Theo chân Khối 10 thăm Bảo tàng Văn học Việt

17:18 18/10/2019

Văn học Việt Nam từ cổ chí kim với những tác gia tiêu biểu, bút tích, tác phẩm, những kỉ vật quý giá, các tổ hợp - không gian quan trọng đã được quy tập về đây - một Bảo tàng quan trọng và hết sức ý nghĩa đối với các học sinh và những người yêu văn chương.

Khởi hành từ phòng Khánh tiết của Bảo tàng với câu Kiều của Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt, dòng chảy được bắt đầu với những đại diện như bài thơ thần Nam quốc sơn hà được vọng đọc cùng bối cảnh ngã ba sông Cầu; Nguyễn Trãi ở chốn Côn Sơn hữu tình; Lê Thánh Tông với Tao Đàn nhị thập bát tú...

Đặc biệt gây ấn tượng là các bạn được tận mắt thấy một kỷ vật gắn liền với Nguyễn Du - bộ bàn ghế từng được đại thi hào dùng làm việc trong 10 năm về sống ở quê vợ Thái Bình.

Còn ở thời cận - hiện đại, tất cả các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 60 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật từ trước đến năm 2012 đều có “góc riêng” của mình trên tầng 2, tầng 3.

Mỗi “góc riêng” ấy là một câu chuyện kể về đời văn, nghề văn của các tác gia được gắn liền với những trang bản thảo, những tác phẩm xuất bản lần đầu, các kỷ vật như bộ bàn ghế, quần áo, kính, mũ, batoong, đôi giày vải, chiếc chăn, xe đạp, chiếc máy chữ, radio, võng, đàn guitar...

Đặc biệt, với thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ, có những kỷ vật đã khiến người xem xúc động như bộ đồ công tác của đội trưởng đại đội đặc công vùng ven Chu Lai; viên gạch đồng đội khắc tên nhà văn Trần Đăng để đánh dấu mộ ông khi ông hi sinh ở Lạng Sơn; hình ảnh tái hiện nhà thơ Thu Bồn cõng con đi dọc đường Trường Sơn đánh Mỹ; câu chuyện về chiếc chum gắn liền với sự hi sinh của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân qua lời kể của hướng dẫn viên...

Ngoài ra, bảo tàng còn có những góc tái hiện không khí nhà văn nơi chiến trường, không khí đọc thơ, ngâm thơ, hát ca trù, chợ quê... đã gắn liền với một thời sinh hoạt văn chương Việt Nam.