[TRỰC TIẾP] Tọa đàm xanh hóa lối sống trong giới trẻ Việt Nam

11:15 23/09/2022

Sáng 23/9, Báo Tiền Phong phối hợp Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Tọa đàm "Xanh hóa lối sống và thúc đẩy hành động vì tăng trưởng xanh trong giới trẻ Việt Nam". Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu có phần trình bày đáng chú ý tại Toạ đàm.

Hướng đến lối sống xanh tạo nên chân dung học sinh Nguyễn Siêu

PV: Những năm qua, Nguyễn Siêu là một mô hình tiêu biểu cho phong trào sống xanh trong học sinh với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, cô/thầy có thể chia sẻ những mô hình bảo vệ môi trường mà nhà trường đã triển khai những năm qua? Mục tiêu mà trường Nguyễn Siêu hướng tới trong công tác bảo vệ môi trường là gì?

Cô Nguyễn Thị Duyên:

Đây là câu hỏi rất phù hợp, là dịp nhìn lại chúng tôi đang làm gì và hiệu quả ra sao. Tôi xin chia sẻ những hoạt động để giáo dục học sinh trường Nguyễn Siêu về thực hiện lối sống xanh trong nhà trường. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói, nếu như doanh nghiệp có trách nhiệm của mình thì với nhà trường đó là sản phẩm học sinh.

Việc giáo dục môi trường cho học sinh của trường Nguyễn Siêu đã được thực hiện lâu rồi. Trong hành trình 30 năm, giáo dục đạo đức và bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học. Chúng tôi tích hợp xây dựng bảo vệ môi trường tùy từng môn học, lồng ghép vào mỗi môn ở mức độ khác nhau.

Hằng năm, nhà trường có các ngày hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong và ngoài trường như làm sao để phân loại được chất thải nhựa, dạy học sinh kĩ năng đi siêu thị không sử dụng túi nilon. Trường còn cung cấp xe buýt đưa học sinh đi học mỗi ngày với gần 100 xe. Trường Nguyễn Siêu có đặc trưng là trường học bán trú. Chúng tôi có nhà bếp để phục vụ cho gần 3.000 học sinh và 500 nhân viên nhà trường, sử dụng khay ăn inox và túi giấy. 100% học sinh có bình uống nước riêng.

Trong nhà trường, giáo viên và học sinh hạn chế sử dụng vở học sinh, tránh in ấn, giảm một lượng lớn sử dụng giấy; sử dụng đồng thời học đa phương tiện, khi các học sinh lên lớp trực tiếp thay vì phát phiếu bằng giấy thì chúng tôi sử dụng thêm nền tảng số.

Ngoài ra, trường chúng tôi là trường đại diện cho chiến dịch “Race to rezo”, chiến dịch giảm thải khí cacbon trong môi trường. Hà Nội có chương trình “Sữa học đường” dành cho học sinh tiểu học. Nếu 1.500 học sinh sử dụng hằng ngày, lượng rác thải tái chế sẽ rất nhiều. Nếu để nhà trường tái chế được là rất khó nên chúng tôi kết hợp với các đơn vị thu gom vỏ hộp sữa có thể tái chế nên ngay sau bữa trưa các em gấp gọn hộp sữa này và chuyển đi. Ngoài ra, trong nhà trường có chương trình đổi giấy lấy cây. Ngày 26/3, trường có ngày hội STEM hướng dẫn các con sử dụng hay tạo kĩ năng tái chế rác thải có thể dùng được. Chúng tôi có 3 phòng STEM, có máy in 3D giúp học sinh in ngay sản phẩm của mình nhưng chúng tôi dùng một loại nhựa sinh học, nhựa thân thiện với môi trường.

Nhà trường đang nỗ lực để nằm trong mạng lưới các trường đạt tiêu chuẩn Eco - schools. Để đạt được tiêu chuẩn này cần đạt 7 bước có lộ trình cụ thể, đa lĩnh vực với học sinh, có con số cụ thể về rác thải ra môi trường, lượng rác thải tái chế được là bao nhiêu.

Đáng chú ý, 2 trong số 8 Nếp Nguyễn Siêu là bảo vệ môi trường và tiết kiệm. Đây sẽ là các giá trị quan trọng để tạo nên chân dung học sinh Nguyễn Siêu.

 

Nhiều hoạt động thiết thực gắn với lối sống xanh

PV: Nhà trường có thể chia sẻ kinh nghiệm để triển khai thành công các hoạt động bảo vệ môi trường?

Cô Nguyễn Thị Duyên: Việc giáo dục về “xanh hóa lối sống” cho học sinh tiểu học và phổ thông khác nhau. Đối tượng học sinh tiểu học thì phải cầm tay chỉ việc nhưng với học sinh THPT thì học sinh đã lớn, hướng đến kĩ năng chuyên sâu hơn là nghiên cứu khoa học. Năm ngoái ,hướng tới ngày hội STEM của nhà trường, một học sinh hằng ngày đi học qua con sông Yên Hòa phát hiện mùi bốc lên nồng nặc. Học sinh có nghiên cứu và làm đề tài “Xử lý nước sông Yên Hòa bằng vật liệu hóa học”.

Theo tôi thấy, học sinh ở các nước lớn thì hình thành được lối sống xanh trong nhà trường. Tuy nhiên, đó là ở phía môi trường. Còn ở gia đình, nếu như thầy cô làm gương mà về từng gia đình bố mẹ không làm gương thì giáo dục không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Hằng năm, chúng tôi có ngày hội như Ngày hội Thể thao, ngày hội Ấm áp mùa xuân với sự tham gia của bố mẹ và học sinh. Ở đó, chúng tôi đều gửi thông điệp đến cha mẹ học sinh.

Năm nay, dịp Khai giảng, trường có thông điệp xanh đến phụ huynh: Thay vì tặng hoa tươi, cha mẹ học sinh tặng cây xanh cho nhà trường hoặc ủng hộ quỹ từ thiện của nhà trường. Ngoài ra, ở trường chúng tôi, hằng tháng có ngày dọn dẹp gia đình, ngày đó học sinh sẽ mang những rác thải dọn dẹp được ở nhà mà có thể tái chế được mang đến trường để đổi khẩu trang, vật dụng hữu ích đối với học sinh.

(Trích từ bản tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong bản điện tử)