Văn hóa ứng xử trên môi trường mạng

10:22 22/10/2019

Môi trường mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng là phương thức truyền thông mới của xã hội hiện đại. Là giáo viên, học sinh Nguyễn Siêu, chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng văn hóa ứng xử nhà trường và mạng xã hội phù hợp, tự sàng lọc tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống; nhận diện thông tin xấu, độc đối với cá nhân và xã hội.

Internet ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng về liên kết xã hội và chia sẻ thông tin. Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet đem đến cho cộng đồng, song bên cạnh đó nó cũng bộc lộ những mặt trái. Điều đáng lo là do nhận thức còn hạn chế của không ít người, khi tham gia môi trường mạng đã vô tình tán phát, chuyển tải thông tin sai trái, xấu độc. Tình trạng các thành viên mạng xã hội đồng loạt trỉ trích phê phán hay ca ngợi một thông tin ảo không có thật, hay chỉ việc like hoặc share những video clip bạo lực đã phần nào khiến môi trường thông tin trên mạng xã hội thiếu lành mạnh, có tác động tiêu cực đến cộng đồng đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. 

Theo thống kê tính đến tháng 4/2019 của We Are Social, tại Việt Nam có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội, trung bình một người dành 2 giờ 37 phút mỗi ngày cho mạng xã hội. Vì vậy việc hướng dẫn cho người sử dụng biết cách khai thác thông tin hữu ích, nhận diện, phân biệt thông tin tốt – xấu, đúng – sai để từ đó có hành vi ứng xử phù hợp trên mạng xã hội là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần chung tay tạo lập môi trường thông tin lành mạnh cho xã hội. 

Vì vậy, khi tham gia môi trường mạng, chúng ta cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

- Lan tỏa những thông tin hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc.

- Thể hiện sự tôn trọng cộng đồng trong giao tiếp ứng xử trên môi trường mạng.

- Sử dụng ngôn ngữ đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, khác biệt và mang xu hướng bạo lực.

- Chỉ đăng và phát nguồn thông tin đã được kiểm chứng, thông tin không vi phạm pháp luật.

- Sử dụng chính danh khi tham gia môi trường mạng. Hành vị mạo danh cá nhân, tổ chức để lập tài khoản, đăng, phát, chia sẻ, truyền thông đưa tin sai sự thật nhằm bôi nhọ, hạ uy tín người khác và trục lợi là vi phạm pháp luật.

- Người sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm tìm hiểu trau dồi bổ sung kiến thức văn hóa, pháp luật, rèn luyện kĩ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

- Tự bảo vệ mật khẩu cá nhân, tuyệt đối không chia sẻ cho người khác.

- Quản lý kiểm soát chặt chẽ danh sách bạn bè. Thận trọng tìm hiểu kĩ thông tin trước khi kết bạn hoặc tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội. 

- Chủ động nhận diện thông tin, khi phát hiện thông tin vi phạm trên môi trường mạng cần lưu lại chứng cứ đồng thời thông báo với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

- Cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội cần gương mẫu chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng. Sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền những thông tin chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. 

* Hồng Vân (Phòng Công tác Học sinh Trường Nguyễn Siêu)