Ấn tượng Khối 7: tự tin và sáng tạo

11:04 11/08/2017

Các hoạt động giáo dục toàn diện dành cho HS khối 7 đầu năm học 2017-2018 nói riêng và toàn trường nói chung đều hướng học sinh tới việc xây dựng thái độ tự tin, chủ động, tích cực học hỏi, sáng tạo trong cuộc sống; biết đánh giá chân thực về bản thân và các người học khác...

...xây dựng tình đoàn kết bạn bè, củng cố tinh thần tập thể, kính trọng yêu mến thầy cô, yêu mến mái trường; yêu mến thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các bạn còn được chú trọng rèn kĩ năng giải quyết vấn đề, thuyết trình, giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm…

Với hoạt động trải nghiệm sáng tạo và tích hợp liên môn Công tác chủ nhiệm - KHTN - Âm nhạc - Mỹ thuật - Công nghệ chủ đề: “Thời trang và Cuộc sống”, các bạn ấy đã được thể hiện những hiểu biết về thiên nhiên, cuộc sống và quá trình tìm ra những cách khắc phục khó khăn để có sự chủ động.

Lựa chọn hình thức báo cáo toàn khối bằng một buổi trình diễn thời trang, thầy cô đã hướng dẫn học sinh liên kết các bộ môn KHTN, Âm nhạc, Mỹ thuật để thực hiện một bộ sưu tập thời trang có một không hai, vô cùng phong phú và sinh động.

Đó là bộ thiết kế trang phục từ rau củ quả, đồ tái chế… thể hiện vẻ đẹp độc đáo của các dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra, các bạn học khối CIE với đặc trưng là lớp quốc tế, đã thiết kế trang phục các dân tộc trên thế giới, mang nhắc sắc màu, chi tiết đặc sắc của châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương cũng từ rau, củ, quả và đồ tái chế.

Không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục khi chứng kiến những tác phẩm từ rau ngót, lá cọ, chăn, giấy, lá khô rơi rụng… mà đẹp và sáng tạo đến vậy. 

Với các môn học khác, các bạn được tổ chức hoạt động ngoại khóa dưới hình thức câu lạc bộ, diễn ra cả trong và ngoài trường.

CLB Văn học tổ chức rất nhiều trò chơi ngôn ngữ như “Con rắn từ”, “Nếu… thì…”, “Tuy… nhưng…”, Nhìn động tác đoán nhân vật, Vẽ cầu vồng bằng thơ, Tìm tác giả - tác phẩm, Sân khấu hóa tác phẩm,… từ đó hướng dẫn học sinh cách thức học tập bộ môn quan trọng này trong năm học mới.

CLB Khoa học xã hội đã đưa các bạn đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong một hành trình lịch sử đầy những câu chuyện trực quan thú vị và sâu sắc xung quanh chân dung một con người - lãnh tụ vĩ đại, Cha già dân tộc Hồ Chí Minh. Bên cạnh tham quan hệ thống trưng bày, các bạn còn được trải nghiệm các hoạt động khác như: lớp học thầy đồ, chế tạo dép cao su, làm giao liên…

CLB Khoa học tự nhiên với “Đấu trường não” cung cấp cho các bạn kĩ năng STEM, cơ hội để chứng kiến và trải nghiệm những vẻ đẹp ngoạn mục của khoa học gần gũi diễn ra ngay chung quanh chúng ta, những bí ẩn đang chờ mỗi người khám phá trong chặng đường phía trước. 

CLB Thể dục thể thao là nơi các bạn thử sức mình với những môn thể thao phát triển chiều cao và thể lực như bóng rổ, bóng đá, bơi lội, bóng bầu dục…

Hoạt động môn Công nghệ hướng dẫn các bạn trồng rau mầm - giá với hạt giống rau mầm, giá, hộp kín và bông ẩm.



Trong khi đó, tại CLB Năng khiếu, các bạn được tới Viện Âm nhạc quốc gia để tham quan và chơi thử nhạc cụ các dân tộc Việt Nam.


*

GIÁO DỤC STEM là gì?

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật  và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Những kỹ năng STEM là tích hợp của 4 kỹ năng:
 
1. Kỹ năng khoa học: Học sinh được trang bị những kiến thức về các khái niệm, các nguyên lý, các định luật và các cơ sở lý thuyết của giáo dục khoa học. Mục tiêu quan trọng nhất là thông qua giáo dục khoa học, học sinh có khả năng liên kết các kiến thức này để thực hành và có tư duy để sử dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thực tế.2. Kỹ năng công nghệ: Học sinh có khả năng sử dụng, quản lý, hiểu biết, và truy cập được công nghệ, từ những vật dụng đơn giản như cái bút, chiếc quạt đến những hệ thống phức tạp như mạng Internet, máy móc.

3. Kỹ năng kỹ thuật:  Học sinh được trang bị kỹ năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Vấn đề này đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp và kết hợp để biết cách làm thế nào để cân bằng các yếu tố liên quan (như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật) để có được một giải pháp tốt nhất trong thiết kế và xây dựng quy trình. Ngoài ra học sinh còn có khả năng nhìn nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.

4. Kỹ năng toán học: Là khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạnh tồn tại trên thế giới. Học sinh có kỹ năng toán học sẽ có khả năng thể hiện các ý tưởng một cách chính xác, có khả năng áp dụng các khái niệm và kĩ năng toán học vào cuộc sống hằng ngày.

Song song kỹ năng STEM, Giáo dục STEM cũng trang bị cho học sinh những kỹ năng phù hợp để phát triển trong thế kỷ 21. Bộ kỹ năng Thế kỷ 21 được tóm tắt gồm những kỹ năng chính:

-    Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề
-     Kỹ năng trao đổi và cộng tác
-     Tính sáng tạo và kỹ năng phát kiến
-     Văn hóa công nghệ và thông tin truyền thông
-     Kỹ năng làm việc theo dự án
-     Kỹ năng thuyết trình

Những học sinh theo học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có những ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh.

Với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, học sinh sẽ chủ động thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành cho các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau.

Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt nhất như Học qua dự án – chủ đề, Học qua trò chơi và đặc biệt phương pháp Học qua hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học tích hợp STEM.

  • Ngọc Khê