thắn kể lại chính câu chuyện của mình.
Ở đâu đó ngoài kia, đã có những trường hợp thương tâm xảy ra với lứa tuổi học sinh. Do không thể giải quyết mâu thuẫn, không thể chia sẻ tâm tư, bạn đó đã chọn con đường tự tử, để lại sự đau xót, ân hận khôn nguôi cho người ở lại. Đánh giá về chuyện này, tất cả học sinh Nguyễn Siêu đều cho rằng đó là giải pháp sai lầm, cùng quẫn, dù vấn đề có nghiêm trọng đến đâu chăng nữa cũng không bao giờ được phép lựa chọn.
Cũng trong buổi phỏng vấn này, thầy Trần Đăng Hưng, Phòng Tâm lí học đường trường Nguyễn Siêu cho biết những vấn đề chủ yếu nảy sinh từ áp lực học tập, những “trỗi dậy” của tuổi dậy thì khiến học sinh và cha mẹ, thầy cô giáo đôi khi không tìm được tiếng nói chung. Để học sinh không quay lưng, không thu mình vào trong vỏ ốc cô đơn, cả cha mẹ lẫn giáo viên đều phải mở lòng, lắng nghe, tôn trọng những vấn đề của các con, cách giải quyết của các con và cố gắng tìm ra tiếng nói chung để ngăn chặn kịp thời những hậu quả đáng tiếc.