Ngày 10/11, học sinh khối 12 trường Nguyễn Siêu đã có chuyến hành hương về miền đất địa linh nhân kiệt, tham quan và làm lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Chu Văn An,... Chuyến đi giúp các bạn được tiếp thêm nghị lực và tinh thần để mạnh mẽ đối mặt với kì thi THPTQG sắp tới, ý chí để đạt được những mục tiêu mình đặt ra.
Theo truyền thống hàng năm, học sinh khối 12 trường THCS và THPT Nguyễn Siêu lên đường đến Chí Linh (Hải Dương) trong một ngày nắng đẹp, thời tiết ủng hộ khi cả đoàn về đến miền đất địa linh nhân kiệt. Giáo viên và học sinh khối 12 đã thành tâm dâng hương với sự kính trọng, tấm lòng cầu mong năng lượng tích cực và bản lĩnh để "vượt vũ môn".
Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là vùng danh sơn huyền thoại gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc.
Chùa Côn Sơn hay còn gọi là chùa Hun, nằm dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 và được mở rộng rất nguy nga, đồ sộ vào thời Trần - thế kỷ 13. Chùa là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt.
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm trong khu Côn Sơn, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, được khánh thành vào tháng 9/2002. Đền được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc liền với núi Kỳ Lân có kiến trúc truyền thống. Phía sau đền thờ Nguyễn Trãi, về bên phải núi Kỳ Lân là nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học xưa. Nay chỉ còn dấu tích nền nhà cùng với phiến đá lớn được gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá "năm gian" (rộng bằng 5 gian nhà). Ngôi đền là biểu hiện to lớn của lòng biết ơn, sự trân trọng của nhân dân ta đối với người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Ngôi đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV. Trong đền còn lưu giữ bộ ấn thiêng của Đức Thánh Trần.
Trên mặt ngoài cổng đền có 9 chữ lớn, trong đó phía trên là 4 chữ "Hưng thiên vô cực", phía dưới là 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ". Qua cổng lớn, bên trái có Giếng Ngọc mắt rồng không bao giờ cạn nước. Đền Kiếp Bạc có 3 tòa điện lớn. Tại vị trí trang trọng nhất là tòa điện giữa, đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo. Tòa điện ngoài cùng đặt tượng thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão là con rể Trần Hưng Đạo. Tòa điện trong cùng đặt tượng thờ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa, vợ của Trần Hưng Đạo và hai con gái. Trong đền còn đặt 4 bài vị thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo.
Đền thờ Chu Văn An là nơi thờ phụng đức Vạn Thế Sư Biểu với tấm gương mẫu mực về tâm đức sáng ngời, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Qua các đợt trùng tu, đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Nơi đây nổi tiếng linh thiêng với các học sinh đến xin chữ son, cầu mong cho việc học hành, thi cử được suôn sẻ, đỗ đạt.
Chuyến đi là cơ hội để các bạn học sinh khối 12 có thể hiểu rõ về truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, có thêm kiến thức về các đặc điểm của triều đại Trần, Lê sơ và hiểu kĩ hơn về những địa danh gắn liền với lịch sử. Qua đây giúp các bạn học sinh hiểu biết thêm về vai trò của Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, trong lịch sử dựng nước và giữ nước.