Trong khi chờ đón sự kiện ra mắt sách sẽ diễn ra vào sáng 22/11/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn giáo dục quốc tế RedefinED, xin giới thiệu những lời bộc bạch của người đã tiên phong đưa triết lý HPL về Việt Nam và chọn dịch cuốn sách "High Performance Learning: How to become a world class school" - Th.S Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy, với tựa tiếng Việt là "Học tập siêu hiệu quả: Làm thế nào để trở thành trường học đẳng cấp thế giới?"
Phiên bản bìa cứng (bên trái) - bản giới hạn của Trường Nguyễn Siêu và phiên bản bìa mềm sẽ được phát hành rộng rãi của ấn phẩm tiếng Việt
Bản chất của sự phát triển là nối dài những hoài bão và ước mơ. Nhìn vào tấm gương của cha mẹ - những nhà giáo luôn miệt mài với sự nghiệp giáo dục - tôi hiểu sứ mệnh của mình chính là nuôi dưỡng, nối dài sự nghiệp cao quý ấy. “Làm thế nào để trở thành trường học đẳng cấp thế giới?” - ấy là câu hỏi mà tôi hằng trăn trở, cũng là ý chí của những người sáng lập, là ước vọng chung của những con người Nguyễn Siêu chúng tôi.
“Khi ta thực lòng muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ hiệp lực giúp đỡ” (Paulo Coelho). Tôi đã ngộ ra điều này tại Hội nghị các trường Cambridge toàn cầu được tổ chức trở lại ngay sau đại dịch Covid-19, khi lần đầu tiên tôi được tiếp xúc sâu với khái niệm metacognitive (siêu nhận thức) và cách sử dụng siêu nhận thức để nâng cao thành tích của học sinh. Tôi đã gặp lại thuật ngữ đó ở High Performance Learning (HPL) - khi đang tìm kiếm những học thuyết để “Xây dựng văn hoá Nguyễn Siêu - Kiến tạo trường học hạnh phúc”. Tôi đã nhận ra sự tương đồng lớn giữa triết lý HPL với bộ giá trị cốt lõi và những kỹ năng văn hoá làm nên Nếp Nguyễn Siêu. Và tôi hiểu rằng HPL chính là công cụ hữu ích đưa Nguyễn Siêu trở thành một trường học ưu tú, nơi giáo viên và học sinh được hạnh phúc, đồng thời trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trên con đường học thuật.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy với cuốn sách gốc trên tay
Nhìn lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi lại càng nhận ra việc áp dụng HPL là một sự kết hợp, bổ trợ tuyệt vời. Nếu trước đây giáo dục tập trung vào phát triển kiến thức và tách bạch nó với phẩm chất thì tinh thần chủ đạo của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực và phẩm chất - đúng như tinh thần của HPL và cũng phù hợp với mô hình ASK mà Nguyễn Siêu đang xây dựng suốt 10 năm qua. Nó thực sự như một “tảng băng chìm” làm thay đổi nhận thức bên trong của người học, thúc đẩy tính tự lực, tự chủ, tự tin của học sinh và kết quả mà học sinh đạt được đúng với mục tiêu năng lực của mình chứ không phải do cha mẹ áp đặt. Đồng thời, triết lí giáo dục HPL với quan điểm bất cứ học sinh nào cũng có thể đạt được thành tích cao nếu nhà giáo dục biết cách phát triển ở người học những đặc điểm nhận thức bậc cao - Advanced Cognitive Performance Characteristics (ACPs) và hệ giá trị, thái độ và phẩm chất - Values Attitudes and Attributes (VAAs).
Hơn thế nữa, chương trình Cambridge quốc tế được giảng dạy tại Nguyễn Siêu hơn một thập kỷ qua còn trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết với sự hỗ trợ của bộ công cụ tư duy và ứng xử HPL. Nếu như Cambridge quốc tế cho phép tích hợp với chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam thì HPL cũng cho phép tích hợp với văn hóa bản địa của bất cứ quốc gia nào. Với tinh thần tôn trọng văn hóa truyền thống, tại Nguyễn Siêu, chúng tôi đã nghiên cứu các tài liệu HPL để đưa vào ứng dụng, Việt hoá bộ biểu tượng HPL với những đặc trưng văn hóa mà vẫn thể hiện được xu hướng toàn cầu hóa. Việc làm này của chúng tôi gửi gắm ước ao lan toả tới thật nhiều trường học trên đất nước Việt Nam những giá trị, kỹ năng mà HPL đem lại. Đó cũng là động lực khiến tôi quyết định dịch sang tiếng Việt cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt, giàu thực tiễn cũng như tính thực hành này.
Với cuốn sách, tôi cũng hi vọng các bạn sẽ tìm được nhiều khoảnh khắc quý giá, giống như tôi: muốn gặp điều hay hãy đi tìm, muốn vươn tới, hãy mạnh dạn gõ cửa ước mơ.
ThS. Nguyễn Thị Minh Thúy