Mỗi bài học, mỗi nếp nhỏ dưới mái trường Nguyễn Siêu là từng bước bồi đắp, xây dựng chân dung công dân toàn cầu, nhưng đồng thời thầy cô cũng mong muốn gieo vào trái tim các con tinh thần trân quý những giá trị quý báu của dân tộc. "Tìm về nguồn cội để vươn ra biển lớn" - Đó là mục đích tốt đẹp của mô hình giáo dục tại Nguyễn Siêu.
Những tiết học môn Ngữ văn, Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục công dân của học sinh khối 6 trường THCS Nguyễn Siêu đã được mở rộng không gian ra khỏi lớp học, 206 học sinh khối 6 cùng các thầy cô trong các tổ bộ môn đã lên xe buýt Nguyễn Siêu hướng về Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) trong buổi sáng đẹp trời của ngày thứ 6, 16/9/2022.
Thầy cô mong muốn, thông qua hoạt động này, học sinh sẽ có cơ hội mở rộng không gian lớp học, thay đổi không khí để tạo ra năng lượng học tập tích cực hơn. Chuyến tham quan về nguồn thiết thực, sinh động, đồng thời, cũng là cơ hội để các con học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng của bộ môn Ngữ văn để kể lại một truyện truyền thuyết đã học (hoặc đã đọc, đã nghe) bằng các hình thức nói và viết.
Qua chuyến đi, học sinh được quan sát hiện vật, nghe thuyết trình để củng cố thêm kiến thức về quá trình dựng nước, giữ nước của các vua Hùng và mô tả được đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc, liên hệ với các bài học Lịch sử của thầy cô trên lớp, giúp các con ghi nhớ kĩ hơn các dự kiện; môn học Lịch sử sẽ không chỉ là những con số, những sự kiện nằm trên giấy.
Còn gì mềm mại, thiết tha hơn những lời ca tiếng hát gửi gắm tâm tư của hàng ngàn năm dân tộc Việt. Cũng taị Khu di tích văn hoá Đền Hùng, học sinh được giao lưu cùng các nghệ nhân và tìm hiểu, thực hành nghệ thuật hát Xoan – một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Cuối cùng, buổi ngoại khoá liên môn sẽ có những nhiệm vụ, thử thách nho nhỏ “học mà chơi” để các con học sinh có thêm kĩ năng quan sát, ghi nhớ về các hình ảnh, hoạt động trong lễ hội. Chuyến đi cũng là cơ hội để học sinh rèn luyện đức tính tự lập: tự giác hoàn thành nhiệm vụ của mình, không trông chờ, ỷ lại vào người khác; nghiêm túc và tích cực tham gia các hoạ động trải nghiệm.
Điều gì là cội nguồn kết nối, để dù có đi đâu, ở đâu trên mọi miền thế giới, ta vẫn nhớ về mẹ cha, về ông bà, về nơi đã sinh ra, lớn lên trước khi cất cánh vươn ra biển lớn? Đó chính là tinh thần dân tộc. Chuyến hành trình về miền đất Tổ của học sinh khối 6 không chỉ là một trải nghiệm liên môn ngoại khoá mà đây còn là tiết học thiết thực để các con học sinh được giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc: Giỗ tổ Hùng Vương; có ý thức phục dựng, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá dân gian độc đáo – hát Xoan.
Cô Nguyễn Thị Yến – Giáo viên Ngữ văn THCS chia sẻ: "Hành trình về nguồn - ĐỀN Hùng là cơ hội để các con hiểu về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người con đất Việt. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam. Với học sinh của Nguyễn Siêu trong quá trình hội nhập trở thành công dân toàn cầu, việc giữ gìn truyền thống biết ơn nguồn cội càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết".
Chuyến tham quan ngoại khoá của học sinh khối 6 tại Đền Hùng khép lại với những bức ảnh "mướt mải mồ hôi" nhưng đồng thời cũng rộn vang tiếng cười của các con học sinh thân yêu. Hy vọng rằng, mọi chuyến hành trình vươn ra biển lớn của các con trong tương lai sẽ luôn có những kỉ niệm hạnh phúc của mỗi buổi học Nguyễn SIêu ngày hôm nay.