“52 câu chuyện với những tựa đề ngắn gọn nhưng đong đầy cảm xúc như Niềm tin, Người thầy tận tâm, Món quà vô giá, Bảy từ làm thay đổi cuộc đời tôi, Bài giáo án của tình thương… cũng đủ làm trái tim ta lắng lại.”
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến cho thế hệ trẻ, sức lực cho đời”. Vâng, nghề “chèo đò” của các thầy, các cô thật vất vả, kiên trì. Và, học trò đôi lúc ngây thơ đã khiến thầy chạnh lòng, trầm ngâm, nhưng tình cảm thầy trò đã làm thầy khoan dung, đã tạo động lực cho thầy bước tiếp. Tình nghĩa thiêng liêng ấy đã trở thành hành trang tâm hồn cho bao bạn trẻ và làm nên nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn.
“Bến sông những chuyến đò đưa
Đưa đàn áo trắng ngày xưa đến trường
Ngày ngày một nắng hai sương
Mang theo nghĩa nặng tình thương con đò.”
Những vần thơ của nhà thơ Đỗ Nguyễn nhắc tôi nhớ tới cuốn sách đã từng gây bất ngờ liên tục với người đọc có tên “Ngẩng đầu lên đi em” của tác giả Đỗ Tiến Thụy. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện về nhà giáo được "chưng cất" từ thực tế nhằm giáo dục đạo đức, cảm hóa học sinh… Không ít câu chuyện trong số đó được chính nhà giáo viết ra từ những đam mê, trăn trở, thậm chí là nỗi đớn đau chuyện nghề. “Ngẩng đầu lên đi em” một lần nữa chứng minh tình yêu thương có thể làm nên kỳ tích mà y học ngỡ đành lui bước. Nga - cô học trò của cô giáo Nhâm mang trên mình dị tật khớp cổ nên cô bé bị gọi là Nghẹo. Bố mẹ cô bé đã phải chấp nhận dị tật của con nhưng cô giáo Nhâm thì không. Cô dùng tay để giữ chiếc đầu “bấy bớt” cứ đổ oặt xuống vai. Cứ thế, cô tập cho Nga mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày cùng một câu nói đầy trìu mến: “Ngẩng đầu lên đi em”. Mỗi sáng cô cài lên tóc Nga một bông hồng thắm. Bốn năm là biết bao bông hồng khích lệ Nga không “đổ cổ”. Thời gian trôi đi và cô bé Nghẹo năm nào đã có thể ngẩng cao đầu với chiếc cổ cao kiêu hãnh. Tưởng rằng, từ đây hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với cô học trò nhỏ. Nhưng đau đớn, mất mát lại đến với Nga khi cô bị người yêu từ bỏ vì lo sợ dị tật sẽ di truyền sang đời con. Một lần nữa, cô giáo Nhâm lại nhẹ nhàng nói: “Ngẩng đầu lên đi em”. Giờ đây lời nhắc của cô không còn để chữa một dị tật thuở nào mà là chữa sự mặc cảm, thiếu tự tin vốn luôn ở góc nào đó trong mỗi chúng ta. Vì thế “ngẩng đầu lên đi em” vừa là lời động viên, là lời thôi thúc và là một mệnh lệnh để các trò bước vào đời với một tư thế, một thái độ sống thẳng thắn, tự chủ.
Tiếp tục cùng chủ đề của tác giả Đỗ Tiến Thụy, tác giả Tood Whitaker với cuốn sách “Tình thầy trò” đã ghi lại 34 câu chuyện không phải hư cấu mà hoàn toàn là có thật. Đó là “Giáo viên của con người”, “Thầy là cả thế giới”, “Học hát cùng cô Bonnie”, “Cô không chỉ dạy toán”… Những câu chuyện ấy đôi khi hài hước, đôi khi lại làm chúng ta rơi nước mắt về các thầy cô đã nỗ lực xóa nhòa khoảng cách giữa giáo viên và học sinh. Mỗi một câu chuyện chứa đựng trong đó thật nhiều tâm tình, những nỗi niềm không của riêng ai. Và cuốn sách một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy: "Chính sự quan tâm, lòng thương yêu, sự chia sẻ đã giúp những đứa trẻ phát huy được hết khả năng của chúng". Người làm thầy sẽ nhận ra chân lí ấy để sống tốt hơn, giảng dạy hiệu quả hơn. Và người làm trò sẽ cảm nhận rõ hơn tình thầy từ câu nói của Marva Collins: "Học phí có thể trả bằng tiền nhưng tình thương của người thầy dành cho học trò thì không gì trả nổi".
Mỗi năm cứ đến tháng 11 này, đâu đâu cũng thấy học sinh rủ nhau về thăm thầy cô giáo, thăm trường lớp cũ. Thầy cô giáo được ngắm nhìn lại những thành quả từ nghiệp trồng người của mình. Và những bó hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa như những cuốn sách này đều là những thứ không thể thiếu. Nó cũng cơ hội để mỗi người chúng ta gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo của mình. “Quà tặng dâng lên thầy cô” là một cuốn sách như thế. 52 câu chuyện với những tựa đề ngắn gọn nhưng đong đầy xúc như Niềm tin, Người thầy tận tâm, Món quà vô giá, Bảy từ làm thay đổi cuộc đời tôi, Bài giáo án của tình thương… cũng đủ làm trái tim ta lắng lại.
Đặc biệt, trước mỗi câu chuyện tác giả luôn dành một trang để trích dẫn một lời cảm ơn chân thành đến người thầy, người cô:
“Con cảm ơn thầy … thầy đã nhắc nhở con rằng lỗi lầm lớn nhất mà con có thể mắc là mất thời gian để biện hộ cho lầm lỗi của mình”.
“Con cảm ơn thầy… thầy đã nhắc nhở con rằng một cách cư xử tốt luôn bắt đầu bằng một việc nghĩ về điều tốt cho người khác”.
Tình thầy thật cao cả và đáng kính, vậy tình trò như thế nào? Chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của những cô cậu học trò qua cuốn sách “Viết cho thầy, Gửi cho cô, Tặng cho trò” . Cuốn sách là tuyển tập gồm 20 truyện ngắn được viết trong nhiều thời điểm khác nhau nhưng lại có chung một trạng thái tình cảm, một dòng cảm xúc. Đó là sự trân trọng, kính mến nghề dạy học - "Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Bởi vậy, cuốn sách không đơn thuần chỉ là những câu chuyện viết về đề tài giáo dục mà ẩn giấu bên trong đó là một tấm lòng tri ân đối với những người thầy, người cô đã dạy dỗ ta nên người.
“Hình ảnh của thầy trong mắt em đẹp đến vậy, không phải vì ngoại hình long lanh, đầu tóc chải chuốt bóng mượt hay quần áo bảnh bao. Không, thầy không hề có những cái thuộc về cái vỏ bọc đó. Thầy bình thường và giản dị biết mấy. Riêng một điều ấm áp đang lan tỏa nơi thầy: lòng nhiệt thành chứa chan trong từng lời giảng.
Thầy ơi, ngay lúc đó một mong ước ngủ yên từ lâu đã trỗi dậy trong em.
Em sẽ giống như thầy, trở thành một giảng viên tiếng Anh.”
Những câu chuyện buồn vui, những khoảnh khắc đáng nhớ, những cử chỉ tận tụy ân cần được tác giả viết lên trang giấy để lại trong chúng ta những xúc cảm nghẹn ngào. Cứ đọc đi, rồi các con sẽ thấy, những câu chuyện cũ ấy, những khoảnh khắc một thời ấy, giờ đây lại ngọt ngào đến vậy. Để cuối cùng chúng ta có thể hiểu ra rằng, tình cảm của người thầy "không thể nào làm giả được. Đó là thứ tình yêu chân thành xuất phát từ tận đáy tim”. Và chúng ta cũng hiểu được rằng: "Chỉ có lòng yêu thương con trẻ vô điều kiện mới giúp thầy cô gắn bó dài lâu với nghề, tha thiết cùng công việc gõ đầu trẻ bằng cả tâm hồn mình".
Cứ thế, mỗi câu chuyện nhỏ sẽ khiến người đọc chăm chú trên từng dòng ngôn từ và ngân lên tiếng lòng yêu mến. Mỗi trang sách là một bài học nhân từ về đạo làm trò, về tình cảm ấm áp và trách nhiệm tình thương của người làm thầy. Không đặt ra nhiều vấn đề luân lí cao siêu, các tác giả đã tạo những mạch truyện tự nhiên, giản dị mà sâu lắng. Người đọc qua đó sẽ tự hiểu ra nhiều điều và sẽ suy nghĩ đến những gì mình phải làm, nên làm.
Ngày 20/11 đang đến gần, “Tuyển tập những cuốn sách về Nhà giáo” như một món quà ý nghĩa nhất chúng ta nên dành tặng cho nhau.
Tặng cho những người thầy giáo chúng ta rất mực kính trọng để thể hiện lòng tri ân.
Tặng cho những người bạn thân thiết thể hiện sự gắn bó keo sơn.
Tặng cho những đứa em, những đứa con của mình để chúng thêm hiểu hơn về nghề giáo cũng như những bài học đáng quý từ những câu chuyện thực cuộc sống.
Thư viện TH Nguyễn Siêu trân trọng giới thiệu!