“Tôi là ai trong tương lai?” - trò chuyện với thạc sĩ Havard Hà Cao

08:29 04/11/2017

Chiều ngày 2/11/2017, tổ chức giáo dục Education First (EF) đã phối hợp với Trường Nguyễn Siêu tổ chức buổi định hướng nghề nghiệp TÔI LÀ AI TRONG TƯƠNG LAI? dành cho học sinh khối 10, 11, với sự có mặt truyền cảm hứng của diễn giả - thạc sĩ Harvard Hà Cao.

Thạc sĩ Hà Cao, Annie Vũ chia sẻ về câu chuyện định hướng nghề nghiệp trong thời đại 4.0

Cùng nhau nghe câu chuyện của các diễn giả, những người đi trước, mạnh mẽ dấn bước và thành công trên trường quốc tế trong thời đại công nghệ 4. 0, đặt ra những câu hỏi, những băn khoăn để cùng được tháo gỡ. Các bạn đã có một buổi chiều tràn đầy năng lượng và thắp lên những khát khao, mơ ước của tuổi trẻ để đi tìm câu trả lời "Tôi là ai trong tương lai?". Sau đây là trích một phần câu chuyện mà thạc sĩ Hà Cao đã truyền tới các bạn học sinh bằng tất cả tâm huyết và cảm hứng của mình.

"...Chúng ta đang sống trong một thời đại đổi thay nhanh chóng và thiếu bền vững. Những gì đang đúng hôm nay đã có thể lạc hậu trong ngày mai, điều này không chỉ đúng cho những người đang học ngành CNTT mà còn đúng cả với những người đang làm việc tại Thung lũng Silicon, bản thân họ cũng bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra với thế giới này. Tri thức duy nhất để đảm bảo sự thành công của chúng ta là biết cách tự học thật nhanh và quên đi nhanh chóng để tiếp tục học những cái mới, bắt nhịp với những thay đổi. Đó là thực tế của nền công nghệ 4.0 và nền kinh tế toàn cầu, những điều  này sẽ dẫn tới chính phủ toàn cầu. Đó là điều đang xảy ra. Những bất ổn đang xảy ra trong lúc giao thời là tất yếu nhưng xu thế là chúng ta đang trở thành MỘT. ONE GLOBAL, ONE VILLAGE. Nghĩa là chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những người bạn khác trên toàn cầu. Cái để đảm bảo cho sự thành công của chúng ta chính là khả năng SUY NGHĨ ĐỘC LẬP, KHẢ NĂNG TỰ HỌC - QUÊN NHANH - HỌC CÁI MỚI và SỨC SÁNG TẠO.

Câu chuyện đi học hôm nay không còn là lên lớp, vào đại học… Chúng ta phải nghĩ xa hơn ông bà tổ tiên hay cha mẹ của mình. Bởi vì thế giới đã khác rồi. Chúng ta hãy dành thời gian để tự khám phá bản thân, tự trải nghiệm sự sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ đến từ đâu? Một phần câu trả lời là nó đến từ môi trường. Được du học hoặc học tập tại những ngôi trường tiên tiến như Nguyễn Siêu là một lợi thế lớn. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải độc lập thúc đẩy bản thân mình hướng tới mục tiêu tự do kiến tạo cuộc sống theo cách mình mong muốn.

Chúng ta luôn luôn nghĩ ra những cách khác nhau để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho bản thân và cho xã hội. Hãy tận dụng mọi điều kiện để đào sâu suy nghĩ, hiểu chính bản thân mình bởi vì khi chúng ta đi xin việc, bạn sẽ được hỏi những câu hỏi sâu để nhà tuyển dụng hiểu cách suy nghĩ của bạn. Hãy tận dụng cơ hội để đưa lên ý kiến của mình ở mọi lúc, mọi nơi, lắng nghe những ý kiến của người khác và hòa hợp được những khác biệt. Không có gì đúng hoàn toàn và không có gì sai hoàn toàn. Chúng ta cần tự tin với những gì mình nghĩ. Điều đó vô cùng quan trọng. Tất cả chúng ta đều là một phần của con voi, khi kết hợp với nhau mới tạo thành một hợp thể lớn hơn là con voi hoàn chỉnh. Nền văn minh nhân loại được xây dựng dựa trên những hợp thể như vậy, dựa trên những cá thể không ngại suy nghĩ khác biệt. Họ nói những gì họ thấy, những góc khác nhau của một vấn đề để khi ngồi chung lại, chúng ta mới có những tổng hợp cao hơn, để cống hiến cao hơn cho nhân loại. 

Cho dù các bạn ở Nguyễn Siêu hay ở bất kỳ nơi nào, khi các bạn đọc sách báo cũng thế, đừng bao giờ tin những thông tin dễ dàng đưa đến với mình. Những người viết báo đó cũng chỉ là một hoặc một nhóm người với quan điểm và nhân sinh quan riêng của họ. Chúng ta cần luôn luôn tự tạo cho mình một tinh thần biện luận, suy nghĩ độc lập - đó chính là chìa khóa mà tất cả các trường đại học trên thế giới đi tìm và muốn các bạn phát triển.

Đọc sách báo, xem truyền hình, nghe bố mẹ, nghe mọi người xung quanh,… Đôi khi chúng ta vô thức nghĩ rằng những gì mọi người đưa cho mình là đúng nhưng không phải vậy. Chúng ta đang sống trong một xã hội đa nguyên tạo ra sự cân bằng của sáng tạo. Cho nên hãy trao đổi, tương tác và suy nghĩ biện luận mang tính xây dựng một cách thường xuyên theo nhóm về các vấn đề của xã hội để có những đường hướng giải quyết. Đấy chính là kỹ năng giải quyết vấn đề, liên quan trực tiếp tới khả năng sáng tạo.

Vậy thì chúng ta nghĩ gì về bậc đại học? Vì sao bạn nên đi du học?

Nếu như các bậc học phổ thông như tiểu học, THCS, THPT như những bản nhạc trữ tình, pop, rock… thì đại học chính là bản giao hưởng. Bởi vì đến tuổi đó, 18, 19, 20, 21 là thời gian vô cùng quan trọng để chúng ta hình thành nhân sinh quan và khả năng suy nghĩ độc lập. Trình độ cần có để có thể thực sự học tốt ở bậc đại học khác với khi chúng ta học phổ thông. Đôi khi học phổ thông ta chỉ cần làm bài tốt, học chăm chỉ là được nhưng lên đại học, critical thinking được đòi hỏi rất nhiều. Sự nghiên cứu, sự đào sâu và cách suy nghĩ độc lập rất quan trọng. Chính vì thế các trường đại học trên thế giới đều tìm kiếm những ứng viên có đường hướng đóng góp hữu ích cho xã hội với leadership - khả năng tạo ra sự khác biệt cho cộng đồng.

Leadership đến từ đâu? Đầu tiên nó đến từ ƯỚC MƠ.

Chúng ta cần có mơ ước và cần quan sát bản thân để nuôi dưỡng mơ ước ấy ở trong mình. Chỉ khi sống với mơ ước và thực hiện sứ mệnh của mình thì cuộc sống mới thăng hoa. Chúng ta sẽ phải cân bằng giữa lý tưởng và thực tế. Đôi khi chúng ta sẽ phải để công việc chọn mình hơn là mình chọn công việc, bởi vì ta chưa đủ tự tin về những gì mà mình mơ ước. Thế nhưng đừng bao giờ quên mơ ước của mình. Có những người sớm biết mình sinh ra để làm gì nhưng không phải ai cũng vậy. Nếu như chúng ta chưa biết, chúng ta vẫn có thể có những ước mơ và đừng bao giờ bỏ rơi nó. Bởi vì nếu may mắn, ta sẽ làm đúng công việc ngay khi tốt nghiệp. Nhưng phần lớn thì không được như vậy. Chúng ta thường mất khoảng 2, 3 thậm chí là 4 công việc khác nhau trước khi chạm vào mục đích. Nhưng hãy đừng rời bỏ nó. Có nghĩa là chúng ta vẫn phải thực tế, vẫn phải kiếm tiền để mưu sinh nhưng vẫn không quên công việc mà ta mơ ước, hãy nuôi dưỡng nó như một sở thích, như một công việc bán thời gian để khi có cơ hội, chúng ta sẽ quay lại với công việc mơ ước của mình. Chỉ khi sống với mơ ước, cuộc đời của chúng ta mới nở hoa..."

An Na